Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Khó khăn sau khi tinh giản biên chế: Nhìn từ Lạng Sơn

Thúy Hồng - 22:43, 26/03/2020

Thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Lạng Sơn đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên quá trình thực hiện trên địa bàn tỉnh vẫn còn khó khăn, vướng mắc.

Do số lượng biên chế ngày càng giảm nên các chuyên viên của Sở Công thương tỉnh Lạng Sơn phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ
Do số lượng biên chế ngày càng giảm nên các chuyên viên của Sở Công thương tỉnh Lạng Sơn phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ

Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy thuộc các sở, ban, ngành, các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh bảo đảm ổn định, thực hiện mục tiêu thu gọn đầu mối, tinh giản biên chế và giảm cán bộ quản lý. Việc bố trí cán bộ lãnh đạo quản lý các đơn vị sự nghiệp công lập sau khi sắp xếp cơ bản đúng quy định, giúp đơn vị kịp thời ổn định, đi vào hoạt động.

Theo số liệu thống kê của tỉnh Lạng Sơn, từ năm 2018 đến hết năm 2019, cả tỉnh đã sắp xếp và giảm từ 142 phòng chuyên môn và tương đương xuống còn 129 phòng (giảm 13 phòng); giảm từ 15 chi cục, tổ chức hành chính xuống còn 14 đơn vị (giảm 1 đơn vị); giảm từ 120 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc xuống còn 94 đơn vị (giảm 26 đơn vị). Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nghị quyết, các đơn vị của tỉnh cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc.

Bà Bàn Thị Thanh, Phó Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) - Dân tộc huyện Tràng Định cho biết: Thực hiện tinh giảm biên chế, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy Phòng Dân tộc sáp nhập vào Phòng LĐTB&XH từ tháng 1/2018. Sau khi sáp nhập, do địa bàn rộng, dân số chủ yếu là đồng bào DTTS, cán bộ chuyên trách về mảng dân tộc ít hơn, nên công tác khảo sát nắm tình hình về thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc tại các xã vùng sâu gặp nhiều khó khăn.

“Trước đây khi tiến hành kiểm tra nắm tình hình tại các địa phương về thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc, Tổ công tác của Phòng thường xuyên trực tiếp rà soát, kiểm tra hướng dẫn thực hiện theo từng hạng mục công trình. Nhưng hiện tại, do bị cắt giảm biên chế, đội ngũ cán bộ ít, nên việc thực hiện không theo từng hạng mục cụ thể mà chỉ giao chỉ tiêu chung cho từng địa phương. Do đó, một số hạng mục công trình thực hiện bị chậm, chưa đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra”, bà Thanh chia sẻ.

Tương tự, thực tế này cũng xảy ra tại một số đơn vị của tỉnh. Nguyên nhân khách quan là do số lượng biên chế ngày càng giảm, chức năng, nhiệm vụ một số phòng, ban không tương đồng, cán bộ thực hiện nhiệm vụ phải kiêm nhiệm. Theo ông Nguyễn Quang Huy, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, hiện mỗi phòng chuyên môn của Sở chỉ có 4 biên chế, các chuyên viên phải làm việc kiêm nhiệm, số lượng công việc nhiều nên dẫn đến hiệu quả chưa cao.

Ông Nguyễn Quốc Khánh, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Lạng Sơn cho biết: Khó khăn trong quá trình thực hiện tinh giản biên chế là điều không tránh khỏi. Để giải quyết những khó khăn trong quá trình triển khai công việc sau khi tinh giản biên chế, trước mắt, với vai trò là cơ quan thường trực triển khai nhiệm vụ này, Sở Nội vụ tỉnh sẽ hướng dẫn quy trình sắp xếp và đôn đốc các sở, ban, ngành triển khai thực hiện ổn định tổ chức bộ máy theo chiều sâu, toàn diện, tránh tình trạng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ để tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị. Về lâu dài, tỉnh Lạng Sơn sẽ tiếp tục rà soát, xây dựng phương án vị trí việc làm một cách khoa học, thực tế. Trên cơ sở đó, thực hiện phương án đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ cho đội ngũ chuyên viên nhằm đáp ứng vị trí việc làm; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai công việc để các đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.