Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Khát vọng thổ cẩm

Giang Lam - 22:20, 26/04/2023

Từ đôi bàn tay khéo léo của các bà, các mẹ người Tày, Dao, Pà Thẻn xứ Tuyên đã làm nên những sản phẩm lưu niệm đẹp mắt, ấn tượng. Tuy nhiên, để sản phẩm thổ cẩm trở thành sản phẩm hàng hóa, “vượt núi” vươn xa, mang lại nguồn thu ổn định cho người dân thì vẫn còn nhiều việc phải làm.

Phụ nữ người Dao ở Lâm Bình làm các sản phẩm lưu niệm từ thổ cẩm để trưng bày tại Lễ hội Lồng Tông.
Phụ nữ người Dao ở Lâm Bình làm các sản phẩm lưu niệm từ thổ cẩm để trưng bày tại Lễ hội Lồng Tông.

Quà tặng của núi rừng

Ở huyện vùng cao Lâm Bình, Na Hang (Tuyên Quang), từ bao đời nay, những người phụ nữ các dân tộc Tày, Mông, Dao, Pà Thẻn… vẫn luôn miệt mài bên khung cửi để giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Từ đôi bàn tay khéo léo, các chị đã dệt nên những tấm thổ cẩm vô cùng đặc sắc.

Bà Phùng Thị Tâm, dân tộc Dao ở thôn Noong Cuồng, xã Phúc Sơn (huyện Lâm Bình) cho biết, ngày trước, dệt thổ cẩm không chỉ là nghề mà còn là tiêu chí để đánh giá một người phụ nữ. Bên cạnh công việc đồng áng, người phụ nữ còn phải biết se tơ, dệt vải để phục vụ gia đình và làm của hồi môn khi đi lấy chồng.

Những năm gần đây, du lịch cộng đồng phát triển mạnh, chính quyền địa phương ở Na Hang, Lâm Bình đã thành lập các HTX, các tổ hợp tác hay nhóm sở thích thêu, dệt tại các xã, thị trấn. Giờ đây đi đến các Homestay, hội chợ, điểm du lịch… chúng ta dễ dàng bắt gặp những đồ lưu niệm như chăn, mũ, khăn quàng, túi… được làm bằng thổ cẩm với nhiều mẫu mã, kích cỡ khá phong phú, thu hút khách du lịch.

HTX thổ cẩm tại thị trấn Lăng Can (Lâm Bình) thành lập từ đầu năm 2020, đến nay có 20 thành viên thuộc các dân tộc Tày, Dao. Chị Hỏa Thị Nguyệt, thành viên HTX cho biết, HTX được các cơ sở lưu trú, Homestay, cửa hàng đặt hàng sản phẩm thổ cẩm, trong đó chủ yếu là các sản phẩm khăn, vỏ gối, vỏ chăn thổ cẩm... Tùy từng sản phẩm người làm nghề dệt thu lãi từ 200 nghìn đồng - 1,5 triệu đồng/sản phẩm. Bình quân mỗi tháng, chị Nguyệt có thể làm ra 15 - 20 sản phẩm, từ đó gia đình có thêm thu nhập.

Các sản phẩm lưu niệm được trưng bày tại các cơ sở homestay trên địa bàn huyện Lâm Bình.
Các sản phẩm lưu niệm được trưng bày tại các cơ sở homestay trên địa bàn huyện Lâm Bình.

Chắp cánh cho thổ cẩm

Tâm lý du khách mỗi khi đến tham quan du lịch ở bất cứ điểm đến nào đều muốn tìm hiểu về sản phẩm đặc trưng của địa danh đó. Sản phẩm đó vừa là trải nghiệm hấp dẫn trong chuyến đi, vừa có thể mua sắm để làm kỷ niệm hay quà tặng cho bạn bè, người thân. Và khi du khách mang món quà đến những nơi khác, truyền đến tay những người khác, một cách gián tiếp đã giới thiệu về hình ảnh và văn hóa của điểm du lịch đã đến.

Những năm gần đây, chúng ta có thể thấy những sản phẩm quà tặng lưu niệm từ thổ cẩm được nhiều HTX, tổ hợp tác làm ra tạo “cơn sốt nhẹ” bởi sự lạ mắt. Thế nhưng sau một thời gian, khi cái lạ trở thành quen, khi cái độc đáo thành phổ biến thì hàng loạt thách thức đặt ra.

Bà Triệu Thị Xướng, chủ cơ sở Homestay ở Nà Tông, xã Thượng Lâm (huyện Lâm Bình) chia sẻ, ngày mới ra mắt nhiều sản phẩm lưu niệm từ thổ cẩm bán khá chạy, thế nhưng giờ đây khi đã quá quen thuộc thì nhiều du khách chỉ xem, ngắm, check-in nhưng rất ít người móc ví trả tiền cho những sản phẩm ấy. Nhiều sản phẩm lâu ngày nằm im trong gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm.

Ông Cao Văn Minh, Trưởng Phòng Văn hoá - Thông tin huyện Lâm Bình chia sẻ, cùng với sự nỗ lực của chính quyền địa phương, người dân trên địa bàn huyện thì tiềm năng phát triển sản phẩm lưu niệm từ thổ cẩm là rất lớn, thế nhưng có thể thấy sức tiêu thụ sản phẩm từ khách du lịch chưa thực sự tương xứng. Nguyên nhân được nhiều người chỉ ra bởi chất lượng, mẫu mã còn chưa thực sự phong phú. Bên cạnh đó, hình thức quảng bá, tiếp thị chưa phong phú, đa dạng.

 Nỗi lòng và khát vọng của những người giữ nghề truyền thống là mong muốn sản phẩm không chỉ dừng ở cảnh trưng bày hay bán “nhỏ giọt” như hiện nay. Do đó, cần có chiến lược lâu dài để các sản phẩm lưu niệm được phát triển đúng với giá trị của nó.

Theo anh Lương Duy Doanh, Giám đốc Công ty Du lịch Năm Sao (Hà Nội) thì chúng ta phải chú trọng tìm cái riêng, cái khác biệt, tạo sự hấp dẫn bằng những điều khác biệt. Đó là thường xuyên có những lớp tập huấn để thay đổi, cách tân mẫu mã. Hiện nay, ở các tỉnh như Đắk Lắk, Gia Lai... các sản phẩm cách tân từ thổ cẩm được nhiều nghệ nhân già và người trẻ phối hợp thiết kế. Nhiều sản phẩm đẹp, giàu tính nghệ thuật và sự sáng tạo vươn xa sang cả châu Âu. 

Sản phẩm lưu niệm không chỉ làm gia tăng giá trị thặng dư cho ngành Du lịch mà còn là một trong những giải pháp quảng bá hình ảnh của mảnh đất Tuyên Quang ra bên ngoài. Vậy nên, việc phát triển quà lưu niệm từ thổ cẩm cần có chiến lược lâu dài để có hướng đi đúng đắn nhằm phát triển văn hóa gắn với du lịch một cách bền vững.

Cùng với sự nỗ lực của chính quyền địa phương, người dân trên địa bàn huyện thì tiềm năng phát triển sản phẩm lưu niệm từ thổ cẩm là rất lớn, thế nhưng có thể thấy sức tiêu thụ sản phẩm từ khách du lịch chưa thực sự tương xứng. Nguyên nhân được nhiều người chỉ ra bởi chất lượng, mẫu mã còn chưa thực sự phong phú.”

Ông Cao Văn Minh, Trưởng Phòng Văn hoá - Thông tin huyện Lâm Bình