Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Im lặng trước cái xấu là đồng lõa

PV - 16:09, 24/12/2018

Thời gian vừa qua, dư luận cả nước chấn động trước sự việc, hiệu trưởng Trường THCS dân tộc nội trú Thanh Sơn, Phú Thọ bị nghi dâm ô hàng chục học sinh nam. Một điều đáng suy ngẫm là, học sinh đã phản ánh nhiều giáo viên khác trong nhà trường đã biết nhưng đều im lặng.

Đằng sau cánh cổng trường này, nhiều giáo viên đã im lặng trước cái xấu suốt thời gian dài. Đằng sau cánh cổng trường này, nhiều giáo viên đã im lặng trước cái xấu suốt thời gian dài.

Có lẽ, những giáo viên này có chung một suy nghĩ, “việc này mình không làm? Việc này không liên quan gì đến mình?”, và sẽ còn 1001 lý do để họ im lặng.

Thế nhưng, xin hãy nhớ cho rằng, những người được gọi là thầy cô có nghĩa là phụ huynh đã tin tưởng giao con em cho họ, xã hội đã ủy thác cho họ để dạy dỗ, chăm sóc, bảo vệ học sinh. Vì vậy, lên tiếng, ngăn chặn cái ác, nguy cơ với học sinh không chỉ là việc nên làm, mà đây còn là trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi giáo viên.

Hơn nữa, xét ở góc độ pháp luật, chúng ta cũng đã có các quy định về vấn đề này. Đó là điều 18 Bộ luật Hình sự quy định về che giấu tội phạm, điều 19 quy định không tố giác tội phạm. Thậm chí, điều 17 cũng quy định về đồng phạm, trong đó có vai trò của người giúp sức. Bởi theo lời kể của các em học sinh, hiệu trưởng thường nhờ trực tiếp thầy cô trong trường gọi các em lên phòng. Và chua xót hơn, có những giáo viên còn đùa cợt các em khi bước ra từ phòng hiệu trưởng.

Một điều đáng suy ngẫm là, sự im lặng này không phải là đầu tiên và chắc hẳn cũng phải là duy nhất. Ở đâu đó, quyền lực tha hóa, tội ác lộng hành vẫn lẩn khuất trong một số trường học mà rộng hơn là trong nhiều đơn vị, tổ chức.

Một trong những điều kiện để các tội ác có thể bình yên mà phát triển, đó là sự im lặng của những người xung quanh, của những người biết mà không nói gì. Từ đây, cũng đặt ra suy ngẫm về người “tốt” trong xã hội. Đã đến lúc chúng ta cần thay đổi quan niệm về “người tốt” là người không bon chen, không tranh giành, không làm việc xấu và không nói gì. Bởi trong một xã hội hiện đại phức tạp, không làm việc xấu, nhưng im lặng trước cái xấu cũng là một việc rất xấu, như vậy không thể gọi họ là người tốt.

Qua sự việc trên cũng đặt cho mỗi người chúng ta về ý thức tập thể, ý thức xã hội. Ý thức đó được hiểu là không chỉ biết tránh xa cái xấu, không làm việc xấu. Đây chỉ là ý thức cá nhân mà thôi. Còn ý thức xã hội cần phải được hiểu rộng rãi hơn, đó là cần có thái độ bài trừ cái xấu, từ đó có tiếng nói lên án, thậm chí là phải hành động đấu tranh chống lại cái xấu. Thanh lọc cái xấu không thể và không chỉ của riêng cơ quan, tổ chức nào mà phải là trách nhiệm của từng người trong xã hội.

KẺ SĨ