Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Khẩn cấp thẩm định, bảo vệ di tích chưa được xếp hạng: Đừng để di tích đi vào hoài niệm

PV - 10:38, 21/11/2018

Trên cả nước hiện có một số lượng rất lớn các di tích chưa được xếp hạng gắn liền với đời sống lịch sử văn hóa các dân tộc Việt Nam. Do “không có danh” nên nhiều di tích chưa được bảo vệ nghiêm ngặt, đứng trước nguy cơ trở thành phế tích.

Khi lịch sử chỉ còn là dấu tích

Xã Hưng Đạo (TP. Cao Bằng) là vùng đất cổ; xã hiện có một số di tích đã được thẩm định, xếp hạng như: chùa Đống Lân, Đà Quận, thành Na Lữ, đền Vua Lê, đền Dẻ Đoóng (thế kỷ XVI-XVII),… Ngoài ra, trên địa bàn xã Hưng Đạo còn rất nhiều di tích chưa được thẩm định đang bị mai một, biến dạng nghiêm trọng; trong đó đáng chú ý là di tích Thành Bản Phủ, ở xóm Hồng Quang 1.

Để bảo vệ các dấu tích Thành Bản Phủ, ngày 05/7/2018, Hội Di sản văn hóa Cao Bình đã tiến hành đặt biển ghi nhận. (Ảnh TL) Để bảo vệ các dấu tích Thành Bản Phủ, ngày 05/7/2018, Hội Di sản văn hóa Cao Bình đã tiến hành đặt biển ghi nhận. (Ảnh TL)

Theo sử sách lưu lại (sách “Cao Bằng thực lục” của Nguyễn Hữu Cung; Địa chí Cao Bằng năm 2000,… ), Thành Bản Phủ ở Cao Bằng được xây dựng năm 214 trước Công nguyên, gắn liền với nhà Thục (là triều đại lập nên nước Âu Lạc-nhà nước thứ hai trong lịch sử Việt Nam sau nhà nước Văn Lang đầu tiên của các vua Hùng). Từ năm 1593-1667, Thành Bản Phủ cũng là Vương phủ, là nơi thiết triều của ba đời vua nhà Mạc khi nhà Mạc thất thế ở Thăng Long chạy lên Cao Bằng.

Đặc biệt, chiếu theo truyền thuyết “Cẩu chủa cheng vùa” (Chín chúa tranh vua) được đồng bào dân tộc Tày lưu truyền nhiều đời nay thì Thành Bản Phủ vẫn hiển hiện qua rất nhiều dấu tích còn sót lại. Đó là cánh đồng Tổng Chúp; giếng Ngọc (nay gọi là Bó Phủ); cây đa cổ thụ, dấu tích cự thạch của đôi guốc đá Nà Vẩư (bản Thảnh, xóm Hồng Quang 5)... Nhất là dấu tích tường thành của Thành Bản Phủ-Thành nội (xóm Hồng Quang 1), thành ngoại sân vận động phố Cao Bình vẫn khá rõ nét.

Theo bà Nông Thị Dỳ, Trưởng xóm Hồng Quang 1, các bậc cao niên trong và ngoài xóm đều biết Thành Bản Phủ là di tích cổ nghìn năm. Như dòng tộc nhà bà Dỳ đã trải qua 6 đời an cư, lạc nghiệp trên mảnh đất này vẫn lưu truyền câu đối: “Cẩm sơn mạch tú Bản Phủ lưu trường” để dặn dò thế hệ sau trân trọng, bảo vệ, gìn giữ dấu tích cổ.

Nhưng có một thực tế là những dấu tích còn lại của Thành Bản Phủ đang dần biến mất trước sự xói mòn của thời gian, ảnh hưởng môi trường, thiên nhiên và tác động của con người. Do những dấu tích cổ của Thành Bản Phủ chưa được xếp hạng, lại nằm trên đất đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng của một số chủ hộ nên chính quyền địa phương không có căn cứ pháp lý để vận động, can thiệp bảo vệ di tích.

Đặc biệt là dấu tích đôi guốc đá Nà Vẩư đang có nguy cơ biến mất khi các hộ dân đã được cấp sổ đỏ tiến hành san gạt đất lấy mặt bằng. Trước thực trạng này, ngày 05/7/2018, được sự cho phép của cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và chính quyền địa phương, Hội Di sản văn hóa Cao Bình (TP. Cao Bằng) đã tiến hành đặt biển ghi nhận di tích lịch sử có từ thời Thục Phán và nhà Mạc đối với dấu tích đôi guốc đá ở bản Thảnh để bảo vệ.

Hàng chục năm chờ thẩm định

Không chỉ riêng di tích Thành Bản Phủ ở Cao Bằng mà rất nhiều di tích chưa được xếp hạng trên cả nước đang đứng trước nguy cơ biến mất do sự bào mòn của thời gian và cả do tác động của con người. Trong khi việc bảo vệ những di tích chưa được xếp hạng này rất khó khăn thì công tác thẩm định, xếp hạng cho di tích lại rất chậm, tạo ra những kẽ hở để một số cá nhân, tổ chức trục lợi từ giá trị của các di tích.

Sự việc đang làm xôn xao dư luận, gần đây nhất là việc UBND tỉnh Khánh Hòa cấp phép cho Công ty Cổ phần Đầu tư Khánh Hà triển khai dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Bảo Đại trên đồi Cảnh Long (TP. Nha Trang), ngay cạnh lầu Bảo Đại-một công trình được xây dựng năm 1923. Nếu theo thiết kế đã được duyệt thì chủ đầu tư sẽ “cạo trọc” đồi Cảnh Long để xây khách sạn 5 tầng với 108 phòng nằm dọc theo sườn núi; xây mới 36 căn biệt thự cao cấp và các hạng mục phụ trợ (phòng hội nghị, khu spa, bể bơi, bến du thuyền, sân tập golf…).

 Nhiều hạng mục công trình đang “áp sát” di tích lầu Bảo Đại trên đồi Cảnh Long. Nhiều hạng mục công trình đang “áp sát” di tích lầu Bảo Đại trên đồi Cảnh Long.

Vậy Khánh Hòa sẽ lấy gì để bảo đảm di tích lầu Bảo Đại không bị “sứt mẻ” vì dự án này? Bởi trên thực tế, lầu Bảo Đại dù đã được ghi vào danh mục di tích-thắng cảnh của Khánh Hòa từ năm 1995 nhưng hơn 23 năm, Sở Văn hóa-Thể thao tỉnh Khánh Hòa vẫn… đang làm hồ sơ để trình UBND tỉnh xếp hạng cho di tích này.

Ngay cả với di tích Thành Bản Phủ ở Cao Bằng, nhiều năm trước, các cấp chính quyền địa phương và những người tâm huyết cũng đã đề xuất thẩm định để xếp hạng các dấu tích còn sót lại. Đề xuất này được ông Đinh Ngọc Viện, nguyên Trưởng Phòng Lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cao Bằng nêu lần đầu tiên tại Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 3 năm 2008.

Năm 2012-2013, Hội Di sản văn hóa Cao Bình (TP. Cao Bằng) đã nhiều lần kiến nghị các cấp chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn của tỉnh Cao Bằng nghiên cứu, xác minh, khoanh vùng bảo vệ, xếp hạng, trùng tu tôn tạo dấu tích Thành Bản Phủ (Thành nội và Thành ngoại) và di tích cự thạch đôi guốc đá. Từ đó đến nay, trước sự xuống cấp trầm trọng và nguy cơ bị xâm hại di tích, Hội Di sản văn hóa Cao Bình tiếp tục làm đơn lên các cấp ủy, chính quyền và cơ quan chức năng.

Việc chậm thẩm định những dấu tích để xếp hạng di tích đang và sẽ là một trong những nguyên nhân khiến không ít di tích lịch sử văn hóa đứng trước nguy cơ biến mất hoàn toàn. Bởi khi chưa được xếp hạng (tức là chưa có hồ sơ lưu trữ), cùng với việc nhiều dấu tích bị bào mòn theo thời gian thì các bậc cao niên hiểu biết về dấu tích xưa cũng ngày một ít đi vì tuổi tác. Đến lúc đó, có những di tích sẽ không còn tồn tại, ngay cả tồn tại trong hoài niệm.

SỸ HÀO