Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Kết nối, hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số lập nghiệp, giảm nghèo

PV - 09:57, 03/11/2017

Ngày 1/11, Văn phòng Điều phối Xây dựng Nông thôn mới và Giảm nghèo tỉnh Bắc Kạn với hỗ trợ kỹ thuật của Văn phòng Quốc gia giảm nghèo (Bộ LĐ-TB&XH) và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã tổ chức Hội nghị “Kết nối đối tác hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số lập nghiệp, giảm nghèo tỉnh Bắc Kạn”

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Trao quyền cho phụ nữ phát triển kinh tế

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Phạm Duy Hưng khẳng định, công tác giảm nghèo là nhiệm vụ cấp bách và lâu dài dựa trên cơ sở phát huy tự lực tự cường của người dân. Thực hiện chương trình giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới, tỉnh Bắc Kạn đặt mục tiêu, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm từ 2 - 2,5%/năm, đối với các huyện nghèo giảm 3,5 - 4%/năm. Để đạt được mục tiêu trên, Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn xác định xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới là 2 trong số 4 nhiệm vụ trọng tâm.

Theo ông Hưng, tại Bắc Kạn, việc nâng cao thu nhập cho người dân đặc biệt là dân tộc thiểu số rất khó. Ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khó khăn lớn nhất là mô hình sản xuất của người dân còn manh mún nhỏ lẻ và tự phát, chất lượng sản phẩm không đảm bảo, chưa áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Do chưa có kết nối thị trường nên điệp khúc: Được mùa mất giá. “Kết nối đối tác hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số lập nghiệp, giảm nghèo là hoạt động thiết thực, góp phần nâng cao năng lực cấp cơ sở, huy động sự tham gia của người nghèo, đặc biệt các nhóm phụ nữ dân tộc thiểu số phát huy nội lực cộng đồng trong công tác giảm nghèo. Đặc biệt là đổi mới cách thức hỗ trợ và truyền thông giảm nghèo hiệu quả hơn, gắn với nhu cầu của người nghèo và hướng tới kết quả cuối cùng là nâng cao thu nhập, tạo 

việc làm và giảm nghèo”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn nhấn mạnh.

Phó Giám đốc quốc gia của UNDP Akiko Fujii cho rằng, đói nghèo không phải tình trạng bất biến. Chính phủ Việt Nam có đủ nguồn lực hỗ trợ người dân. Điều quan trọng là chính sách hỗ trợ và làm thế nào để trao quyền cho phụ nữ phát triển kinh tế. Bởi, theo bà Akiko, phụ nữ không chỉ dễ tổn thương mà còn là động lực cho sự phát triển. Đây là hoạt động thí điểm “trao quyền kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số”.

Kết nối thị trường để nâng cao giá trị sản phẩm

Theo Chánh văn phòng quốc gia về giảm nghèo Ngô Trường Thi, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh nhưng thiếu tính bền vững. Hộ nghèo có thể thoát nghèo nhưng ngày mai có thể tái nghèo bởi có nhiều nguyên nhân, trong đó có thể do thiên tai nhưng quan trọng là do chính nội lực của chính người nghèo. Kinh nghiệm của Hàn Quốc xây dựng “nông thôn làng mới” cho thấy phải tạo lòng tự trọng để vươn lên thoát nghèo. Đây là bài học để thực hiện chương trình giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Triển khai chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, tại sao không tin người dân, làm thay cộng đồng mà không để người dân tự làm? Ông Thi cho rằng, phải trao quyền cho cộng đồng mới phát huy được bản sắc 

văn hóa của cộng đồng. Mỗi dân tộc, địa bàn có những đặc điểm, thế mạnh khác nhau. Vì vậy, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020 đã có quyết định "xoay trục”. Đó là để cho người dân tự quyết làm gì? Làm như thế nào để thoát nghèo thay vì áp từ trên xuống như trước thì nay để người dân quyết định phương thức giảm nghèo, nhà nước chỉ đóng vai trò hỗ trợ, giám sát người dân thực hiện.
Đại biểu tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm của các đội thi.

Ông Thi cho rằng: “Người dân không ai muốn nghèo nhưng tại sao nghèo? Nhà nước cam kết bố trí đủ nguồn lực để thực hiện giảm nghèo, đặc biệt, hệ thống NHCSXH đảm bảo đủ nguồn vốn cho người dân vay phát triển kinh tế, tạo việc làm và giảm nghèo bền vững, đội ngũ cán bộ kỹ thuật đáp ứng đủ nhu cầu người dân. Vậy vấn đề người dân còn thiếu chính là thiếu kỹ năng. Hiện người dân vẫn có tư tưởng có gì bán nấy, trong nhà cái gì cũng có nhưng chẳng có gì để bán, làm ra để tiêu dùng tự cung tự cấp không sản xuất hàng hóa. Muốn thoát nghèo vươn lên làm giàu phải sản xuất hàng hóa, người dân không thể làm một mình mà phải có liên kết, có tập thể. Đây chính là nền tảng của HTX”.

Cũng theo thông tin từ ông Thi, qua hội thi sáng kiến giảm nghèo năm 2016 cho thấy, rất cần kết nối tổ chức xã hội, doanh nghiệp, cơ quan quản lý để hỗ trợ người dân phát triển sản xuất. Năm 2016, có 60 tổ nhóm tham dự hội thi nhưng không nào tổ nhóm nào bảo thiếu tiền đầu tư phát triển sản xuất mà chỉ hỏi: Làm thế nào để hàng bán được ở Hà Nội và các thị trường lớn? Điều đó cho thấy, vấn đề khó khăn lớn nhất của người dân chính là kết nối để tiêu thụ sản phẩm bền vững, nâng cao giá trị.

Có thể nói quá trình kết nối tạo sân chơi hiệu quả nhằm phát hiện, nuôi dưỡng và hỗ trợ các tổ nhóm cộng đồng có sáng kiến giảm nghèo, vươn lên vượt khó và có khả năng huy động nguồn lực tại chỗ. 13 nhóm phụ nữ DTTS đến từ huyện Ba Bể và Bạch Thông có cơ hội được trình bày các sáng kiến phát triển sinh kế, kế hoạch vượt khó và nhu cầu hỗ trợ tìm đối tác của mình. Các sáng kiến đều tôn vinh giá trị sản phẩm bản địa, có lợi cho sức khoẻ và thân thiện với môi trường, giúp gia tăng, gắn kết nội lực cộng đồng.

PV