Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Khánh Hòa: Linh hoạt phòng,chống bệnh lao phổi

PV - 15:37, 25/03/2019

Mặc dù số người mắc bệnh lao phổi cao lại thiếu bác sĩ chuyên khoa nhưng tại các địa phương của tỉnh Khánh Hòa đã triển khai nhiều biện pháp linh hoạt, hiệu quả để ngăn chặn sự phát triển của căn bệnh này. Đặc biệt, với các đối tượng là trẻ em, người dân vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS được kêu gọi khám sàng lọc liên tục. Từ đó phát hiện bệnh sớm, hiệu quả điều trị cao.

Bệnh lao phổi có thể phẫu thuật và trị khỏi hoàn toàn. Bệnh lao phổi có thể phẫu thuật và trị khỏi hoàn toàn.

Tăng cường trợ giúp xã hội

Theo Sở Y tế Khánh Hòa, hiện trên toàn tỉnh có trên 1.300 người mắc bệnh lao phổi đang được quản lý, điều trị tích cực. Nhiều cuộc khảo sát thực tế cho thấy, tại các xã vùng sâu, do nhận thức về bệnh chưa đầy đủ nên khi bệnh nặng người dân mới tìm đến các cơ sở y tế.

Để giải quyết vấn đề này, các nhân viên y tế tuyến cơ sở liên tục mở chiến dịch tuyên truyền lưu động ngay tại các thôn. Bên cạnh đó, công tác trợ giúp xã hội cũng được triển khai mạnh mẽ. Đến tháng 3/2019, tại 6 huyện, thị xã, thành phố gồm: Nha Trang, Cam Ranh, Ninh Hòa, Vạn Ninh, Diên Khánh và Cam Lâm đã triển khai “Đề án trợ giúp xã hội với người bị lao phổi”. Riêng năm 2018, Đề án đã tư vấn điều trị và cách phòng chống cho trên 300 ca bệnh, cung cấp các dịch vụ trợ giúp xã hội cho trên 400 ca bệnh.

Ông Cao Tùng (dân tộc Raglai ở xã Khánh Bình, huyện Khánh Vĩnh) cho biết: Nhờ có mô hình trợ giúp xã hội mà chúng tôi còn được các nhân viên đến tận thôn xóm hướng dẫn cách sử dụng dinh dưỡng phù hợp, mua bảo hiểm y tế để tránh gánh nặng cho người thân. Đồng thời còn hỗ trợ kinh phí, hướng dẫn cách làm ăn để sau khi điều trị thuyên giảm bệnh có thể tự sinh kế mà không phải mặc cảm hay tự ti. Mô hình này thực sự rất cần thiết cho những người bị lao phổi.

Tại Trung tâm Y tế Cam Ranh hiện đang điều trị cho gần 100 người bị lao phổi, trong đó chủ yếu là lao thể AFB dương tính. Đáng lo ngại là bệnh nhân kháng thuốc gia tăng. Vì vậy, việc tham gia kịp thời của Đề án trợ giúp xã hội đã giải tỏa nhiều lo lắng cho người bệnh. Thông qua các buổi tư vấn trực tiếp, giúp họ an tâm điều trị. Tại các huyện Khánh Vĩnh, Khánh Sơn, công tác phòng, chống bệnh lao phổi cũng được triển khai đến tận các thôn.

Mô phỏng triệu chứng lao phổi. Mô phỏng triệu chứng lao phổi.

Cần chủ động khám để phát hiện bệnh sớm

Mặc dù hằng năm, tại các xã, phường ở Khánh Hòa, trẻ sơ sinh trong vòng một tháng tuổi được chú trọng tiêm mũi vắcxin BCG phòng bệnh lao. Tuy nhiên, do nhiều tác động từ môi trường, cuộc sống, trẻ vẫn có thể mắc bệnh lao. Lao phổi ở trẻ, phát hiện càng sớm khả năng chữa khỏi càng cao.

Vậy nên, ngành Y tế Khánh Hòa ngoài việc quán triệt đến từng xã, phường, tuyên truyền đến người dân chủ động đưa con em đi khám khi thấy các triệu chứng của bệnh lao thì còn thường xuyên lập đoàn đi khám sàng lọc cho trẻ 14 tuổi trở xuống. Năm 2017 đến nay, qua khám đã phát hiện nhiều ca bệnh và 100% đã điều trị khỏi. Đối tượng trẻ có nguy cơ mắc lao phổi thường là do: Tiếp xúc gần gũi với các thành viên trong gia đình bị mắc bệnh lao, trẻ dưới 5 tuổi, trẻ nhiễm HIV, trẻ bị suy dinh dưỡng, còi cọc. Để tránh tác hại bệnh lao đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ em, nhất là ở các vùng nông thôn thì khi trẻ em sống với người bị lao cần điều trị dự phòng thuốc INH trong 6 tháng.

Ngoài ra, từ năm 2018 đến nay, tại các huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh đã phát hiện có hơn 20 người mắc bệnh lao phổi nặng, 3 ca kháng thuốc. Các bệnh nhân này phần lớn đều làm thợ mộc, thợ hồ… môi trường nhiều bụi bặm, có nguy cơ mắc bệnh cao nhưng lại chủ quan không đi thăm khám. Từ đầu năm 2019, công tác đẩy mạnh vận động khám bệnh khi có triệu chứng nhẹ được tiến hành liên tục tại các địa phương này.

Bác sĩ Hồ Tá Phương, Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Khánh Hòa khuyến cáo: Người dân điều trị càng sớm, tốn kém càng ít, đây không còn là bệnh nan y. Bệnh lây chủ yếu do tiếp xúc thường xuyên với người bệnh qua đường hô hấp, hắt hơi, ăn uống. Hiện tại, Bệnh viện đã triển khai nhiều kỹ thuật cao và chuyên sâu để phát hiện và điều trị kịp thời như: Kỹ thuật nuôi cấy nhanh trong môi trường lỏng; Kỹ thuật sinh học phân tử CPR; Kỹ thuật soi chức năng hô hấp; Kỹ thuật soi đàm trực tiếp dưới kính hiển vi… Khi có các dấu hiệu như: Sút cân không rõ nguyên nhân, ho khan, sốt kéo dài, cần đi khám ngay.

ĐÔNG HƯNG