Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Khảo sát tình hình ứng dụng và phát triển công nghệ 4.0 trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch

T.Hợp - 15:35, 23/06/2021

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 1913/QĐ-BVHTTDL về việc Phê duyệt Kế hoạch “Khảo sát tình hình ứng dụng, phát triển và chuyển giao công nghệ công nghiệp 4.0 lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch”.

 Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ngày 23/6/2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, nhằm nắm bắt tình hình ứng dụng, phát triển và chuyển giao công nghệ của cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ tư lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch trong việc thực hiện Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ và thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN lần thứ tư, Bộ đã ban hành Quyết định số 1913/QĐ-BVHTTDL.

Quyết định số 1913/QĐ-BVHTTDL phê duyệt Kế hoạch "Khảo sát tình hình ứng dụng, phát triển và chuyển giao công nghệ công nghiệp 4.0 lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch". Theo Kế hoạch, phạm vi khảo sát là các hoạt động ứng dụng, phát triển và chuyển giao công nghệ lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch trong phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Đối tượng khảo sát là các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; một số Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch một số tỉnh, thành phố có hoạt động ứng dụng công nghệ hiệu quả trong quản lý, cung cấp dịch vụ lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch.

Các nội dung sẽ tiến hành khảo sát bao gồm: Khảo sát tình hình thực hiện các Quyết định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về ứng dụng và chuyển giao công nghệ; Khảo sát thực tiễn và nhu cầu tại đơn vị trong hoạt động ứng dụng và chuyển giao công nghệ phục vụ công tác quản lý, hoạt động chuyển đổi số, cung cấp dịch vụ công đến người dân và doanh nghiệp thông qua ứng dụng công nghệ, sản phẩm chủ lực của ngành; Chú trọng khảo sát hạ tầng kỹ thuật và công nghệ, cơ chế và nhân lực cho hoạt động ứng dụng công nghệ trong phát triển công nghiệp văn hóa số, du lịch số; Nhu cầu và yêu cầu số hóa bảo vật quốc gia, tư liệu quý hiếm, các tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, các tác phẩm văn nghệ dân gian, di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia và các di sản văn hóa được UNESCO công nhận; Về ứng dụng công nghệ, cơ sở dữ liệu trong tuyển chọn, huấn luyện vận động viên thể thao thành tích cao của các Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia; Hoạt động ứng dụng hiệu quả công nghệ trong quản lý, sự phối hợp của một số Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch (địa bàn có di sản được UNESCO công nhận như: Hà Nội, Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh) với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công nghệ lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch.

Kết quả báo cáo và khảo sát thực tiễn sẽ phục vụ công tác tham mưu có hiệu quả hơn, đồng bộ hơn (với địa phương) về hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch./.