Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Huyện miền núi Tri Tôn (An Giang): Triển khai nhiều giải pháp đảm bảo cuộc sống cho đồng bào Khmer hồi hương

M.Ngân - H.Trang - 18:36, 24/10/2021

Trở về sau những tháng ngày vô cùng khó khăn vì đại dịch Covid-19 tại các thành phố lớn, đồng bào Khmer huyện miền núi Tri Tôn (An Giang) đã dần vượt qua khó khăn trước mắt từ sự chung tay hỗ trợ của các cấp chính quyền, các tổ chức, lực lượng vũ trang. Tuy nhiên, vấn đề đảm bảo cuộc sống, kế sinh nhai cho đồng bào sau khi hết hạn cách ly, đang là vấn đề trăn trở của các cấp chính quyền sở tại.

Hòa thượng Chau Sơn Hy, trụ trì chùa Sà Lôn đến động viên một hộ gia đình Khmer có người lao động ở địa phương khác về tránh dịch
Hòa thượng Chau Sơn Hy, trụ trì chùa Sà Lôn đến động viên một hộ gia đình Khmer có người lao động ở địa phương khác về tránh dịch

Nghĩa đồng bào

Cũng giống như hàng ngàn người dân tự phát trở về địa phương, ngay sau khi Chỉ thị 16 được nới lỏng ở các thành phố lớn, sự trở về của đồng bào Khmer ở Tri Tôn (An Giang) được chính quyền và lực lượng vũ trang tạo mọi điều kiện thuận lợi, bảo đảm an toàn phòng chống dịch đến tận địa bàn cư trú.

Đại tá Tống Quyết Chiến, Trưởng Công an huyện Tri Tôn cho biết: “Trước tình hình người dân tự phát trở về địa phương, Công an huyện đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo của huyện, cử một tổ tiền phương đến trực tiếp Ban Chỉ huy tiền phương của tỉnh tại TP. Long Xuyên để tiếp nhận, rà soát phân loại từng trường hợp để đưa về đến địa phương và thực hiện cách ly y tế an toàn”.

Trong công tác phòng chống dịch covid 19, các cơ quan chức năng, chuyên môn cũng xác định, vai trò của chức sắc tôn giáo, Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS, là năng lượng tích cực hỗ trợ cho lực lượng phòng chống dịch và tiếp sức cho đồng bào từ các phum sóc đang thực hiện cách ly y tế tại nhà.

Hòa thượng Chau Sơn Hy, trụ trì chùa Sà Lôn, xã Lương Phi, huyện Tri Tôn chia sẻ: Đồng bào vì sợ dịch nên mới về quê để tránh dịch, cho nên Nhà chùa và chính quyền hết sức đồng cảm, bằng cái nghĩa đồng bào cùng giúp nhau vượt qua đại dịch. Do đó, thông qua những buổi thăm gặp bà con, Nhà chùa sẽ nhắc cho phật tử nhớ, cần nghiêm túc chấp hành tốt theo sự hướng dẫn của cán bộ y tế ở địa phương về phòng, chống dịch. Đặc biệt, Nhà chùa cùng chính quyền phum, sóc theo dõi chặt chẽ, nếu mà có gia đình nào chấp hành không tốt sẽ phát loa, nhắc đúng tên gia đình phật tử đó để thực hiện cho nghiêm. Việc nhắc nhở này cũng giúp nâng cao ý thức trong đồng bào mình rất nhiều.

Với quyết tâm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, nhiều giải pháp căn cơ cũng được đưa ra, được các cấp chính quyền, các lượng lực, các tổ chức tham gia thực hiện, từng bước giúp đồng bào tháo gỡ khó khăn, sớm ổn định cuộc sống.  Ví như, nhằm bảo đảm tình hình an ninh trật tự, lực lượng Công an huyện đã triển khai tuần tra, kiểm soát, theo dõi giám sát số người đã được về, được quản lý y tế tại nhà không ra đường để bảo đảm không phát sinh bệnh dịch.

Ngoài ra, cùng với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch huyện, triển khai tận tay đồng bào gói an sinh xã hội do Công an tỉnh hỗ trợ cho 5.500 hộ dân ở trên địa bàn toàn huyện từ các tỉnh trở về đang thực hiện cách ly y tế tại nhà.

Huyện Tri Tôn có 993 công dân đang cách ly tại các khu cách ly tập trung của huyện. (Trong ảnh: Lực lượng y tế test kiểm tra Covid-19 cho những lao động hồi hương đang cách ly y tế trong khu cách ly của huyện)
Huyện Tri Tôn có 993 công dân đang cách ly tại các khu cách ly tập trung của huyện. (Trong ảnh: Lực lượng y tế test kiểm tra Covid-19 cho những lao động hồi hương đang cách ly y tế trong khu cách ly của huyện)

Kỳ vọng vào cuộc mưu sinh mới

Theo thống kê của Văn phòng UBND huyện Tri Tôn, huyện đã tiếp nhận trên 8.400 người dân trở về địa phương. Các lao động trở về đa số là người dân tộc Khmer, trước đây làm việc ở các doanh nghiệp tại Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai với mức thu nhập từ 5 đến trên 10 triệu đồng mỗi tháng. Mỗi hộ thường gồm vợ chồng, anh chị em và con cái tạm trú và làm việc ở các tỉnh thành ít nhất từ 2 năm đến trên 10 năm. Do tình hình dịch bệnh phức tạp, nhớ quê hương và người thân, lại đúng vào dịp lễ Sene Đônta của đồng bào Khmer nên đồng bào mới trở về quê. 

Gia đình chị Néang Duôl, công nhân từ TP. Hồ Chí Minh về quê ở ấp Sà Lôn, xã Lương Phi chia sẻ: Ở TP. Hồ Chí Minh, chồng chị đi làm phụ hồ, mỗi tháng được 5,5 triệu đồng. Mấy tháng nay, dịch bệnh, không có việc làm, cuộc sống rơi vào bế tắc. Lúc quyết định đi xe máy về quê rất lo là sẽ gặp nhiều khó khăn và cũng không biết có được hồi hương an toàn hay không. Nhưng khi vừa về tới cửa ngõ của tỉnh, đã được chính quyền đón và hướng dẫn về nhà cách ly. Nhìn được phum sóc bình yên, nhìn từng phần quà được hỗ trợ, vợ chồng tôi vui mừng mà chỉ biết khóc. Bây giờ, chỉ mong dịch bệnh ổn định, để quay trở lại thành phố tìm việc.

"Nguyện vọng của tôi cũng như nhiều hộ, là mong chính quyền địa phương tạo điều kiện để người DTTS không có đất sản xuất như chúng tôi, có việc tại địa phương, hoặc ngoài tỉnh do huyện giới thiệu”, chị Néang Duôl đề xuất mong muốn.

Qua tìm hiểu từ thực tế, hầu hết đồng bào hồi hương do dịch bệnh mong muốn sớm tìm việc làm mới để ổn định cuộc sống, có tiền nuôi con ăn học góp phần xây dựng phum, sóc giàu đẹp và không còn hộ nghèo. Với những mong muốn đó, đồng bào đang đặt kỳ vọng vào những giải pháp của các cấp chính quyền đặt ra sau đại dịch Covid-19.

Trao đổi về những giải pháp của địa phương, ông Cao Quang Liêm, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn cho biết: Bước đầu, huyện đã rà soát và nắm nguyện vọng của đồng bào. Trong đó, đa số là mong dịch bệnh ổn định và quay trở lại nơi làm việc cũ. Theo đó, hiện tại, địa phương tập trung làm tốt công tác tổ chức chăm sóc sức khỏe và lo an sinh xã hội trong thời điểm bà con cách ly.

 Đồng thời, dựa trên nguyện vọng của đồng bào đăng ký với xã, huyện sẽ kết nối, hướng dẫn cách để bà con liên hệ lại với các công ty xin trở làm việc trở lại. Đối với những lao động, công nhân được tiếp nhận lại, Huyện sẽ tập hợp danh sách, xin chủ trương của UBND tỉnh tổ chức các chuyến xe đưa lao động trở lại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh. 

Bên cạnh đó, đối với những trường hợp chưa tiêm hay tiêm 1 mũi vắc xin ngừa Covid-19, ưu tiên việc đăng ký tiêm tại địa phương để được tiêm ngừa và sớm trở lại các tỉnh thành làm việc.