Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Khu vực miền núi phía Bắc: Bệnh nhân gia tăng trong những ngày giá rét

PV - 11:47, 08/02/2018

Những ngày qua, do thời tiết ở các tỉnh phía Bắc rét đậm, rét hại kéo dài, có những nơi xuống tới 0 độ c nên xuất hiện nhiều căn bệnh đặc trưng của ngày rét. Theo đó, số bệnh nhân nhập viện tăng cao, trong đó có rất nhiều bệnh nhân là người DTTS ở vùng sâu, vùng xa phải xuống Hà Nội chữa bệnh, khiến cuộc sống gặp hết sức khó khăn.

Gia tăng nhiều bệnh ngày rét

Bà Hà Thị Tình, dân tộc Mường ở Phú Thọ cho biết, trong những ngày qua do giá rét kéo dài, bà bị mắc chứng cứng cơ miệng, khó nói chuyện nên phải nằm ở nhà chữa bệnh, nhưng nằm nhiều ngày mà không khỏi. Sau đó, gia đình đưa bà xuống bệnh viện huyện điều trị nhưng không tìm được nguyên nhân. Do vậy, gia đình đã phải đưa bà xuống Bệnh viện Châm cứu Trung ương ở Hà Nội. Tại đây, các bác sĩ cho biết, bà bị liệt dây thần kinh số 7, do để quá lâu. Rất may, được các bác sĩ tận tình cứu chữa bà đã dần dần nói được trở lại.

Nhiều người DTTS phải xuống Hà Nội chữa bệnh trong những ngày qua. Nhiều người DTTS phải xuống Hà Nội chữa bệnh trong những ngày qua.

 

Bác sĩ (BS) Dương Văn Tâm, Trưởng khoa Liệt vận động và Ngôn ngữ trẻ em, Bệnh viện Châm cứu Trung ương cho biết, trường hợp bị liệt dây thần kinh số 7 liên tục gia tăng trong những ngày gần đây. Mỗi ngày BV có từ 20-30 người nhập viện vì méo miệng, liệt mặt, trợn mắt, trong đó không ít bệnh nhân là người DTTS ở vùng sâu, vùng xa. Căn bệnh này không chỉ trẻ em, người già mà ngay cả người trưởng thành cũng mắc phải. Khi bị liệt dây thần kinh số 7, bệnh nhân có thể có triệu chứng mắt mở không nhắm được, hoặc mắt nhắm mắt mở, mồm bị méo, khó vận động cơ miệng...

Tuy nhiên, đó là những trường hợp đã bị khá nặng. Nhiều bệnh nhân không phát hiện được bệnh vì chỉ khi cười, khi nói khuôn miệng bị lệch mới lộ rõ. Nếu không chữa kịp thời, bệnh có thể tiến triển nặng hơn, khó hồi phục các chức năng như bình thường, đặc biệt là với các trường hợp bị liệt nửa người.

Còn PGS. TS Mai Duy Tôn, khoa Cấp cứu A9 BV Bạch Mai cũng cho biết, những ngày qua số lượng bệnh nhân đột quỵ tăng vọt so với ngày thường. Dù chưa có số lượng thống kê chính xác, song ước tính, mỗi ngày khoa tiếp nhận khoảng 10-20 bệnh nhân đột quỵ. Bệnh thường gặp ở những người có tiền sử cao huyết áp, tim mạch.

Người nhà cũng đổ bệnh vì chăm người ốm

Tình trạng người DTTS xuống Hà Nội nhập viện không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới các bệnh nhân mà người nhà của họ cũng gặp phải không ít khó khăn. Để đảm bảo sức khỏe bệnh nhân trong những ngày này, nhiều BV tại Hà Nội đã triển khai các biện pháp tăng cường chống rét như đảm bảo đủ quần áo ấm và chăn màn, lắp đặt thêm quạt sưởi, đèn sưởi ở các khu vực khám chữa bệnh, điện tim, lấy máu…Tuy nhiên, những người chăm nuôi bệnh nhân lại phải chống đỡ với cái lạnh ngoài trời. Khi bước vào bất cứ BV nào của Hà Nội, người ta dễ dàng nhìn thấy hình ảnh người dân khệ nệ chăn chiếu bên cạnh hàng tá đồ dùng cá nhân lỉnh kỉnh bên mình.

Tại khu vực trước sảnh khoa Cấp cứu (BV Bạch Mai), nhiều người dân trùm kín đầu, ngồi co cụm và đắp chăn chống rét nhưng vẫn run bần bật. Bà Bùi Thị Thìn, dân tộc Mường (Hòa Bình) cho biết, đây là ngày thứ hai bà xuống Hà Nội để chăm anh trai bị bệnh. Do sức khỏe yếu, bệnh nhân phải nằm ở phòng chăm sóc đặc biệt, nên bà và một số anh chị em đi cùng phải túc trực ở ngoài sân BV. “Chúng tôi định ngủ lại ở đây qua đêm nhưng đến 1 giờ sáng thì lạnh quá, có chăn đắp cũng không chịu nổi nên đành lóc cóc đi tìm nhà trọ”.

Ngồi đối diện với bà Thìn, bà Giàng Thị Súa, ở Hà Giang trùm chăn gần kín đầu nhưng vẫn ho sù sụ. Bà Súa đi chăm người em nằm viện gần một tuần nay nhưng do nhà xa, điều kiện kinh tế cũng khó khăn nên đêm nào bà cũng ngủ tại ghế đá BV. Trời lạnh lại nhiều sương nên từ người khỏe mạnh, đến nay, Súa đã bắt đầu “khật khừ”.

Theo ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, trước thực tế này, Sở đã chỉ đạo các BV, các cơ sở y tế tăng cường kiểm tra công tác phòng chống rét cho bệnh nhân, đảm bảo phương tiện cấp cứu và thiết bị giữ ấm; đồng thời yêu cầu các cơ sở y tế bổ sung thêm khu vực chờ kín gió cho người nhà bệnh nhân đi thăm nuôi. Tuy nhiên, do người nhà bệnh nhân quá đông nên biện pháp này chỉ khắc phục được phần nào. Người dân vẫn cần sự chung tay giúp đỡ nhiều hơn nữa của các tổ chức thiện nguyện.

THIÊN ĐỨC