Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Khai mạc Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7- năm 2019

PV - 11:20, 11/03/2019

Với chủ đề: “Tinh hoa đại ngàn”, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 - năm 2019 đã chính thức khai mạc vào tối 9/3 tại Quảng trường 10/3 tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình phát biểu tại lễ Khai mạc Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình phát biểu tại lễ Khai mạc.

Tham dự buổi lễ có đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; đại sứ, tổng lãnh sự các nước; lãnh đạo các địa phương cùng đông đảo đồng bào các dân tộc tỉnh Đắk Lắk.

Phát biểu tại Lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình khẳng định, Đắk Lắk từ lâu đã nổi tiếng với vùng đất đỏ bazan trù phú, nơi có những đồn điền cao su, cà phê bạt ngàn và được mệnh danh là thủ phủ cà phê của Việt Nam. Sản phẩm cà phê của tỉnh Đắk Lắk, với thương hiệu và chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột nổi tiếng đã có mặt ở hơn 60 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, góp phần lớn vào tổng giá trị xuất khẩu cà phê của cả nước, góp phần quan trọng đưa kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam năm 2018 lên gần 1,9 triệu tấn, với doanh thu hơn 3,5 tỷ USD.

Lễ hội hôi cà phê Buôn Ma Thuột lần này diễn ra trong bối cảnh tỉnh Đắk Lắk đạt nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực vùng; đời sống vật chất, tinh thần của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa từng bước được nâng lên, an sinh xã hội được bảo đảm, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, các giá trị văn hoá truyền thống được bảo tồn và phát huy.

Theo Phó Thủ tướng, việc tổ chức Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần này có nhiều điểm mới, không những tiếp tục quảng bá thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột mà còn tiến tới phát triển cà phê đặc sản Việt Nam và khẳng định, đưa Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk trở thành điểm đến của cà phê thế giới, góp phần nâng tầm giá trị và khẳng định vị thế của cà phê Việt Nam trên tầm thế giới. Cạnh đó, Lễ hội cũng gắn mục tiêu giao lưu văn hoá với xúc tiến thương mại, thu hút đầu đầu tư… Đây là những hoạt động là phù hợp với chủ trương của Chính phủ.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình đã biểu dương, ghi nhận những nỗ lực của Đắk Lắk trong thời gian qua, đồng thời cũng biểu dương những nổ lực của Ban Chỉ đạo, Ban tổ chức và các bộ, ngành Trung ương trong công tác tổ chức lễ hội lần này.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Năm 2019 là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện Kế hoạch 5 năm (2016 - 2020), năm kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, năm có nhiều thời cơ thuận lợi do công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, nhưng chúng ta cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Với phương châm hành động của Chính phủ đề ra cho năm 2019 là “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”.

Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Đắk Lắk tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được và cần có các giải pháp thực sự bứt phá và hiệu quả hơn để hoàn thành xuất sắc kế hoạch đề ra năm 2019 và Kế hoạch 5 năm (2016 - 2020).

Top 5 Hoa hậu Hoàn vũ thế giới năm 2018 H Hen Niê tham gia Lễ hội đường phố. Top 5 Hoa hậu Hoàn vũ thế giới năm 2018 H Hen Niê tham gia Lễ hội đường phố.

Theo Phó Thủ tướng, để phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn nước ta nói chung và ngành cà phê nói riêng, tỉnh Đắk Lắk, các tỉnh có trồng cà phê cần rà soát tổng thể việc phát triển ngành cà phê cho phù hợp với xu thế thị trường thế giới và bảo đảm các điều kiện sản xuất bền vững; đẩy mạnh cơ cấu lại cho ngành cà phê theo hướng phát triển sản xuất quy mô lớn, tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; khuyến khích và thu hút đầu tư tư nhân vào tái canh cà phê, tăng cường áp dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao nhằm tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản xuất, thích ứng với biến đổi khí hậu; khuyến khích phát triển cà phê đặc sản Việt Nam với tính chất là cà phê cao cấp có hương vị đặc biệt được đánh giá theo tiêu chuẩn quốc tế để đáp ứng nhu cầu, xu thế tiêu thụ của thế giới và gia tăng giá trị cho cây cà phê, nhất là tăng lợi nhuận trực tiếp cho người nông dân trồng cà phê. Cùng với đó, tỉnh cần tập trung đầu tư phát triển công nghiệp chế biến, đặc biệt là chế biến sâu và bảo quản sau thu hoạch theo hướng hiện đại.

Để vươn tới mục tiêu đưa Đắk Lắk trở thành điểm đến của cà phê thế giới, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu tỉnh phải chú trọng nâng cao thực lực, làm tốt công tác truyền thông, mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng cường kết nối với bạn bè trên thế giới để phát triển kinh tế - xã hội, gắn với thu hút nhiều hơn nữa ngày càng nhiều người yêu cà phê, những chuyên gia, các nhà sản suất và chế biến cà phê đến với vùng đất tinh hoa đại ngàn này để Đắk Lắk trở thành một thế giới cà phê.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng đề nghị các bộ, ngành Trung ương cần tích cực hơn nữa trong việc hỗ trợ cho các tỉnh về nghiên cứu khoa học, tạo cơ chế chính sách cho người trồng cà phê và sản phẩm cà phê; Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam cần phát huy vai trò là cầu nối để các tỉnh chia sẻ kinh nghiệm cho cây cà phê và sản phẩm cà phê phát triển ổn định, bền vững, tạo ra nhiều thương hiệu lớn có uy tín cao và cạnh tranh lành mạnh mang lại nguồn lợi kinh tế cao cho các địa phương và cả nước

Hoa hậu Hen Nie và các nghệ sỹ biểu diễn các tiết mục nghệ thuật trong đêm khai mạc lễ hội Hoa hậu Hen Nie và các nghệ sỹ biểu diễn các tiết mục nghệ thuật trong đêm khai mạc lễ hội

Trước đó, báo cáo về những nỗ lực của Đắk Lắk nói riêng và ngành cà phê Việt Nam nói chung, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị cho biết, với diện tích cà phê hơn hai trăm ngàn hec ta và sản lượng thu hoạch hàng năm trên bốn trăm sáu mươi ngàn tấn, Đắk Lắk được mệnh danh là thủ phủ cà phê. Được sự đồng ý của Chính phủ, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột - Ngày hội vinh danh ngành cà phê Việt Nam đã trở thành Lễ hội cấp quốc gia, được tổ chức định kỳ 2 năm một lần.

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 nhằm tiếp tục quảng bá thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột, góp phần nâng tầm giá trị và khẳng định vị thế thương hiệu cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới; tôn vinh người trồng, chế biến và kinh doanh cà phê; động viên cộng đồng cùng chung tay vun đắp cho sự phát triển của văn hóa cà phê trên địa bàn Đắk Lắk nói riêng và Việt Nam nói chung.

Tại Lễ hội lần này, nét nổi bật nhất là Ban tổ chức lễ hội chú trọng quảng bá phát triển cà phê đặc sản Việt Nam, từng bước đưa Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk trở thành điểm đến của cà phê thế giới. Đồng thời, với tiềm năng, lợi thế về đất đai, khí hậu, vị trí, lao động và môi trường đầu tư, Đắk Lắk chào đón các đại biểu, các nhà đầu tư, các tổ chức tín dụng đến với Hội nghị Xúc tiến Đầu tư tỉnh Đắk Lắk năm 2019 để cùng gặp gỡ, thảo luận về chính sách, tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư; mong muốn các du khách khi đến với lễ hội lần này sẽ có những phút giây trải nghiệm thú vị với hương sắc cà phê, hòa mình trong lễ hội truyền thống văn hoá độc đáo của Tây Nguyên…

Ngay sau lễ Khai mạc, đông đảo người dân và du khách tại tỉnh Đắk Lắk cũng như khán giả xem truyền hình trực tiếp trên VTV1 và các Đài địa phương trong khu vực được thưởng thức nhiều tiết mục nghệ thuật đặc sắc, mang đậm dấu ấn văn hoá và người Tây nguyên.

Theo Chương trình, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7- năm 2019 sẽ diễn ra đến hết ngày 16/3/2019.

dangcongsan.vn