Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Khơi thông “dòng chảy” thương mại khu vực biên giới, hải đảo

PV - 10:11, 05/10/2020

Sau 5 năm thực hiện, Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo (gọi tắt là Chương trình) giai đoạn 2015 - 2020 đã đem lại những kết quả tích cực về sản xuất, phân phối và tiêu dùng trên các địa bàn còn nhiều khó khăn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, từng bước cải thiện đời sống người dân ở khu vực này.

Sau 5 năm triển khai, Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2015-2020 đã góp phần phát triển hệ thống phân phối hàng hóa thông suốt trên các địa bàn khó khăn. Ảnh: Linh Đan
Sau 5 năm triển khai, Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2015-2020 đã góp phần phát triển hệ thống phân phối hàng hóa thông suốt trên các địa bàn khó khăn. Ảnh: Linh Đan

Chương trình do Bộ Công thương chủ trì và thực hiện tại 287 huyện có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn thuộc 48 tỉnh, thành phố khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo. Mục tiêu của Chương trình là phấn đấu đạt mức tăng trưởng hằng năm về tổng mức bán lẻ của hàng hóa và dịch vụ trên địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo khoảng từ 10-12%, số lượng thương nhân, doanh nghiệp có năng lực thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động thương mại tại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo mỗi năm tăng trung bình 8-10%. Sau 5 năm triển khai, Chương trình đã tạo ra các mặt hàng tiềm năng, lợi thế, chỉ dẫn địa lý, mặt hàng có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng từ các vùng khó khăn miền núi, vùng sâu, vùng xa. Mặc dù sản lượng chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường, tuy nhiên, những mặt hàng này đã thực sự phát triển, tạo ra hệ thống phân phối thông suốt từ miền núi, vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo đến với thị trường cả nước.

Theo báo cáo tổng kết giai đoạn 2015 - 2020, Chương trình đã đạt thành quả nhất định trong việc góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập của người dân. Chương trình đã kết nối và thu hút được các thương nhân, doanh nghiệp đầu tư, phát triển hoạt động thu mua, quảng bá sản phẩm hàng hóa nông, lâm, thủy sản của khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo. Thông qua việc tổ chức các hội nghị, hội thảo của Chương trình, các địa phương đã hình thành được những chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hiện đại, bền vững. Nhiều đặc sản vùng, miền như xoài Sơn La, sâm Ngọc Linh, bơ sáp Đắk Lắk, cá hồi Sa Pa, rượu sim Phú Quốc... đã có mặt trong hệ thống phân phối có uy tín trên cả nước và xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.

Bên cạnh đó, Chương trình đã đào tạo nguồn nhân lực cho hơn 4.000 doanh nghiệp, hộ kinh doanh, tiểu thương hoạt động kinh doanh tại thị trường miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo; rà soát phát triển và quản lý chợ miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, từ đó, nghiên cứu xây dựng các cơ chế chính sách đối với quản lý, phát triển chợ, xây dựng các đề án kết nối, phát triển hạ tầng thương mại biên giới. Đáng chú ý, Chương trình đã xây dựng được cơ sở dữ liệu sản phẩm - ngành hàng có lợi thế tại các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo và 35 bộ cẩm nang hồ sơ các mặt hàng có lợi thế cho 35 tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.

Cùng với việc đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ hàng hóa, Chương trình đã nghiên cứu xây dựng và phát triển hệ thống chính sách, cơ chế thương mại đặc thù với một số huyện đảo, xã đảo; xây dựng, áp dụng và phát triển cơ chế “biên mậu trên biển” đối với một số huyện đảo, xã đảo; xây dựng mô hình phân phối đặc thù phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng tại một số huyện đảo như Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu)

Chương trình cũng góp phần tăng cường thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng để chủ động giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa đối với các mặt hàng là lợi thế của các địa phương. Trong 5 năm qua, Chương trình đã phối hợp vơi các cơ quan truyền thông xuất bản và phát hành trên 10 phim tài liệu, gần 80 phóng sự và khoảng 2.600 tin, bài cập nhật đầy đủ, thường xuyên các diễn biến, hoạt động thương mại diễn ra tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, qua 5 năm triển khai, Chương trình đã đem lại những kết quả tích cực về sản xuất, phân phối và tiêu dùng trên các địa bàn còn nhiều khó khăn. Đến nay, trên địa bàn các huyện miền núi của một số địa phương đã hình thành một số vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, nhiều mô hình sản xuất hiệu quả cao, xây dựng và phát triển được một số thương hiệu nông sản hàng hóa được thị trường trong nước và quốc tế biết đến.

Được biết, Bộ Công thương với vai trò chủ trì của Chương trình đã phối hợp với các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan triển khai gần 80 đề án, nhiệm vụ, bám sát nội dung của Chương trình với mục tiêu thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, phát triển hệ thống dịch vụ thương mại, hình thành đội ngũ doanh nghiệp thương nhân, các loại hình doanh nghiệp hoạt động thương mại tại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo. Ngoài ra, Bộ Công thương cũng đã phối hợp và cấp kinh phí cho một số địa phương kết nối và thu hút các thương nhân, doanh nghiệp đầu tư, phát triển hoạt động thu mua, quảng bá sản phẩm hàng hóa nông, lâm, thủy sản của khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.

“Thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tiếp tục chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, các cơ quan có liên quan và các địa phương khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo triển khai thực hiện một số nội dung trọng tâm như: Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục phê duyệt thực hiện Chương trình 5 năm, giai đoạn 2021 - 2025; bố trí đủ kinh phí từ nguồn ngân sách Trung ương hằng năm để thực hiện Chương trình theo kế hoạch thực hiện hàng năm được Bộ Công thương xây dựng; đề nghị Chính phủ quan tâm, bố trí nguồn ngân sách Nhà nước để hỗ trợ đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp các chợ truyền thống ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, đặc biệt ở những vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn; tăng cường đẩy mạnh liên kết vùng miền nhằm tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa của khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo...” - Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết.