Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Kon Tum: Gần 900 tỷ đồng thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2022

Ngọc Thu - 13:23, 05/11/2022

Trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Kon Tum được Trung ương phân bổ hơn 2.752,66 tỷ đồng vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Trong đó, tỉnh đã xây dựng kế hoạch bố trí nguồn ngân sách địa phương đối ứng là 623,45 tỷ đồng.

Tỉnh Kon Tum nỗ lực gìn giữ văn hóa truyền thống các DTTS trên địa bàn
Tỉnh Kon Tum nỗ lực gìn giữ văn hóa truyền thống các DTTS trên địa bàn

Cụ thể, nguồn vốn đầu tư cho thực hiện các chương trình là: Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi gần 1.728,07 tỷ đồng, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững hơn 637,72 tỷ đồng, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới là 386,87 tỷ đồng.

Riêng năm 2022, tỉnh Kon Tum có tổng số vốn thực hiện các chương trình MTQG là trên 898,43 tỷ đồng. Hiện tại, các đơn vị, địa phương đang khẩn trương hoàn thành các thủ tục giao vốn, phê duyệt dự án, dự toán chi tiết; phấn đấu thực hiện giải ngân kế hoạch vốn với tỷ lệ cao nhất. Theo kế hoạch tỉnh đề ra, đến ngày 31/1/2023, toàn tỉnh sẽ thực hiện giải ngân đạt khoảng 91,69% dự toán Trung ương giao.

Bên cạnh đó, trong năm 2022, nguồn ngân sách tỉnh đã bố trí hơn 41,22 tỷ đồng thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới; các đơn vị, địa phương tiến hành cân đối, rà soát, sắp xếp được khoảng trên 60,48 tỷ đồng để đối ứng, lồng ghép thực hiện các chương trình còn lại, vượt gần 15 tỷ đồng theo quy định được giao.

Để nâng cao hiệu quả thực hiện các Chương trình MTQG, các ngành, địa phương tích cực lồng ghép, gắn kết chặt chẽ việc triển khai các nội dung, hợp phần của các chương trình với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh.

Kon Tum cũng đề ra mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh có từ 60 xã trở lên đạt chuẩn nông thôn mới, 4 huyện và Tp. Kon Tum đạt chuẩn nông thôn mới, hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Đến năm 2025, 100% hộ DTTS có đất ở, đất sản xuất; cơ bản hoàn thành công tác bố trí, sắp xếp ổn định dân cư vùng đặc biệt khó khăn, thiên tai sạt lở; trên 90% hộ DTTS sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; trên 50% số xã đặc biệt khó khăn thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm bình quân trong giai đoạn 2021 - 2025 từ 3 - 4%/năm, riêng các huyện nghèo giảm từ 6 - 8%/năm.