Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Kiểm soát quy hoạch trồng quế tại Lào Cai: Không thể phát triển "nóng"

Trọng Bảo - 18:26, 28/12/2022

Những năm trở lại đây, cây quế được nhiều địa phương của tỉnh Lào Cai lựa chọn là cây trồng chủ lực để xóa đói, giảm nghèo. Với đặc tính dễ chăm sóc và cho thu nhập cao, người dân đã mạnh dạn chuyển đổi các diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng quế. Tuy nhiên, việc ồ ạt mở rộng vùng trồng đang khiến cây quế đứng trước nguy cơ phát triển thiếu bền vững.

Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường (thứ hai từ phải sang) tham gia trồng quế với bà con nông dân xã Vĩnh Yên
Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường (thứ hai từ phải sang) tham gia trồng quế với bà con nông dân xã Vĩnh Yên

Xã Vĩnh Yên, huyện Bảo Yên có hơn 3.000 ha quế. Từ đầu năm 2022 đến nay, diện tích quế được trồng mới trên địa bàn xã đã lên tới 100 héc-ta, vượt 150% kế hoạch được giao. Diện tích liên tục mở rộng trong thời gian ngắn, khiến cây quế ở Vĩnh Yên đứng trước nguy cơ bị ảnh hưởng nghiêm trọng về năng suất và chất lượng.

“Thời gian vừa qua, bà con trồng quế cũng chưa tuân thủ khoảng cách giữa cây với cây, thậm chí có hộ trồng chỉ cách nhau 80 phân. Đối với diện tích mà trồng dày như vậy, thì cây quế phát triển rất chậm. Nhiều hộ cũng đã phải chặt tỉa bớt; như vậy rất lãng phí do số tiền bỏ ra mua giống…”, ông Hoàng Văn Điền, Phó chủ tịch UBND xã Vĩnh Yên cho biết.

Báo cáo của ngành Nông nghiệp Lào Cai cho thấy, hàng năm, sản lượng quế trung bình toàn tỉnh đạt 5.100 tấn vỏ khô, 51.000 tấn cành lá. Con số này dự báo sẽ tăng dần trong những năm tới do diện tích quế đến tuổi khai thác tăng. Tỉnh Lào Cai đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có khoảng 55. 000 ha quế. Tuy nhiên, đến thời điểm này, diện tích quế toàn tỉnh đã đạt trên 53.000 ha, đứng thứ hai cả nước. 

Điều đáng nói là, cây quế ở Lào Cai vẫn chủ yếu được trồng theo kinh nghiệm truyền thống, mật độ dày và năng suất còn thấp, diện tích trồng quế phát triển nhanh nhưng chưa theo quy hoạch; một số nơi trồng ra ngoài vùng sinh thái dẫn đến quế phát triển chậm, kém chất lượng, hiệu quả không cao. Diện tích rừng quế đạt tiêu chuẩn quế hữu cơ còn chiếm tỷ lệ thấp... Các sản phẩm chế biến từ quế mới chỉ dừng lại ở dạng thô, giá thành không cao và thị trường tiêu thụ thiếu bền vững.

Tập trung chế biến sâu các sản phẩm từ quế góp phần nâng cao giá trị
Tập trung chế biến sâu các sản phẩm từ quế góp phần nâng cao giá trị

“Để nâng cao giá trị cây quế, thì các địa phương bên cạnh việc mở rộng diện tích, thì cần tập trung phát triển theo chiều sâu, quy hoạch giống, nâng cao chất lượng. Cùng với đó, tăng cường liên kết chế biến sản phẩm theo chuỗi giá trị, chứ không chỉ chạy theo số lượng. Có như vậy thì mới nâng cao giá trị cây quế trong thời gian tới”, ông Lê Anh Tuấn, tư vấn cao cấp dự án GREAT (Úc) nhấn mạnh.

Đồng quan điểm này, ông Vũ Văn Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Triều Dương, tỉnh Lào Cai cho rằng, để nâng cao giá trị cây quế cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người nông dân trong quá trình sản xuất và bao tiêu sản phẩm thì phải có quy hoạch lâu dài. 

Cùng với đó, các cơ quan chức năng và địa phương cần quản lý chặt chẽ trong việc triển khai quy hoạch này; làm sao các nhà máy và vùng trồng phù hợp. Hạn chế xây dựng các đơn vị chế biến thô để tập trung xây dựng các nhà máy quy mô, công suất lớn, chế biến sâu. Từ đó, sản xuất và chế biến được những sản phẩm có thương hiệu, có thị trường và giá trị cao.

Xây dựng các nhà máy công suất lớn, công nghệ hiện đại để cho ra các sản phẩm đa dạng và giá trị cao từ quế
Xây dựng các nhà máy công suất lớn, công nghệ hiện đại để cho ra các sản phẩm đa dạng và giá trị cao từ quế

Nghị quyết số 10-NQ/TU của Tỉnh ủy Lào Cai về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, xác định hình thành vùng trồng quế tập trung, theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Tập trung phát triển chuỗi sản phẩm quế hữu cơ mang thương hiệu sản phẩm quốc gia; từng bước vươn ra thị trường thế giới và trở thành mặt hàng nông lâm sản xuất khẩu chính; gắn phát triển vùng nguyên liệu quy mô tập trung sản xuất theo tiêu chuẩn..Tập trung xây dựng thương hiệu quế Lào Cai, đến năm 2025 có 30% sản phẩm quế được công nhận hữu cơ. Đến năm 2050, có trên 50% sản phẩm quế đạt chứng nhận hữu cơ và được quản lý trên hệ thống xác thực số (QRS). 

Tỉnh Lào Cai đang tập trung quy hoạch, phát triển vùng nguyên liệu theo hướng hữu cơ do người dân xây dựng và có sự liên kết với doanh nghiệp. Tỉnh đã và đang kêu gọi doanh nghiệp đầu tư theo hướng chế biến sâu, tìm kiếm thị trường, hình thành chuỗi liên kết từ việc ươm, trồng, chế biến đến tiêu thụ.

Cây quế được tỉnh Lào Cai xác định là một trong những cây trồng chủ lực góp phần nâng cao thu nhập cho bà con nông dân
Cây quế được tỉnh Lào Cai xác định là một trong những cây trồng chủ lực góp phần nâng cao thu nhập cho bà con nông dân

“Doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận thị trường, thì các địa phương sẽ tìm kiếm được thị trường mới, đặc biệt là các thị trường khó tính nhưng giá trị lại rất cao, ví dụ như thị trường châu Âu, Mỹ. Có như vậy mới bảo đảm hiệu quả sản xuất lâu dài, bền vững. Doanh nghiệp lo được đầu ra, nông dân là người trồng và canh tác; như vậy, góp phần tạo ra vùng nguyên liệu bền vững phục vụ cho các nhà máy", ông Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai nêu rõ.

Kiểm soát tốt vùng trồng, bảo đảm chất lượng quế là điều kiện quan trọng để bảo vệ thương hiệu, nâng cao sức cạnh tranh, giúp sản phẩm quế Lào Cai vươn tới nhiều thị trường trong và ngoài nước.