Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Khai mạc Phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

PV - 15:41, 14/10/2019

Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về các nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 và xem xét, quyết định một số vấn đề thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Khai mạc Phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc. Ảnh: Quang Khánh.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc. Ảnh: Quang Khánh.

Sáng 14/10, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khai mạc Phiên họp thứ 38.

Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ: Phiên họp thứ 38 của UBTVQH là phiên họp có sự điều chỉnh, bổ sung nội dung nhiều nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay.

Chủ tịch QH đề nghị, để phiên họp bảo đảm chất lượng, hiệu quả, đại diện các cơ quan trình bày các tờ trình, báo cáo cần thật khái quát, ngắn gọn; các đại biểu phát biểu đi thẳng vào trọng tâm vấn đề cần trao đổi, thảo luận.

Kiến nghị xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên vi phạm

Trong Phiên họp sáng nay, UBTVQH đã cho ý kiến về các báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 8; kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri; kết quả tiếp công dân, tiếp nhận xử lý đơn thư của công dân và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến QH năm 2019.

Theo Báo cáo Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân do Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn trình bày, cử tri và nhân dân đánh giá cao việc QH tiếp tục có nhiều đổi mới trong công tác xây dựng pháp luật; hoạt động chất vấn, giải trình có bước tiến rõ rệt, nâng cao tính dân chủ và phản ánh sát thực hơn ý chí, nguyện vọng của cử tri và nhân dân; công nghệ thông tin được áp dụng góp phần cải tiến quy trình, thủ tục và hiệu quả các phiên họp QH… Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều vấn đề cử tri, nhân dân băn khoăn, lo lắng như: những diễn biến phức tạp ở Biển Đông vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam; kỷ cương, kỷ luật hành chính chuyển biến còn chậm; quan liêu, tham nhũng, lãng phí mới được ngăn chặn ở mức độ nhất định; biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long; đời sống người dân ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn;…

Trên cơ sở vấn đề cử tri và nhân dân quan tâm và có kiến nghị, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam kiến nghị các bộ, ngành, chính quyền địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ trong giải ngân vốn đầu tư công; đẩy nhanh tiến độ, thực hiện minh bạch hóa các dự án; chất lượng, hiệu quả công trình, dự án, chống thất thoát, lãng phí. Đảng, Nhà nước tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo rà soát, hoàn thiện hơn nữa thể chế về quản lý, giám sát cán bộ, đảng viên, chú trọng phát huy và tạo điều kiện để nhân dân, MTTQ và các tổ chức thành viên giám sát công tác cán bộ; tăng cường kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền; tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên vi phạm…

Theo Báo cáo tóm tắt kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 7, QH Khóa XIV do Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải trình bày, thông qua 1.688 cuộc tiếp xúc cử tri, trong đó có 1.463 cuộc tiếp xúc định kỳ (chiếm 86,7%), 132 cuộc tiếp xúc theo nhóm đối tượng, 93 cuộc tiếp xúc theo chuyên đề, lĩnh vực, đã tổng hợp được 2.251 kiến nghị và qua phân loại, lọc kiến nghị trùng còn 2.224 kiến nghị liên quan đến hoạt động của QH, Chính phủ, các cơ quan tư pháp… Đến nay, 2.201 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời (đạt 98,97%).

Báo cáo của Ban Dân nguyện cũng chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế trong giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri. Đó là một số văn bản trả lời cử tri vẫn còn bất cập, chưa có đủ thông tin để đại biểu Quốc hội trả lời cử tri; việc phối hợp giữa các bộ, ngành, trong giải quyết kiến nghị cử tri chưa chặt chẽ, dẫn đến một số kiến nghị chưa rõ trách nhiệm do cơ quan nào chủ trì giải quyết; một số kiến nghị chưa được giải quyết do một số bộ chậm ban hành văn bản hướng dẫn hoặc chậm triển khai các quy định của pháp luật…

Cho ý kiến về các báo cáo này, các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về cơ bản đồng tình và đánh giá cao nỗ lực của các cơ quan đã chuẩn bị báo cáo một cách công phu, đầy đủ, chi tiết, cụ thể, rõ ràng. Trên cơ sở ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhân dân qua các cuộc tiếp xúc cử tri, các ý kiến đề nghị thực hiện kịp thời hơn các chính sách hỗ trợ người dân bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh; xử lý đúng đối tượng liên quan tới các vụ tiêu cực điểm thi tại Hà Giang; …Đồng thời đề nghị, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Ban Dân nguyện cần rà soát kỹ lưỡng, tiếp tục hoàn chỉnh các báo cáo trước khi trình QH xem xét tại Kỳ họp thứ 8 tới./.

Diễn ra từ ngày 14/10 đến ngày 17/10, tại Phiên họp 38, UBTVQH sẽ xem xét, cho ý kiến về 3 dự án luật: Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); Luật Đầu tư (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và Nghị quyết về thí điểm không tổ chức HĐND các phường thuộc quận, thị xã của Hà Nội.

UBTVQH cũng sẽ cho ý kiến về các báo cáo về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; Báo cáo nghiên cứu khả thi về dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1; việc thực hiện Nghị quyết số 468/NQ-UBTVQH14 và kiến nghị sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ đã chuyển nguồn để thực hiện hạng mục bổ sung của một số dự án…

UBTVQH sẽ cho ý kiến về Nghị quyết phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa Việt Nam và Campuchia; và Nghị định thư Phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia.

UBTVQH sẽ xem xét, quyết định phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại nước ngoài; thành lập, điều chỉnh địa giới hành chính ở 3 tỉnh Hải Dương, Thanh Hóa, Bắc Ninh; rà soát, hoàn chỉnh phương án phân bổ 10.000 tỷ đồng từ nguồn điều chỉnh giảm nguồn vốn dự kiến bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020; bổ sung kinh phí mua bù gạo dự trữ quốc gia…