Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Khởi sắc ở vùng DTTS A Lưới sau 3 năm triển khai Chương trình MTQG 1719

Khánh Ngân - 06:06, 25/11/2023

Huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, là 1 trong 74 huyện nghèo của cả nước. Sau gần 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn I, từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719), với nhiều cách làm, giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và tập quán sản xuất của đồng bào DTTS nơi đây, đã góp phần nâng cao thu nhập; đồng thời tỷ lệ hộ nghèo DTTS trên địa bàn huyện giảm sâu, còn 12,08%.

Hỗ trợ sinh kế để đồng bào thoát nghèo

Ngay từ khi Trung ương, tỉnh có có kế hoạch phân bổ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719 giai đoạn 2021 – 2025, UBND huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế) đã triển khai nhiều giải pháp để sử dụng một cách hiệu quả. Trong đó, lấy phát triển, hỗ trợ mô hình sinh kế là nội dung chủ đạo để giúp đồng bào các DTTS thoát nghèo bền vững.

Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện biên giới A Lưới (Thừa Thiên Huế) đang dần hoàn thành mục tiêu đưa A Lưới ra khỏi danh sách huyện nghèo ở nước ta
Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện biên giới A Lưới (Thừa Thiên Huế) đang dần hoàn thành mục tiêu đưa A Lưới ra khỏi danh sách huyện nghèo ở nước ta

Theo đó, nhiều mô hình sinh kế bước đầu phát huy hiệu quả cao, như mô hình trồng chuối già lùn ở xã Quảng Nhâm; trồng sâm bố chính ở thị trấn A Lưới và mô chăn nuôi bò, lợn hữu cơ ở nhiều địa phương trong huyện…

Các mô hình sinh kế có cho thu nhập cao, giúp nhiều hộ gia đình người DTTS vươn lên thoát nghèo. Minh chứng như, mô hình trồng chuối của hộ gia đình đồng bào Pa Cô Nguyễn Hải Teo ở thôn Pi Ây 2, xã Quảng Nhâm cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. 

Chia sẻ về mô hình, anh Teo cho biết: Với nguồn vốn vay, hỗ trợ sinh kế từ Chương trình MTQG 1719, gia đình anh đã mạnh dạn vay đối ứng thêm để xây dựng mô hình trồng chuối già lùn bản địa với khoảng 1.200 gốc. Sau gần 2 năm triển khai, nhờ chăm sóc tốt đúng kỹ thuật vườn chuối của gia đình phát triển tốt, buồng chuối đều, quả to, bán được giá. Nhận thấy hiệu quả thu nhập từ trồng chuối lùn, anh Teo đã mở rộng thêm diện tích với hàng trăm gốc chuối già lùn. Đến nay, vườn chuối của gia đình anh Teo có khoảng 4.000 cây, mỗi năm thu lãi hơn 100 triệu đồng. Từ chính sách hỗ trợ sinh kế, cộng với sự siêng năng cần cù, gia đình anh Teo không những giúp gia đình thoát nghèo, mà còn vươn lên thành hộ khá ở xã Quảng Nhâm.

(CĐ- Vận động): (A Lưới),Thừa Thiên Huế: Tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS, miền núi giảm sâu sau 3 gần năm triển khai Chương trình MTQG 1719. 1
Anh Nguyễn Hải Teo với mô hình trồng chuối cho hiệu quả kinh tế cao ở huyện vùng biên A Lưới (Thừa Thiên Huế)

 Với đặc thù là địa phương nằm trong thung lũng trên dãy Trường Sơn, có khí hậu mát mẻ, độ ẩm lớn (ban ngày nắng, ban đêm sương mù dày đặc), chính quyền thị trấn vùng biên A Lưới, đã tuyên truyền, vận đồng đồng bào DTTS trên địa bàn, phát huy lợi thế từ điều kiện tự nhiên và khí hậu đặc trưng để triển khai thêm mô hình trồng sâm bố chính.

Từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719,  A Lưới đã chọn ra 15 hộ gia đình đồng bào DTTS để hỗ trợ trồng sâm bố chính với diện tích 3ha. Ban đầu, đồng bào được hỗ trợ kinh phí cải tạo đất, cây giống và hướng dẫn kỹ thuật trồng sâm. Từ mô hình hỗ trợ sinh kế đó, hiện nay tại thị trấn A Lưới đã có thêm nhiều hộ đồng bào khác tự đầu tư nguồn vốn trồng sâm bố chính. 

Điều đáng mừng là từ mô hình sinh kế, sản phẩm sâm bố chính ở huyện biên giới A Lưới đã phát triển thành chuỗi sản phẩm đặc trưng, có sự đồng hành của doanh nghiệp. Không những thoát nghèo, nhiều hộ đồng bào DTTS ở A Lưới đã vươn lên làm giàu trên chính bản làng của mình.

(CĐ- Vận động): (A Lưới),Thừa Thiên Huế: Tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS, miền núi giảm sâu sau 3 gần năm triển khai Chương trình MTQG 1719. 2
Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế tham quan mô hình sinh kế sâm bố chính ở huyện A Lưới

Phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị

Mới đây Công ty TNHH SBC Hoàng Gia, đã chính thức tham gia cùng đồng bào DTTS để đưa sản phẩm sâm bố chính thành chuỗi sản phẩm có giá trị cao. Để phát triển thêm mô hình, mở rộng diện tích Công ty đã và đang hỗ trợ đồng bào các khâu từ phân bón, làm đất, kỹ thuật trồng sâm, thu hoạch sâm…

Để đảm bảo cho đồng bào yên tâm mở rộng sản xuất, Công ty TNHH SBC Hoàng Gia tiến hành ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm sâm bố chính. Số sâm sau khi thu mua sẽ được chế biến thành các sản phẩm dược liệu như sâm sấy khô, rượu sâm, mứt sâm…để nâng cao giá trị kinh tế.

Cùng với sự bắt tay đồng hành giữa doanh nghiệp và các hộ tham gia trồng sâm, bên cạnh giá trị kinh tế được nâng cao, năng suất cây sâm trên 1 đơn vị diện tích cũng tăng lên. Với giá bán từ 120- 150 nghìn đồng/1kg sâm tươi. Nếu trồng và chăm sóc tốt, 500m2 trồng sâm bố chính có thể cho thu nhập từ 40-50 triệu đồng/vụ.

Sản phẩm sân bố chính ở A Lưới đã có sự hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương và sự tham gia của doanh nghiệp để phát triển theo chuỗi giá trị
Sản phẩm sân bố chính ở A Lưới đã có sự hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương và sự tham gia của doanh nghiệp để phát triển theo chuỗi giá trị

Bà Hồ Nhật Phương, Giám đốc Công ty TNHH SBC Hoàng Gia chia sẻ: “Hiện có 25 hộ đồng bào DTTS ở A Lưới liên kết với chúng tôi. Sắp tới, chúng tôi sẽ xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu sâm bố chính theo tiêu chuẩn VietGap đủ mạnh tại huyện A Lưới. Đơn vị cũng sẽ hoàn thiện quy trình trồng sâm, phát triển đa dạng sản phẩm, kết hợp du lịch nông nghiệp, xây dựng chuỗi cửa hàng để hướng tới mục tiêu tăng cao lợi nhuận cho người trồng và doanh nghiệp”

Cùng với doanh nghiệp, thì chính quyền địa phương cũng đồng hành hỗ trợ đồng bào thông qua những chính sách khuyến nông, xóa đói giảm nghèo từ nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị... của Tiểu dự  2  thuộc  Dự án 3 của Chương trình MTQG 1719.

Sau gần 3 năm thực hiện Chương trình MTQG 1719 với chủ trương lấy phát triển, hỗ trợ sinh kế để giảm nghèo bền vững, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng DTTS, miền núi ở A Lưới đã giảm sâu. Không những thế, mô hình sinh kế trồng sâm bố chính ở A Lưới đã phát triển thành chuỗi sản phẩm giúp nhiều hộ đồng bào DTTS vươn lên làm giàu.

Dự án 1 trong Chương trình MTQG 1719 đang giúp nhiều hộ đồng bào DTTS ở A Lưới có được ngôi nhà kiên cố để an cư
Dự án 1 trong Chương trình MTQG 1719 đang giúp nhiều hộ đồng bào DTTS ở A Lưới có được ngôi nhà kiên cố để an cư

Chia sẻ với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, ông Lê Xuân Hải, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: “Qua gần 3 năm thực hiện Chương trình MTQG 1719, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS, miền núi trên địa bàn toàn tỉnh giảm được 9,84% (từ 40,23% xuống còn 30,39%). Riêng huyện biên giới A Lưới tỷ lệ hộ nghèo ở vùng DTTS, miền núi giảm sâu (12,08%)”. Đặc biệt, thu nhập bình quân đầu người vùng DTTS, miền núi ở A Lưới năm 2022 đã tăng lên 36 triệu đồng/người/năm, dự kiến đến hết năm 2023, là 38,5 triệu đồng/người/năm.

Cùng với hỗ trợ sinh kế, những dự án khác của Chương trình MTQG 1719, như Dự án 1 (Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nhà ở; Dự án 4 (Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống vùng đồng bào DTTS và miền núi)…đã .giúp bộ mặt nông thôn vùng DTTS, miền núi ở huyện biên giới A Lưới có nhiều khởi sắc. 

Với những kết quả đáng mừng đó, Đảng bộ, chính quyền địa phương cùng đồng bào các DTTS ở A Lưới đang hướng tới mục tiêu đưa A lưới ra khỏi danh sách hộ nghèo của cả nước trong thời gian tới.