Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Kích cầu tiêu dùng nội địa: Bài toán phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19

Thúy Hồng - 16:05, 25/05/2020

Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế Việt Nam. Trong bối cảnh khó khăn này, Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng nhanh chóng đề ra các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19. Trong nhóm giải pháp đó, kích cầu tiêu dùng nội địa là một trong những giải pháp quan trọng.

Thị trường tiêu dùng trong nước đang có nhiều tiềm năng.
Thị trường tiêu dùng trong nước đang có nhiều tiềm năng.

Qua khảo sát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hầu hết các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế nước ta chịu ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19, nhiều hoạt động kinh tế - xã hội (KT-XH) ngưng trệ. Kết quả khảo sát 126.565 doanh nghiệp (DN) trên cả nước cho thấy, có 85,7% số DN bị tác động của dịch Covid-19. Trong quý I/2020 tăng trưởng GDP thấp, chỉ dừng lại 3,82%, tỷ lệ thiếu việc làm tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây…

Trước những tác động nặng nề đó, để đạt được những mục tiêu tăng trưởng, tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra 5 mũi đột phá để nước ta vượt qua khó khăn giai đoạn này. Một trong những giải pháp hữu hiệu và quan trọng phục hồi nền kinh tế chính là đẩy mạnh tiêu dùng nội địa.

TS. Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, thành viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhìn nhận: Chúng ta phải tập trung các giải pháp kích cầu tiêu dùng, mở rộng thị trường trong nước. Đây là nguồn cực lớn có thể huy động đến hàng triệu tỷ đồng, nó không chỉ có ý nghĩa trong bối cảnh dịch Covid-19 mà cả về sau nữa.

Công bố của Tổng cục Thống kê cho thấy, ước tính tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4 của Việt Nam giảm 26% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, điểm sáng là doanh thu bán lẻ hàng hóa 4 tháng đầu năm 2020 vẫn tăng nhẹ (tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước) nhờ hình thức mua sắm trực tuyến.

Điều đó cho thấy, thị trường trong nước rất giàu tiềm năng. Đây cũng là cơ hội cho DN muốn vươn ra thị trường thế giới thì trước hết phải làm tốt thị trường nội địa; cần coi trọng vai trò của thị trường nội địa. Các DN sản xuất kinh doanh cần “ăn sâu, bén rễ” vào thị trường quan trọng này để phát triển.

Ông Lê Văn Sơn, đại diện Công ty CP Nafood Tây Bắc cho biết: Thị trường tiêu dùng trong nước là một thị trường lớn, giàu tiềm năng để cho các DN có thể quảng bá được các sản phẩm đến với người tiêu dùng.

Theo tính toán của Bộ Công Thương, trung bình cứ 100.000 dân thì cần có 1 đại siêu thị và 1 trung tâm thương mại; cứ 10.000 dân cần 1 siêu thị cỡ trung bình; còn 1.000 dân cần 1 - 3 cửa hàng tiện lợi. Ngoài ra, Việt Nam có cơ cấu dân số trẻ (60% dân số ở độ tuổi 18 - 50); chi tiêu hộ gia đình dự báo ngày càng tăng.

Để kích cầu tiêu dùng nội địa, mở rộng thị trường trong nước, một số giải pháp cụ thể cũng đã được Bộ Công Thương đưa ra là: Triển khai kịp thời và hiệu quả các chương trình kích cầu tiêu dùng trong nước thông qua hai công cụ kích thích tiêu dùng và hỗ trợ các DN phân phối các mặt hàng thiết yếu cho đầu tư, phát triển chợ đô thị; đẩy mạnh chương trình đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng thương mại khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS… để vực dậy nền kinh tế.

Đối với vùng DTTS và miền núi, để đẩy mạnh tiêu dùng, cần đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, dịch vụ thương mại, nâng cấp đường giao thông, phát triển hệ thống chợ; quan tâm đến các hoạt động phát triển, xúc tiến thương mại; hỗ trợ người dân phát triển kinh doanh các mặt hàng thiết yếu, chủ lực tại địa phương.