Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Kon Tum: Dân “khổ” vì thủy điện

Ngọc Chí - 18:29, 19/11/2024

Thời gian qua, người dân sinh sống, sản xuất quanh khu vực lòng hồ thủy điện Đăk Psi 6, xã Đăk Long, huyện Đăk Hà và lòng hồ thủy điện Plei Kần, thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) liên tiếp chịu cảnh nước dâng ngập hoa màu, đất đai sạt lở. Mặc dù người dân đã nhiều lần kiến nghị đến các cấp chính quyền, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết một cách triệt để. Việc chậm trễ này đã làm ảnh hưởng đến việc sản xuất và đời sống của người dân.

Đất đai, hoa màu bị trôi xuống lòng hồ

Thời gian qua, các hộ dân sinh sống ở khu vực quanh lòng hồ thủy điện Đăk Psi 6, xã Đăk Long, huyện Đăk Hà đã có nhiều đơn kiến nghị, gửi đến các cơ quan chức năng sớm vào cuộc, yêu cầu Công ty Cổ phần đầu tư thủy điện Đăk Psi 6 giải quyết những thiệt hại cho người dân do thủy điện gây ra.

Ông A Luy– Thôn trưởng thôn Pa Cheng, xã Đăk Long, huyện Đăk Hà lo lắng khi đất sản xuất của người dân trong thôn liên tục bị sạt lở do thủy điện Đăk Psi 6 tích nước
Ông A Luy– Thôn trưởng thôn Pa Cheng, xã Đăk Long, huyện Đăk Hà lo lắng khi đất sản xuất của người dân trong thôn liên tục bị sạt lở do thủy điện Đăk Psi 6 tích nước

Có diện tích cây trồng quanh khu vực lòng hồ thủy điện Đăk Psi 6, ông A Luy (dân tộc Ba Na), Thôn trưởng thôn Pa Cheng, xã Đăk Long, huyện Đăk Hà bức xúc: Chúng tôi canh tác, sinh sống ở đây hàng chục năm nay không sao cả, từ khi thủy điện Đăk Psi 6 tích nước, thì nước trong lòng hồ nhiều lần dâng cao gây ngập úng gần 1 sào mì và nhiều loại cây trồng dài ngày trong vườn. Đất đai liên tục bị xâm lấn vì tình trạng sạt lở quanh lòng hồ thuỷ điện. Việc đền bù, hỗ trợ chỉ là một phần, chúng tôi còn mong muốn thủy điện, chính quyền cần có những hướng ngăn chặn tình trạng trên để bà con quanh lòng hồ yên tâm sản xuất.

Theo ghi nhận của phóng viên, dọc lòng hồ thủy điện Đăk Psi 6 xuất hiện nhiều vị trí sạt lở, có đoạn dài hơn 100m, rộng gần 20m, tạo thành những bờ vực cao nguy hiểm. Với địa hình đồi dốc, thổ nhưỡng là đất cát, người dân hay đến gần khu vực mép sông để canh tác nên nguy hiểm luôn rình rập.

Hơn 20 cây cà phê đang chuẩn bị thu hoạch của gia đình ông Nguyễn Huy Thành (áo trắng), thôn Pa Cheng, xã Đăk Long, huyện Đăk Hà bị ngập úng do thủy điện Đăk Psi 6 tích nước
Hơn 20 cây cà phê đang chuẩn bị thu hoạch của gia đình ông Nguyễn Huy Thành (áo trắng), thôn Pa Cheng, xã Đăk Long, huyện Đăk Hà bị ngập úng do thủy điện Đăk Psi 6 tích nước

Ông Nguyễn Huy Thành, thôn Pa Cheng, xã Đăk Long, huyện Đăk Hà cho biết: Thủy điện tích nước đã vượt qua mốc, có chỗ trên 1m, vườn nhà tôi có hơn 20 cây cà phê đang chuẩn bị thu hoạch bị ngập úng, một số cây đã bị sạt xuống lòng hồ. Tôi đã làm đơn gửi lên xã nhiều lần rồi, bên công ty thủy điện có xuống, nhưng mà chỉ có hứa thế thôi rồi lại về. Dân kêu miết mà cũng không được giải quyết.

Dân mỏi mòn chờ bồi thường

Tại Hội nghị tiếp xúc cử tri HĐND cấp tỉnh và huyện ngày 07/6/2024, người dân đã có rất nhiều ý kiến liên quan đến quá trình tích nước của thủy điện Đăk Psi 6 làm ảnh hưởng đến đất và tài sản trên đất của các hộ dân trên địa bàn xã Đăk Long.

Cũng trong thời gian này, UBND xã Đăk Long nhận được 06 đơn kiến nghị của công dân về việc thủy điện Đăk Psi 6 tích nước vận hành thử nghiệm nhà máy, làm ảnh hưởng đến đất và cây trồng của người dân trong khu vực lòng hồ của công trình, gây khó khăn cho người dân trong quá trình canh tác.

Thủy điện Đăk Psi 6 tích nước vận hành nhà máy làm ngập úng nhiều diện tích cây trồng của người dân xã Đăk Long, huyện Đăk Hà
Thủy điện Đăk Psi 6 tích nước vận hành nhà máy làm ngập úng nhiều diện tích cây trồng của người dân xã Đăk Long, huyện Đăk Hà

Ông Hoàng Công Ái, Chủ tịch UBND xã Đăk Long, huyện Đăk Hà cho biết: Ngay sau khi thủy điện Đăk Psi 6 tích nước gây ngập nhiều diện tích hoa màu của người dân, chính quyền địa phương đã trực tiếp xuống hiện trường để ghi nhận thiệt hại ban đầu. Xã đã mời đại diện thủy điện và các hộ dân có đơn kiến nghị đi kiểm tra xác minh, đo đạc thực tế hiện trạng một số diện tích bị sạt lở, ngập úng. Tuy nhiên, phương án và các chính sách bồi thường, hỗ trợ từ phía thuỷ điện vẫn chưa có.

Tương tự, sau khi thủy điện Plei Kần tích nước đã gây sạt lở đất và ngập úng hoa màu của nhiều hộ dân ở khu vực thị trấn Plei Kần và xã Đăk Nông, huyện Ngọc Hồi. Vụ việc diễn ra một thời gian dài, nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Sau khi Báo Dân tộc và Phát triển có bài phản ánh: “Thủy điện Plei Kần vận hành gần 4 năm, nhưng dân vẫn chưa nhận đủ tiền bồi thường”, đến thời điểm hiện nay, Công ty Cổ phần Tấn Phát đã tiến hành chi trả tiền hỗ trợ, bồi thường cho 8 hộ dân. Tuy nhiên, hiện chỉ mới có 6 hộ được trả đủ tiền, còn lại 2 hộ Công ty vẫn chưa trả đủ số tiền theo phương án bồi thường, hỗ trợ, gồm: Ông Nguyễn Văn Minh, với số tiền chưa chi trả là hơn 247 triệu đồng, ông Phạm Văn Hoãn với số tiền chưa chi trả hơn 138 triệu đồng.

Hiện vẫn còn một số hộ dân ở thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi bị ảnh hưởng do thủy điện Plei Kần chưa nhận đủ tiền hỗ trợ, bồi thường theo phương án đã được phê duyệt
Hiện vẫn còn một số hộ dân ở thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi bị ảnh hưởng do thủy điện Plei Kần chưa nhận đủ tiền hỗ trợ, bồi thường theo phương án đã được phê duyệt

Ông Phạm Văn Hoãn, thôn 6, thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi cho biết: Sau khi các cơ quan báo chí phản ánh, Công ty có lên trả cho gia đình tôi 113 triệu đồng, còn lại hơn 138 triệu đồng Công ty hứa sẽ trả trước ngày 19/9/2024. Nhưng đến nay, vẫn chưa trả, tôi liên hệ với lãnh đạo thủy điện Plei Kần, thì họ bảo mới đền bù vậy thôi, cho khất nợ đến tháng 11. Hơn 4 năm nay rồi mà Công ty cứ khất nợ miết thế này thì dân chúng tôi rất khổ.

Ông Trần Sỹ Hải, Chủ tịch UBND thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi cho biết: Hiện nay, có 02 hộ dân vẫn chưa nhận đủ tiền hỗ trợ, bồi thường theo phương án đã được phê duyệt và 02 hộ dân này đã có kiến nghị đến UBND thị trấn. Có 7 hộ tiếp tục bị ảnh hưởng và người dân đã kiến nghị bên thủy điện Plei Kần phối hợp với các ngành xuống kiểm tra, đánh giá hiện trạng để có phương án hỗ trợ cho người dân nếu đúng nguyên nhân bị ảnh hưởng từ thủy điện.

Vấn đề này UBND thị trấn đã báo cáo về UBND huyện và kiến nghị với UBND huyện làm việc với bên thủy điện Plei Kần. Tuy nhiên, sau khi UBND huyện làm việc thì đến thời điểm hiện nay, các vấn đề này vẫn chưa được giải quyết. "UBND thị trấn cũng mong muốn các cơ quan chức năng của tỉnh, huyện tiếp tục quan tâm làm việc với thủy điện Plei Kần để giải quyết dứt điểm vấn đề này, giúp Nhân dân yên tâm lao động sản xuất",   ông Hải cho biết thêm.

Sẽ giải quyết trong tháng 12/2024?!

Trước những kiến nghị của người dân bị thiệt hại do thủy điện Plei Kần và thủy điện Đăk Psi 6 gây ra, ông Nguyễn Văn Quân, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tấn Phát (chủ đầu tư 2 thủy điện) thừa nhận, có việc sạt lở đất và hoa màu bị ngập quanh khu vực lòng hồ thủy điện Đăk Psi 6.

Ông Nguyễn Văn Quân cho biết: Sau khi có đơn kiến nghị của các hộ dân liên quan đến thủy điện Đăk Psi 6, Công ty đã cùng chính quyền xã Đăk Long đi kiểm tra xác minh. Do hiện tại thủy điện đang thực hiện việc tích nước vận hành, thuỷ điện sẽ xác định cao trình của mực nước có thể ảnh hưởng đến đất đai, hoa màu để đền bù tổng thể. Chúng tôi cam kết sẽ giải quyết trước tháng 12/2024.

Theo ông Nguyễn Văn Quân, riêng đối với những thiệt hại của các hộ dân trên địa bàn thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi do thủy điện Plei Kần, thì vừa rồi Công ty đã giải quyết cho 8 hộ, trong đó còn 2 hộ Công ty chưa trả đủ tiền. Do Công ty đang khó khăn về tài chính và dự kiến trước ngày 15/12/2024, Công ty sẽ trả hết tiền bồi thường, hỗ trợ cho 02 hộ dân này.

Cầu treo bắt qua sông Pô Kô, thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi được nghiệm thu hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2021 mà đến nay Công ty Cổ phần Tấn Phát vẫn chưa chi đủ số tiền tài trợ như cam kết
Cầu treo bắt qua sông Pô Kô, thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi được nghiệm thu hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2021 mà đến nay Công ty Cổ phần Tấn Phát vẫn chưa chi đủ số tiền tài trợ như cam kết

Đối với khoản tiền 3 tỷ đồng tài trợ cho huyện Ngọc Hồi xây dựng cầu treo, ông Nguyễn Văn Quân cho biết: Do ảnh hưởng của dịch Covid 19 nên Công ty đang gặp khó khăn, riêng về số tiền còn lại 2 tỷ đồng, dự kiến đến cuối năm 2024 Công ty sẽ trả khoảng 500 triệu đồng và số tiền còn lại sẽ trả vào các năm sau. Công ty cũng xác định, đây là cam kết và mình có trách nhiệm thực hiện. Bên cạnh đó, Công ty đề nghị UBMTTQ Việt Nam huyện Ngọc Hồi cung cấp hồ sơ theo quy định của hợp đồng.

Mong muốn lớn nhất của người dân lúc này, là các cơ quan chức năng từ tỉnh đến huyện cần vào cuộc quyết liệt để Công ty Cổ phần Tấn Phát chủ đầu tư các công trình thủy điện sớm bồi thường, hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại để người dân có tiền tái đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, ổn định đời sống. Đồng thời, giải quyết dứt điểm số tiền mà Công ty đã cam kết tài trợ cho huyện Ngọc Hồi xây dựng cầu treo phục vụ Nhân dân qua lại sông Pô Kô. 

Tin cùng chuyên mục
Mai Châu (Hòa Bình): Chương trình MTQG 1719 thúc đẩy phong trào văn hóa cơ sở vùng đồng bào DTTS

Mai Châu (Hòa Bình): Chương trình MTQG 1719 thúc đẩy phong trào văn hóa cơ sở vùng đồng bào DTTS

Nhằm thúc đẩy phong trào văn hóa cơ sở, những năm qua, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình đã tích cực triển khai thực hiện Dự án 6 về Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719). Nhờ đó, các câu lạc bộ, đội văn nghệ truyền thống được quan tâm hỗ trợ; hệ thống thiết chế văn hóa tại các thôn, xã được đầu tư, xây dựng góp phần thúc đẩy phong trào văn hóa cơ sở, nâng cao đời sống Nhân dân.