Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Khánh Hòa: Bao giờ rừng được bình yên?

Phương Lê - 18:02, 30/12/2020

Năm 2020, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa ghi nhận nhiều vụ phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật có quy mô khá lớn; một số vụ việc vượt khung xử lý vi phạm hành chính đã được các Hạt Kiểm lâm địa phương củng cố hồ sơ, khởi tố hình sự. Với thực trạng này, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm địa phương tăng cường công tác giữ rừng, nhất là trong dịp tết Nguyên đán sắp tới.

Trong năm, các lực lượng chức năng tỉnh Khánh Hòa đã phát hiện nhiều vụ phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật (trong ảnh, một vụ phá rừng ở Khánh Vĩnh)
Trong năm, các lực lượng chức năng tỉnh Khánh Hòa đã phát hiện nhiều vụ phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật (trong ảnh, một vụ phá rừng ở Khánh Vĩnh)

Nhiều vụ phá rừng lớn

Theo Chi cục Kiểm lâm Khánh Hòa, từ đầu năm đến nay, tình trạng phá rừng diễn biến phức tạp tại một số địa phương. Toàn tỉnh đã xảy ra 7 vụ phá rừng, diện tích rừng bị thiệt hại lên đến hơn 22,8ha.

Cụ thể, huyện Khánh Vĩnh xảy ra 3 vụ trong lâm phận Công ty TNHH Một thành viên Lâm sản Khánh Hòa, gây thiệt hại hơn 2,8ha rừng. Huyện Cam Lâm xảy ra 2 vụ tại xã Cam Phước Tây và xã Suối Cát, gây thiệt hại gần 19,2ha rừng. Huyện Khánh Sơn xảy ra 1 vụ thuộc lâm phận Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa, gây thiệt hại gần 0,4ha rừng và thị xã Ninh Hòa xảy ra 1 vụ thuộc lâm phận Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa, gây thiệt hại gần 0,5ha rừng. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh cũng xảy ra 5 vụ khai thác rừng trái pháp luật.

Ông Trần Minh Thu, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Khánh Hòa cho biết: Lực lượng Kiểm lâm tỉnh đã ra quyết định khởi tố 6 vụ án hình sự liên quan đến các vụ phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật xảy ra tại huyện Khánh Vĩnh và thị xã Ninh Hòa. Những vụ việc khác vẫn đang được các Hạt Kiểm lâm địa phương củng cố hồ sơ để xử lý. Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, lực lượng Kiểm lâm toàn tỉnh đã kiểm tra, phát hiện và xử phạt 350 vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp, tăng 81 vụ so với năm 2019. Qua đó, tịch thu hơn 132,7m3 gỗ tròn các loại, gần 405,2m3 gỗ xẻ hộp các loại; 3 xe ô tô, 2 máy kéo, máy tời, 19 xe gắn máy, 12 cưa xăng; thu nộp ngân sách nhà nước hơn 3 tỷ đồng.

So với các địa phương, công tác quản lý bảo vệ rừng tại huyện Khánh Vĩnh được xác định khó khăn, phức tạp nhất. Trong năm, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều vụ khai thác rừng trái phép. Cụ thể, trên địa bàn xã Sơn Thái, lực lượng chức năng phát hiện tại hiện trường 20 gốc cây bị chặt hạ, 26 khúc gỗ xẻ hộp các loại, khối lượng hơn 9,6m3; tại xã Liên Sang, phát hiện 72 gốc cây bị chặt hạ, gần 58,7m3 gỗ tròn không xác định được chủng loại; tại xã Khánh Phú, phát hiện 53 gốc cây bị chặt hạ, hơn 9,2m3 gỗ xẻ và hơn 21m3 gỗ tròn, chưa xác định được chủng loại…

Tại huyện Khánh Sơn, việc đốt nương làm rẫy của người dân gây cháy lan vào rừng là vấn đề đáng quan tâm. Cao điểm mùa khô năm nay, huyện xác định có 4.527ha rừng trọng điểm có nguy cơ cháy cao. Tuy công tác tuyên truyền, tổ chức tuần tra, canh coi lửa rừng được chú trọng, nhưng trên địa bàn vẫn xảy ra nhiều vụ cháy rừng trong diện tích quy hoạch lâm nghiệp.

Những cây gỗ lớn bị cưa tận gốc
Những cây gỗ lớn bị cưa tận gốc

Dồn lực để giữ rừng

Chi cục Kiểm lâm Khánh Hòa nhận định, trong thời gian tới, tình hình vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, dễ phát sinh những “điểm nóng” về phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật, nhất là thời điểm cận tết Nguyên đán. Trong khi đó, một số địa phương, đơn vị chủ rừng chưa chủ động, phối hợp với lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách; vẫn còn tình trạng chủ rừng thiếu quản lý, để người dân phá rừng, xâm canh, lấn chiếm đất kéo dài khó xử lý. Một số Kiểm lâm địa bàn, chưa tham mưu kịp thời cho chính quyền cơ sở, trong việc chấp hành pháp luật về lâm nghiệp.

Với những khó khăn trong công tác quản lý bảo vệ rừng tại các địa phương, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có công văn chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, bên cạnh việc tăng cường thực hiện các hoạt động tuyên truyền, với nhiều nội dung, hình thức phong phú nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân, tổ chức đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng. Thường xuyên giám sát, quản lý nguồn gốc lâm sản tại các cơ sở mua bán, kinh doanh, chế biến lâm sản; xây dựng kế hoạch xử lý triệt để các điểm nóng chặt phá rừng, sản xuất kinh doanh lâm sản trái pháp luật. Đồng thời, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân có hành vi phá rừng; xử lý nghiêm chủ rừng, người có trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng nhưng thiếu trách nhiệm, không hoàn thành nhiệm vụ, nhất là hành vi tiêu cực, tiếp tay cho đối tượng vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng…

Phó Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Khánh Hòa Trần Minh Thu đề nghị, các đơn vị chủ rừng phải tăng cường nhiều biện pháp để giảm thiểu vi phạm về khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép, nhất là những địa bàn trọng điểm như: Khánh Vĩnh, Vạn Ninh, Ninh Hòa… Các Hạt Kiểm lâm địa phương phải bố trí lực lượng, tăng cường truy quét để xử lý các khu vực có nguy cơ xâm hại rừng.

“Để chủ động công tác bảo vệ rừng trong dịp Tết, năm nay, các Hạt Kiểm lâm địa phương, đơn vị chủ rừng đã xây dựng kế hoạch, bố trí lực lượng tuần tra, kiểm soát nhằm xử lý kịp thời vi phạm. Bố trí chốt giữ rừng, chia ca, kíp để thay phiên trực 24/24 giờ trong những ngày trước, trong và sau Tết”, ông Thu cho biết thêm.

Để chủ động công tác bảo vệ rừng trong dịp Tết, năm nay, các Hạt Kiểm lâm địa phương, đơn vị chủ rừng đã xây dựng kế hoạch, bố trí lực lượng tuần tra, kiểm soát nhằm xử lý kịp thời vi phạm. Bố trí chốt giữ rừng, chia ca, kíp để thay phiên trực 24/24 giờ trong những ngày trước, trong và sau Tết”.

Ông Trần Minh Thu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Khánh Hòa.