Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Khánh Hòa: Dự án 8 thuộc Chương trình MTQG 1719 giúp xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em

Văn Phong - 08:32, 15/11/2023

Trong 2 năm thực hiện Dự án 8 thuộc Chương trình MTQG 1719, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Khánh Hòa đã triển khai tại 66 thôn, tổ dân phố; 27 xã, thị trấn thuộc 5 huyện và thị xã trong tỉnh. Dự án ưu tiên hỗ trợ em gái là người DTTS trong các hộ nghèo, cận nghèo, nạn nhân bạo lực gia đình, bị xâm hại tình dục và phụ nữ khuyết tật.

Chương trình giao lưu sáng kiến truyền thông về bình đẳng giới của các địa phương tỉnh Khánh Hòa
Chương trình giao lưu sáng kiến truyền thông về bình đẳng giới của các địa phương tỉnh Khánh Hòa

Xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em

Mới đây, tại huyện Khánh Vĩnh, Hội LHPN tỉnh Khánh Hòa tổ chức Chương trình giao lưu sáng kiến truyền thông về bình đẳng giới. Tại buổi giao lưu, những tiểu phẩm được các đội trình diễn đã truyền tải nhiều thông điệp ý nghĩa, thiết thực về bình đẳng giới.

Chương trình thu hút gần 100 tuyên truyền viên ở 5 địa phương tham gia, gồm: thị xã Ninh Hòa và các huyện Khánh Vĩnh, Khánh Sơn, Diên Khánh, Cam Lâm. Các tuyên truyền viên chia thành 7 đội, trình bày các tiểu phẩm có nội dung phản ánh về cách thức phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, thực hiện bình đẳng giới; kỹ năng bảo vệ cho phụ nữ và trẻ em; hậu quả của việc tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống…

Khi bắt đầu Chương trình giao lưu, Đội tuyên truyền viên xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa trình diễn tiểu phẩm "Con muốn đi học" gây xúc động cho nhiều người. Tiểu phẩm kể về câu chuyện xoay quanh người cha thường xuyên uống rượu; khi say thì không làm chủ được bản thân, chửi bới, đánh đập vợ con. Điểm nhấn của tiểu phẩm chính là người cha luôn áp đặt con gái 14 tuổi phải nghỉ học để lấy chồng, sinh con. Sau nhiều lần được giáo dục bởi già làng, trưởng bản, hội phụ nữ, và các đoàn thể khác về lợi ích của việc học, cũng như giải thích rằng hành vi bạo hành vợ con có thể bị xử phạt, người cha dần nhận ra sự quan trọng của giáo dục và quyết định cho con tiếp tục học hành, không ép con lấy chồng sớm.

Được biết, trong vòng 2 năm triển khai, Hội LHPN thị xã Ninh Hòa đã tiến hành tổ chức 19 lớp tuyên truyền và tập huấn với các chủ đề đa dạng. Các hoạt động góp phần vào việc xóa bỏ định kiến và khuôn mẫu giới, xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em. Là một địa phương có 17 dân tộc sinh sống, trong đó có 16 DTTS, Dự án 8 ở thị xã Ninh Hòa được triển khai thực hiện ở 3 thôn đặc biệt khó khăn của xã Ninh Tây, đó là thôn Sông Búng, thôn Buôn Sim và thôn Suối Mít.

Qua 2 năm thực hiện, Hội LHPN thị xã đã nỗ lực nâng cao năng lực lồng ghép giới cho các chức vụ như Chi Hội trưởng, Chi Hội phó, Tổ trưởng Tổ Phụ nữ, những Người có uy tín trong thôn và các hội viên nòng cốt. Các hoạt động khác bao gồm kỹ năng xây dựng và phát triển các mô hình sinh kế, ra mắt 3 tổ truyền thông cộng đồng với 22 thành viên và thiết lập 3 địa chỉ an toàn cộng đồng.

Tổng kinh phí cho Dự án 8 trong 2 năm đạt gần 10 tỷ đồng

Dự án "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" (Dự án 8) là 1 trong 10 dự án thành phần thuộc Chương trình MTQG1719 giai đoạn 2021 – 2030. Nhận thức rõ vai trò, vị trí quan trọng của việc tuyên truyền bình đẳng giới, trong những năm qua, Hội LHPN tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức nhiều buổi tuyên truyền tại các địa phương, trong đó có các huyện, thị xã trong tỉnh thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Ra mắt mô hình “Tổ truyền thông cộng đồng” ở thị xã Ninh Hòa.
Ra mắt mô hình “Tổ truyền thông cộng đồng” ở thị xã Ninh Hòa.

Bà Phan Thị Hoà Bình, Phó Chủ tịch Hội LHPN Khánh Hòa cho biết: Trong thời gian gần đây, Hội LHPN các cấp trong tỉnh đã đặt ra 3 tổ điểm truyền thông tại cộng đồng và tổ chức 44 hội nghị tập huấn, hướng dẫn kỹ năng truyền thông cộng đồng cho hơn 2.080 lượt cán bộ, từ Chủ tịch đến thành viên Tổ truyền thông cộng đồng. Đồng thời, đã thành lập 44 Tổ truyền thông cộng đồng, đạt 66,7% tổng chỉ tiêu giai đoạn 1 là 66 Tổ. Các hoạt động cụ thể bao gồm 33 chiến dịch truyền thông xoá bỏ định kiến giới và xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em, cũng như việc thành lập 16 địa chỉ tin cậy cộng đồng và 15 địa chỉ an toàn tại cộng đồng.

Khoảng 3.000 người đã tham gia và nhận được lợi ích từ những Chương trình này. Ngoài ra, các cấp Hội còn thực hiện công tác tuyên truyền và vận động thay đổi "nếp nghĩ, cách làm" thông qua các trang điện tử như Hội LHPN tỉnh, Zalo, Facebook và Fanpage Facebook. Đến nay, tổng kinh phí phân bổ để thực hiện Dự án 8 ước tính khoảng 10 tỷ đồng.

Bà Hòa Bình cũng chia sẻ, trong các địa phương của tỉnh Khánh Hòa thì huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh là hai địa phương miền núi tập trung đông đồng bào DTTS, chủ yếu là dân tộc Raglai. Để đóng góp vào việc đưa hai huyện này thoát khỏi tình trạng nghèo vào năm 2025 và đảm bảo bình đẳng giới cùng giải quyết các vấn đề cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em, Hội LHPN tỉnh Khánh Hòa đã tập trung vào hoạt động tuyên truyền. Mục tiêu là xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, loại bỏ các tập tục văn hóa có hại và giải quyết các vấn đề xã hội quan trọng đối với phụ nữ và trẻ em DTTS. Đồng thời, họ đang xây dựng và mở rộng các mô hình thay đổi "nếp nghĩ, cách làm" nhằm tăng cường quyền năng kinh tế cho phụ nữ DTTS. Hội LHPN tỉnh Khánh Hoà cũng liên tục theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, hỗ trợ và đánh giá quá trình thực hiện Dự án 8 tại huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh.

Theo bà Phan Thị Hòa Bình, trong quá trình triển khai Dự án 8, nhiều cán bộ tham mưu thực hiện Dự án của Hội LHPN ở các cấp vẫn gặp khó khăn. Để khắc phục những thách thức này, trong thời gian sắp tới, Hội LHPN tỉnh Khánh Hòa sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động tập huấn và hướng dẫn cho cán bộ Hội về các nội dung của Dự án. Đồng thời, cũng sẽ tăng cường năng lực cho cán bộ nữ DTTS và nâng cao hiểu biết về bình đẳng giới cho già làng và những Người có uy tín. Ngoài ra, Hội sẽ thực hiện xây dựng tài liệu truyền thông và tài liệu hướng dẫn cho việc xây dựng các mô hình truyền thông hiệu quả hơn.