Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Không cần làm lại căn cước công dân sau khi điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính

PV - 20:35, 13/02/2023

Chiều 13/2, tại Phiên họp thứ 20, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thông qua các Nghị quyết về thành lập, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của 10 tỉnh: An Giang, Bắc Ninh, Bắc Kạn, Bến Tre, Bình Dương, Đắk Lắk, Quảng Nam, Thái Nguyên, Trà Vinh, Vĩnh Phúc, với tỷ lệ tán thành 100%.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua các Nghị quyết về thành lập một số đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của 10 tỉnh.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua các Nghị quyết về thành lập một số đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của 10 tỉnh.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xác định ngày có hiệu lực thi hành của các Nghị quyết về việc thành lập đơn vị hành chính đô thị tại 9 tỉnh Bình Dương, Bắc Ninh, An Giang, Quảng Nam, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bến Tre, Bắc Kạn, Đắk Lắk là từ ngày 10/4/2023 để các cơ quan, tổ chức và địa phương kịp thời kiện toàn tổ chức, thay đổi con dấu và các điều kiện cần thiết khác cho hoạt động của đơn vị hành chính mới được thành lập hoặc điều chỉnh.

Riêng đối với Nghị quyết về việc điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính giữa xã Ngũ Lạc và xã Long Khánh thuộc huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh, do không có thay đổi lớn về tổ chức chính quyền địa phương, không phải kiện toàn tổ chức, thay đổi các loại con dấu, giấy tờ hành chính nên trên cơ sở kiến nghị của địa phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất ngày có hiệu lực thi hành của Nghị quyết này là từ ngày 1/3/2023.

Trước đó, báo cáo tóm tắt về việc thành lập, nhập, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính của 10 tỉnh, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, việc thành lập, nhập đơn vị hành chính đô thị và điều chỉnh địa giới các đơn vị hành chính nêu trên bảo đảm đủ 5 điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 128 Luật Tổ chức chính quyền địa phương và đạt đủ các tiêu chuẩn quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13.

Về hồ sơ, thủ tục, Bộ trưởng nêu rõ, các tỉnh đã chỉ đạo các thành phố, thị xã và huyện liên quan tổ chức lấy ý kiến cử tri của xã, phường, thị trấn về phương án thành lập, nhập đơn vị hành chính đô thị và điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính. Kết quả được đa số cử tri đồng thuận và kết quả này đã được đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.

Các đề án đều đã được 100% đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, Hội đồng nhân dân cấp huyện và Hội đồng nhân dân cấp xã liên quan có mặt biểu quyết tán thành (riêng Hội đồng nhân dân tỉnh Trà Vinh có 95,74% đại biểu có mặt biểu quyết tán thành). Trên cơ sở đó, Ủy ban nhân dân các tỉnh đã có Tờ trình báo cáo Chính phủ xem xét theo thẩm quyền.

Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh, Ủy ban Pháp luật tán thành với việc thành lập 1 thành phố (Tân Uyên thuộc tỉnh Bình Dương), 3 thị xã (Thuận Thành và Quế Võ thuộc tỉnh Bắc Ninh, Tịnh Biên thuộc tỉnh An Giang), 34 phường (thuộc thành phố, thị xã của các tỉnh Bắc Ninh, An Giang, Quảng Nam, Vĩnh Phúc) và 11 thị trấn (thuộc các huyện của các tỉnh An Giang, Quảng Nam, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bến Tre, Bắc Kạn, Đắk Lắk), cũng như việc nhập xã Quân Chu vào thị trấn Quân Chu thuộc huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên và việc điều chỉnh địa giới của 2 đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Trà Vinh với những lý do nêu trong Tờ trình của Chính phủ.

Việc thành lập 4 đơn vị hành chính đô thị cấp huyện và 45 đơn vị hành chính đô thị cấp xã tại 9 tỉnh nêu trên sẽ làm tăng tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc lên thêm 0,47%, góp phần sớm hoàn thành mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đạt tối thiểu 45% theo yêu cầu tại Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Phiên họp.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Phiên họp.

Không cần làm lại căn cước công dân sau khi điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao công tác chuẩn bị kỹ lưỡng của Bộ Nội vụ, Ủy ban Pháp luật và 10 địa phương liên quan, cơ bản tán thành nội dung Chính phủ trình cũng như ý kiến của cơ quan thẩm tra.

Nhấn mạnh chủ trương thúc đẩy, phát triển đô thị nước ta đang đặt ra hết sức mạnh mẽ, Chủ tịch Quốc hội khẳng định mục tiêu cuối cùng của việc điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính là nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và phục vụ người dân.

Cho ý kiến về nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đặt vấn đề liên quan đến thực hiện quy định của luật cư trú trong cập nhật điều chỉnh thông tin liên quan đến địa chỉ, nơi cư trú của người dân trong cơ sở dữ liệu về cư trú và cơ sở dữ liệu quốc gia trong trường hợp điều chỉnh địa giới hành chính, tên của đơn vị hành chính.

Theo đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi liệu có phải thay đổi căn cước công dân gắn chip không, cách làm thế nào. “Với 49 xã và 4 huyện sẽ có cả triệu người dân thì có thay đổi căn cước công dân, có cấp lại không vì trước đây là huyện, giờ thành thị xã?”.

Trả lời vấn đề này, Thứ trưởng Công an Lương Tam Quang cho rằng, việc thành lập các đơn vị hành chính nêu trên là cần thiết, bảo đảm các quy định, yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Việc này cũng nhằm tạo thêm nguồn lực thuận lợi để bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm quản lý nhà nước về hành chính, cư trú.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Công an cho biết, khi thành lập các đơn vị hành chính cũng phát sinh một số yếu tố tác động, ảnh hưởng đến công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Đối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, lực lượng công an cơ sở đang thực hiện theo tinh thần “đúng, đủ, sạch, sống”. Dữ liệu được thu thập, được làm sạch và được cập nhật thường xuyên. Do đó, khi có nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, các dữ liệu này sẽ được lực lượng công an cơ sở cập nhật, bổ sung.

Cũng theo Thứ trưởng, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là điện tử, về nguyên tắc nếu trên căn cước công dân chưa thay đổi thì vào dữ liệu điện tử trong cơ sở dữ liệu đã được cập nhật, thay đổi thường xuyên, không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường.

“Nếu như chưa kịp thay đổi căn cước công dân thì trong cơ sở dữ liệu đã thể hiện địa giới hành chính, cái này được cập nhật thường xuyên. Căn cước công dân của chúng ta gắn chip nên sẽ không ảnh hưởng, đồng bộ ngay lập tức” - Thứ trưởng Lương Tam Quang thông tin.