Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Khuyến nông cộng đồng hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu cà phê bền vững

Ngọc Thu - 05:34, 18/11/2023

Ngày 17/11, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh gia Lai tổ chức hội thảo Khuyến nông cộng đồng trong phát triển vùng nguyên liệu cà phê Tây Nguyên. Thông qua các tổ khuyến nông cộng đồng, vùng nguyên liệu cà phê Tây Nguyên đang được "giúp sức" để sản xuất đạt tiêu chuẩn, hướng đến phát triển ngành hàng bền vững.

Quang cảnh hội thảo
Quang cảnh hội thảo

Báo cáo tại hội thảo, sau gần 2 năm triển khai thí điểm, đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng” đã gặt hái được những thành quả nhất định. Theo đó, đề án thí điểm đã được triển khai tại 13 tỉnh thuộc 5 vùng nguyên liệu, kết quả đã xây dựng được 26 tổ khuyến nông cộng đồng. Ngoài ra, các tỉnh đã thành lập các tổ khuyến nông cộng đồng phục vụ Đề án vùng nguyên liệu.

Trên thực tế, tổ khuyến nông cộng đồng đã phối hợp với các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để liên kết tiêu thụ sản phẩm cà phê tại 4 tỉnh Tây Nguyên. Trong đó, 2 tổ khuyến nông cộng đồng thí điểm tại Gia Lai đã ký hợp đồng nguyên tắc với Công ty TNHH Vĩnh Hiệp về tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho người sản xuất về cây cà phê bền vững, an toàn lao động trong sản xuất.

Tại tỉnh Kon Tum, 2 tổ khuyến nông cộng đồng đã ký hợp đồng liên kết với Công ty TNHH Vĩnh Hiệp và biên bản thỏa thuận hợp tác với 373 hộ nông dân trong sản xuất và bao tiêu gần 2.000 tấn cà phê nhân 4C. Ngoài ra, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp đã hỗ trợ triển khai 50 lớp tập huấn chương trình sản xuất cà phê bền vững, cũng như việc phối hợp đánh giá để cấp chứng nhận 4C cho các hộ tham gia. Đến nay các tổ khuyến nông cộng đồng đã hỗ trợ cho Công ty TNHH Vĩnh Hiệp mở rộng thêm gần 570ha vùng nguyên liệu cà phê đạt chuẩn 4C.

Tại tỉnh Đắk Lắk, 2 tổ khuyến nông cộng đồng thí điểm đã thực hiện ký liên kết tiêu thụ sản phẩm cà phê với Công ty TNHH Vĩnh Hiệp đồng thời cũng hỗ trợ về tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho người sản xuất cà phê. Tại Đắk Nông, 2 tổ khuyến nông cộng đồng thí điểm đã thực hiện ký biên bản thỏa thuận với 2 công ty về bao tiêu sản phẩm Cà phê.

Bên cạnh những kết quả đạt được, đề án thí điểm tổ khuyến nông cộng đồng cũng gặp không ít khó khăn. Trong đó, việc thảo luận và xây dựng quy chế khuyến nông cộng động chưa thực sự dân chủ, thiếu sự thảo luận và đóng góp của khuyến nông viên cộng đồng, chính quyền địa phương, nên đôi khi quy chế này được xây dựng mang tính hành chính.

Mặt khác, do mới được thành lập và đi vào hoạt động nên còn gặp nhiều khó khăn trong công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động, chưa thực hiện được 4 nhóm nhiệm vụ về liên kết thị trường, tư vấn HTX, đào tạo nông dân kỹ thuật số. Trên thực tế các tổ khuyến nông cộng đồng chủ yếu làm nhiệm vụ kết nối các bên.

Các thành viên trong tổ khuyến nông cộng đồng còn hạn chế về kiến thức để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, đặc biệt là kiến thức về phát triển thị trường, quản trị HTX, liên kết theo chuỗi giá trị, quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp.... Ngoài ra, các tổ khuyến nông cộng đồng còn gặp khó khăn về việc thiếu các trang thiết bị đào tạo và kinh phí làm việc để tổ thực hiện nhiệm vụ.

Ông Đoàn Ngọc Có, Phó Giám đốc Sở Nông Nghiệp và PTNT tỉnh Gia Lai nêu khó khăn, giải pháp thực hiện của các tổ khuyến nông cộng đồng tại Gia Lai
Ông Đoàn Ngọc Có, Phó Giám đốc Sở Nông Nghiệp và PTNT tỉnh Gia Lai nêu khó khăn, giải pháp thực hiện của các tổ khuyến nông cộng đồng tại Gia Lai

Tại hội thảo, các đại biểu đã tham gia tọa đàm, trao đổi những kinh nghiệm để phát triển khuyến nông tại cơ sở. Ông Đoàn Ngọc Có, Phó Giám đốc Sở Nông Nghiệp và PTNT tỉnh Gia Lai nhận định, khó khăn lớn nhất của các tổ khuyến nông cộng đồng là kinh phí hoạt động. Hiện các tổ khuyến nông cộng đồng có nguồn thu nhưng chưa thực sự đảm bảo nguồn kinh phí để hoạt động hiệu quả.

Trước những khó khăn trên, Gia Lai đã xây dựng kế hoạch khuyến nông để hỗ trợ các chính sách cho các tổ khuyến nông cộng đồng. Trong đó, lồng ghép với các tổ khuyến nông cộng đồng để hỗ trợ sản xuất theo tiêu chuẩn, xây dựng bao bì nhãn mác cho thương hiệu cà phê. Hỗ trợ các chính sách phát phát triển HTX và các sản phẩm OCOP, chính sách tín dụng gắn với các tổ khuyến nông cộng đồng. Gia Lai mong muốn các tổ khuyến nông cộng đồng sẽ giúp được nhiều cho người nông dân, thông qua việc tư vấn về quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê một cách bền vững nhất.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Lê Quốc Thanh phát biểu tại hội thảo
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Lê Quốc Thanh phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, hiện nay, các địa phương đang tích cực vào cuộc, các tổ khuyến nông cộng đồng đã phát huy hiệu quả rất tốt tại các vùng nguyên liệu cà phê.

Mong muốn của chúng tôi sẽ xây dựng các tổ khuyến nông cộng đồng để làm sao kết nối được giữa các nhà chuyển giao công nghệ, doanh nghiệp và thị trường tiêu thụ. Trên thực tế, các tổ khuyến nông cộng đồng này đang triển khai tốt, phát huy hiệu quả. Hoạt động của các tổ khuyến nông cộng đồng tương đối đa dạng dẫn đến không có mô hình mẫu để phát triển. Thời gian tới, chúng ta phải tăng cường năng lực khuyến nông cơ sở để thu hút được các thành phần tham gia vào công tác khuyến nông, giúp tổ khuyến nông cộng đồng tiếp cận được với các phương pháp mới, có đầy đủ các trang thiết bị giúp cho hoạt động sản xuất hiệu quả.