Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Khi phụ nữ trở thành tuyên truyền viên đẩy lùi tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Quý Hoàng - 07:35, 09/10/2023

Xóa bỏ hủ tục trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số là việc khó khăn, phức tạp và cần huy động nhiều lực lượng tham gia, trong đó không thể không kể đên vai trò của phụ nữ. Nhiều chị em đã trở thành những thành viên tích cực trong tuyên truyền giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết trong vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Chị Y Gar (bên phải) tuyên truyền cho người dân tác hại của nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết
Chị Y Gar (bên phải) tuyên truyền cho người dân tác hại của nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết

Đăk Ruồng không còn tình trạng hôn nhân cận huyết thống

Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là những hủ tục hiện vẫn còn tồn tại ở tỉnh Kon Tum. Tại xã Ðăk Ruồng, huyện Kon Rẫy, nhờ hoạt động tích cực của đội ngũ cán bộ tuyên truyền, vận động ở cơ sở nên không còn tình trạng hôn nhân cận huyết thống. Một trong những người góp phần tích cực trong thành tích trên là chị Y Gar, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn 12 (làng Kon Slak).

Là cán bộ Ban công tác Mặt trận thôn, được tham dự nhiều lớp tập huấn do các cấp, các ngành tổ chức, được sự chia sẻ của các cán bộ chuyên môn về y tế, giáo dục và pháp luật, chị Y Gar đã sớm nhận thức được những tác hại của việc kết hôn sớm, mang thai và sinh đẻ trong lứa tuổi vị thành niên.

Ðể làm thay đổi nhận thức của đồng bào, chị Y Gar đã có nhiều sáng kiến trong tuyên truyền như: Tổ chức các cuộc họp thôn để phổ biến, tuyên truyền; cụ thể hóa các nội dung thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững”; nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của xã hội, cộng đồng và người dân trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình.

Bên cạnh đó, chị Y Gar đã vận động chị em tham gia các hoạt động tập thể, đổi công lao động giữa các nhóm hộ, các hộ gia đình, tranh thủ thời gian tuyên truyền đến từng hộ gia đình...

Nhờ đó, trong thời gian gần đây, việc chấp hành pháp luật về hôn nhân và gia đình trên địa bàn xã đã có sự thay đổi theo hướng tích cực. Mỗi cá nhân, gia đình, dòng họ đã tự giác chấp hành và thường xuyên tuyên truyền, vận động người thân trong gia đình cùng thực hiện tốt chính sách, pháp luật; đồng thời chủ động tiếp thu nhiều thông tin liên quan đến vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống để tuyên truyền, giáo dục con em mình.

Bí thư Ðảng ủy xã Ðăk Ruồng Hoàng Ðình Hải cho biết: Bằng uy tín và sự ảnh hưởng của mình, trong những năm qua, chị Y Gar luôn gương mẫu, tích cực trong việc xóa bỏ nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Bên cạnh đó, chị còn đến từng nhà tuyên truyền, vận động, giải thích, giúp người dân nâng cao nhận thức và chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Ðảng và Nhà nước, góp phần giúp đồng bào các dân tộc trong xã chí thú làm ăn, ngày càng phát triển kinh tế gia đình.

Chị Triệu Thị Sê (áo tím) tham gia tuyên truyền đến từng người trong thôn về những tiêu cực của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống
Chị Triệu Thị Sê (bìa phải) tham gia tuyên truyền về những tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Quyết tâm đẩy lùi nạn tảo hôn

Nhiều tháng nay, chị Triệu Thị Sê ở thôn Khuổi Soan, xã Hồng Quang, Lâm Bình, Tuyên Quang đã "gõ từng nhà, rà từng người" để chia sẻ về những hậu quả khôn lường của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đến kinh tế, sức khỏe của cả gia đình.

Là người phụ nữ dân tộc Dao có hai con đang độ tuổi dậy thì, chị Sê rất quan tâm vấn đề giáo dục giới tính, chăm sóc sức khỏe vị thành niên, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống để làm hành trang kiến thức giáo dục con cái.

Từ những buổi tham gia nghe tuyên truyền về những hậu quả khôn lường của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, chị Sê trở thành tuyên truyền viên nòng cốt của xã Hồng Quang tham gia tuyên truyền các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết.

Chị Sê cho biết, trước đây, tôi không biết về những hệ luy hôn nhân cận huyết thống sẽ có nguy cơ sinh con dị tật và mang bệnh di truyền cao. Từ đó, gia đình hai bên có nguy cơ kiệt quệ về cả trí lực, sức khỏe lẫn kinh tế. Qua các buổi tham gia tập huấn, được nghe tuyên truyền tôi đã hiểu rõ hơn, từ đó quyết tâm vận động đồng bào bài trừ nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

UBND huyện Lâm Bình tổ chức hội thi tuyên truyền viên giỏi cấp huyện về ""Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số", với các thành viên tham gia là người dân tộc thiểu số
UBND huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) tổ chức hội thi tuyên truyền viên giỏi cấp huyện về "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số", với các thành viên tham gia là người dân tộc thiểu số

Chị Sê cho chia sẻ thêm: hồi tháng 8/2023, UBND huyện Lâm Bình tổ chức hội thi tuyên truyền viên giỏi cấp huyện về "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số". Nội dung xoay quanh các vấn đề, như: Tìm hiểu tác hại, hệ lụy của tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; các giải pháp phòng, chống; các chính sách, pháp luật có liên quan đến Luật Hôn nhân và Gia đình; các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số; bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số; công tác chăm sóc, giáo dục trẻ em… Tham gia hội thi tôi được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm tuyên truyền; đồng thời trang bị thêm kiến thức pháp luật phục vụ cho công tác tuyên truyền phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Với sự cố gắng, nỗ lực trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về hôn nhân và gia đình, phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số được triển khai dưới nhiều hình thức và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo hội viên phụ nữ và các tầng lớp Nhân dân. Qua đó góp phần nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, ban ngành, đoàn thể, chính quyền các cấp trong đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả, từng bước giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.