Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Khơi dậy tiềm năng phát triển của người thiệt thòi

PV - 17:53, 24/07/2018

Tàn nhưng không phế, người khuyết tật hoàn toàn có thể đóng góp rất nhiều chất xám cho xã hội. Vì thế, Hàn Quốc-một trong những “con hổ” hàng đầu châu Á, không chỉ coi trọng sự nghiệp trồng người để nâng cao vị thế quốc gia nói chung mà còn lưu tâm đến chính sách giáo dục đặc biệt dành cho người khuyết tật.

Bảo đảm hệ thống giáo dục hòa nhập

Hệ thống pháp luật liên quan đến giáo dục của Hàn Quốc được thể hiện qua nhiều văn bản pháp luật quan trọng, cao nhất có Hiến Pháp, Luật Giáo dục (1949), Luật khung về Giáo dục, Luật Giáo dục tiểu học và THCS, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục trọn đời, Luật Nâng cao giáo dục cho học sinh tài năng…

Đáng chú ý, Luật Giáo dục đặc biệt cho người khuyết tật mang tính nhân văn cao, thể hiện sự coi trọng khả năng phát triển bình thường và sống độc lập của những người thiệt thòi.

Khơi dậy tiềm năng phát triển của người thiệt thòi Luật Giáo dục đặc biệt cho người khuyết tật ở Hàn Quốc tạo cơ hội công bằng trong tiếp cận học tập, cơ hội việc làm đối với người khuyết tật.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục, Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc từ năm 2015, xứ sở kim chi có 2,4 triệu người khuyết tật, trong đó khoảng 88.000 người ở độ tuổi đi học và 70% số này đang tham gia các lớp học hòa nhập. Để nâng cao chất lượng hoạt động giáo dục đặc biệt trên, năm 1994, Chính phủ Hàn Quốc thành lập Viện Giáo dục đặc biệt quốc gia, chịu trách nhiệm xây dựng các chương trình giáo dục và đào tạo giáo viên chuyên biệt cho mô hình giáo dục hòa nhập tại các trường phổ thông.

Luật Giáo dục đặc biệt cho người khuyết tật quy định rất rõ việc nhà nước và chính quyền địa phương phải thiết lập và quản lý những tổ chức giáo dục đặc biệt tương ứng theo từng khu vực và từng loại khuyết tật để tạo thuận tiện cho người khuyết tật tiếp cận tri thức. Thậm chí, trong một số trường hợp, các cấp chính quyền cũng có thể giao phó trọng trách này cho những tổ chức giáo dục đặc biệt tư nhân.

Cũng theo Luật, Ủy ban Hỗ trợ giáo dục đặc biệt Trung ương phải được thiết lập và nằm trong trách nhiệm của Bộ Giáo dục, Khoa học và Công nghệ. Ngoài ra, các Trung tâm Hỗ trợ giáo dục đặc biệt phải được thành lập ở những nơi mà người dân, trong đó có người khuyết tật cư trú, dễ dàng tiếp cận như cơ quan hành chính giáo dục cấp dưới, trường học, cơ quan công quyền…

Quyền được học tập

Theo Luật khung về Giáo dục của Hàn Quốc (2009), giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông thuộc về giáo dục bắt buộc. Theo luật này và Luật Giáo dục đặc biệt cho người khuyết tật, những người trong độ tuổi từ 3-17 có quyền được hưởng chính sách trên. Ngoài ra, hiệu trưởng các trường học, kể cả đại học, không được phép phân biệt đối xử trong việc tạo cơ hội giáo dục như từ chối đơn xin học hoặc không tuyển học sinh chỉ vì họ là người khuyết tật. Nếu vi phạm có thể bị phạt tiền gần 3 triệu won.

Ở cấp vĩ mô, Nhà nước và chính quyền địa phương phải có trách nhiệm cung cấp giáo dục thích hợp cho những người thuộc đối tượng được hưởng giáo dục đặc biệt như thiết lập kế hoạch giáo dục đặc biệt toàn diện cho người khuyết tật; nuôi dưỡng và đào tạo đội ngũ giáo viên giáo dục đặc biệt; đưa ra các chính sách để thiết lập các khóa giáo dục hướng nghiệp; giáo dục bậc cao và giáo dục suốt đời cho người khuyết tật; ưu tiên ngân sách chi trả cho các hoạt động liên quan đến giáo dục đặc biệt …

Để bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho người khuyết tật, Luật ghi rõ Bộ Giáo dục, Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc sẽ phải thiết lập hệ thống hợp tác giữa các cơ quan hành chính liên quan như Bộ Y tế và Phúc lợi, Bộ Lao động, Bộ Bình đẳng giới và Gia đình để phối hợp thực hiện các hoạt động hoàn hảo nhất. Ngoài ra, cứ 3 năm một lần, Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Khoa học và Công nghệ sẽ phải đi khảo sát thực tế để xây dựng chính sách giáo dục đặc biệt. Đặc biệt, chính phủ Hàn Quốc phải đệ trình báo cáo liên quan đến tình trạng và chính sách hiện hành của giáo dục đặc biệt hàng năm tại kỳ họp Quốc hội.

DT ( T/H )