Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Khốn khổ vì cây cao su

PV - 14:39, 09/04/2019

Từ năm 2007-2008, tỉnh Sơn La đã triển khai trồng trên 6.700ha cây cao su tại nhiều địa phương trong vùng đồng bào DTTS. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm chăm sóc, cây cao su cho mủ rất thấp dẫn đến nhiều hệ lụy.

Người dân lo lắng vì cây cao su còi cọc cho mủ thấp. Người dân lo lắng vì cây cao su còi cọc cho mủ thấp.

“Vỡ mộng” sau 10 năm trồng cao su

Cách đây khoảng 10 năm, thực hiện chủ trương trồng cây cao su, ông Lường Văn Chương, Trưởng bản Lạnh B, xã Tông Lạnh, huyện Thuận Châu đã góp 1,6ha đất canh tác ngô, sắn hằng năm của mình để trồng cao su. Không những vậy, bản thân ông còn cùng chính quyền đi vận động 147 hộ dân khác trong bản điền tên vào danh sách những hộ góp đất (hộ góp nhiều lên đến 7ha).

Theo Chương trình này, những hộ góp đất từ 1ha trở lên sẽ có một “suất” làm công nhân cho Công ty Cổ phần Cao su Sơn La (Công ty Cao su). Từ khi góp đất, nguồn thu nhập chính của các gia đình phụ thuộc vào đồng lương công nhân thời vụ. Do không có nguồn thu nhập nào khác, buộc ông Chương và gia đình phải lên núi canh tác.

Ông Chương buồn rầu cho biết: “Mình phải bắc thang trèo qua vách núi dựng đứng kia mất khoảng 5 phút, sau đó đi bộ 30 phút nữa mới đến nương, nếu đi xe máy phải vòng khoảng 5km đường gập ghềnh”.

Không chỉ khó khăn trong trồng trọt, giờ đây, đến thời kỳ thu hoạch mủ cao su thì người dân gần như hoàn toàn vỡ mộng. Vợ chồng anh Lò Văn Thuận và Lò Thị Đỉnh cho biết, năm 2008, gia đình anh chị góp 3.000m2 đất, nhưng sau hơn 10 năm đến nay cao su vẫn chưa cho khai thác, vậy là 10 nằm mòn mỏi chờ đợi giờ đành trắng tay.

Ông Trần Hữu Hùng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thuận Châu chia sẻ, có thể nói, Chương trình trồng cao su trên địa bàn hiện gặp vô vàn khó khăn. Diện tích cây cao su trồng trên địa bàn Thuận Châu từ 2008, mới chỉ cho thu hoạch rất thấp. Đã vậy, giá cao su lại rớt thê thảm.

Khó giải quyết hậu quả

Không chỉ đối mặt với vấn đề sản lượng thấp, giá rẻ, người trồng cao su trên địa bàn tỉnh Sơn La còn vướng mắc trong việc giành quyền sử dụng đất của chính mình.

Anh Lường Văn Bui, xã Mường Bon, huyện Mai Sơn phản ánh, khi chưa có Dự án trồng cây cao su, cuộc sống của bà con tương đối ổn định. Đến nay, sau 10 năm thì cuộc sống lại đảo lộn. Lợi nhuận từ cây cao su không bằng một phần của ngô, khoai, sắn… nên nhiều gia đình bức xúc đòi lại đất.

“Năm 2008, gia đình tôi góp toàn bộ 1,5ha nên không còn đất làm nương rẫy. Chúng tôi phải đi làm thuê ở bên ngoài kiếm tiền. Khi “vỡ mộng” đầu tư cao su, chúng tôi muốn đòi lại đất góp vốn để làm nương rẫy thì Công ty Cao su nói phải đóng 800 triệu đồng/ha mới trả”.

Được biết thời gian qua, nhiều người dân Sơn La đã kiến nghị: Công ty Cao su tăng mức lợi tức đền bù lại những mất mát của dân; mức lợi tức ít nhất phải tương đương với canh tác ngô hoặc sắn (20-30 triệu/ha/năm); hoặc Công ty Cao su phải trả lại đất cho dân để dân canh tác nương rẫy.

Tuy nhiên, việc trả lại đất cho người dân gặp phải nhiều vướng mắc. Ông Hồ Anh Đức, Tổng Giám đốc Công ty Cao su Sơn La cho biết: “Tại thời điểm giao kết hợp đồng với người dân đã thống nhất thời gian kiến thiết cơ bản trồng cao su là 8 năm. Hợp đồng có sự thống nhất giữa Tập đoàn, tổng công ty, các ban ngành của tỉnh và người dân. Thời gian khai thác mủ cao su là 20-22 năm, tổng là 30 năm. Khai thác xong sẽ có tận thu thanh lý gỗ cao su. Do hợp đồng đã có sự thống nhất cao từ phía người dân và chính quyền tỉnh, do vậy, hiện tại, Công ty không thể thanh lý hợp đồng trả lại đất cho người dân được.

Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Thế Luận, Phó ban Thường trực Ban Chỉ đạo phát triển cây cao su tỉnh Sơn La, cho biết: Hiện nay, thông qua ý kiến của người dân, tỉnh Sơn La đã nắm được những khó khăn này. Tuy nhiên, chính quyền cần có thời gian để thực hiện các giải pháp thiết thực góp phần tháo gỡ khó khăn cho người dân.

TRẦN HOÀN