Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Khi đặc sản đưa lên sóng livestream

Thúy Hồng - 14:00, 12/08/2021

Trước tình dịch dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, hình thức Livestream giới thiệu sản phẩm càng trở nên phổ biến. Quá trình Livestream, người bán sẽ giới thiệu đến khách hàng về quy trình sản xuất, chế biến nông sản bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như câu chuyện về văn hóa kết tinh trong từng sản phẩm. Đó là câu chuyện chứa đựng sự tâm huyết và tự hào của người dân, kết nối và lan tỏa những giá trị văn hóa Việt Nam.

Bán hàng qua Livestream đang là xu hướng trong thời gian tới
Bán hàng qua Livestream đang là xu hướng trong thời gian tới

Tăng giá trị sản phẩm

Hình thức livestream giới thiệu sản phẩm không còn xa lạ, khi mà gần đây có rất nhiều sự kiện lLivetream bán các mặt hàng nông sản. Thông qua hình thức bán hàng này, đã giúp cho người nông dân, doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá được những sản phẩm đặc sản ở địa phương mình với khách hàng khắp các vùng miền trong cả nước.

Đặc biệt là đối với các sản phẩm OCOP được các cơ quan quản lý Nhà nước đánh giá, phân hạng và công nhận đạt 3, 4 và 5 sao theo Bộ tiêu chí quốc gia trên nhiều khía cạnh: Chất lượng, an toàn thực phẩm, giá trị cộng đồng, năng lực sản xuất và thương mại của chủ thể.

Do đó, sản phẩm OCOP không chỉ là sự cam kết về chất lượng sản phẩm, giá trị văn hóa của mỗi vùng, mà còn là sự đánh giá, công nhận của các cơ quan quản lý nhà nước vun đắp thêm niềm tin, giá trị của sản phẩm OCOP của các địa phương.

Mới đây nhất là sự kiện livestream bán nhãn lồng của Hưng Yên, diễn ra vào ngày 29/7/2021, đã để lại ấn tượng với khách hàng. Bởi khác với những buổi livetream bán hàng thông thường, bên cạnh việc giới thiệu đặc sản của Hưng Yên và những sản phẩm khác, sự kiện livestrean còn tái hiện không gian văn hóa của Phố Hiến xưa, giới thiệu và mô phỏng những vườn nhãn quen thuộc là hình ảnh đặc trưng của Hưng Yên. Những hình ảnh về đất và người Hưng Yên, với những ngôi nhà đậm chất vùng đồng bằng Bắc Bộ rất gần gũi, thân thương, giúp cho khách hàng và người xem hiểu hơn về vùng đất văn hóa, lịch sử, địa linh nhân kiệt nổi danh một thời, với câu ca “Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến".

Qua không gian văn hóa từ buổi livestream giúp cho người xem và khách hàng hiểu hơn về các giá trị văn hóa của nhãn lồng Hưng Yên, để khách hàng yêu mến hơn, tự hào hơn về các sản phẩm nhãn lồng nói riêng và sản phẩm OCOP nói chung.

Còn đối với tỉnh miền núi Lạng Sơn, để xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP, chính quyền địa phương này đã giúp người dân mở rộng các cửa hàng số để giới thiệu, quảng bá trên 2.000ha cây trồng các loại được sản xuất và chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP.

Điển hình như để tiêu thụ na Chi Lăng chính quyền địa phương đã hỗ trợ 1.062 hộ gia đình mở cửa hàng số để tự bán các sản phẩm nông sản của mình, trong đó có 301 hộ gia đình đã mở tài khoản thanh toán điện tử. Thông qua cửa hàng số, người dân Lạng Sơn đã có thể mua và bán sản phẩm của mình trên không gian mạng.

Anh Nông Văn Hưng, xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn chia sẻ: Cửa hàng số bán hàng thuận tiện hơn là chợ truyền thống. Nếu bạn bán hàng ở chợ truyền thống, thì phải cắt na rồi vận chuyển ra chợ, bị thương lái ép giá, bán hàng chậm vì càng để lâu quả na càng xuống mã, cũng bị mất giá. Nhưng khi bán ở cửa hàng số thì đơn giản hơn, khách đặt hàng mình mới cắt na, đảm bảo tươi ngon đúng chất lượng.

Đằng sau câu chuyện Livestream bán các mặt hàng đặc sản còn là việc kết nối, lan tỏa, tạo ra giá trị nông sản đặc trưng của từng vùng miền.
Đằng sau câu chuyện Livestream bán các mặt hàng đặc sản còn là việc kết nối, lan tỏa, tạo ra giá trị nông sản đặc trưng của từng vùng miền.

Khi những người nông dân "lên sóng” giới thiệu, quảng bá sản phẩm không đơn thuần chỉ tạo tương tác kết nối với khách hàng, cam kết đảm bảo chất lượng sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ mà còn có sự sẻ chia về cả quá trình sản xuất để tạo ra những sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Người tiêu dùng được lợi kép 

Ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết: "Ngoài yếu tố kinh tế hàng hóa, còn cả yếu tố văn hóa, bản sắc của người nông dân Lạng Sơn cũng được gửi gắm qua mỗi sản phẩm của mình. Nông sản của anh có tốt, có sạch, có ngon thì đồng bào cả nước mới biết tới Lạng Sơn nhiều hơn và hiểu về con người mảnh đất biên cương chúng tôi nhiều hơn nữa".

Có thể thấy rằng, việc bán hàng qua livestream, đang là xu hướng trong thời gian tới. Bán nông sản qua livestream cũng giúp ích rất lớn cho người mua khi sản phẩm tới tay người tiêu dùng sẽ rẻ hơn, tiết kiệm được rất nhiều chi phí trung gian như marketing, phân phối, cửa hàng. Thêm vào đó việc livestream tại vườn giúp người tiêu dùng được trải nghiệm thực tế khung cảnh và nơi sản xuất sản phẩm mình sẽ mua, biết rõ nguồn gốc và quy trình chăm sóc, khi đó người tiêu dùng sẽ tin tưởng mình mua được đồ nông sản sạch rõ nguồn gốc.

Không chỉ vậy, đằng sau câu chuyện livetream đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng, là không gian để người nông dân và các doanh nghiệp có điều kiện, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp của mình, chia sẻ những kinh nghiệm trong quá trình trồng trọt, chia sẻ những giá trị văn hóa của từng vùng miền trên cả nước.

Ông Tạ Văn Thắng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chuyển đổi số ASEAN khẳng định: Chúng tôi sẽ đào tạo và huấn luyện cho họ những kỹ năng livestream, viết lên những câu chuyện sản phẩm sau đó họ sẽ thực hiện livestream ngay tại địa phương, tại nhà, tại công xưởng để mang câu chuyện của mình tới công chúng theo một đường thẳng.