Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế) chính thức thoát khỏi huyện nghèo năm 2024

Nguyệt Anh - 00:35, 11/09/2024

Ngay sau thành công của Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ thứ IV, năm 2024, đồng bào các dân tộc của tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung, huyện miền núi A Lưới nói riêng đón thêm một tin vui khi đón nhận Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện A Lưới thoát khỏi huyện nghèo năm 2024.

Lãnh đạo tỉnh trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện A Lưới thoát nghèo năm 2024.
Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện A Lưới thoát nghèo năm 2024

Huyện A Lưới là một trong 74 huyện nghèo toàn quốc giai đoạn 2021-2025, đồng thời là một trong 22 huyện nghèo toàn quốc được ưu tiên đầu tư, hỗ trợ để thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2022-2025 theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Hiện nay, A Lưới có 95 thôn, tổ dân phố tương đương với 95 khu dân cư trực thuộc các xã, thị trấn. Trong đó, có 1 khu dân cư làm điểm của tỉnh và 17 khu dân cư làm điểm của huyện. Những năm qua, chính quyền các cấp cùng các tổ chức đoàn thể trên địa bàn huyện A Lưới đã triển khai nhiều hình thức đa dạng để huy động các nguồn lực, giúp người dân vươn lên thoát nghèo bền vững.

Thời gian qua, huyện A Lưới đã tập trung mọi nguồn lực từ Trung ương đến địa phương; huy động nhiều nguồn lực khác để đầu tư, triển khai hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Huyện chú trọng lựa chọn đầu tư các dự án trọng tâm, trọng điểm phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, lưu thông hàng hóa nhằm tạo sự đột phá, tăng trưởng kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.

Tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 49,98% (cuối năm 2021) giảm xuống còn 24,3% (cuối năm 2023). Dự kiến tỷ lệ này sẽ giảm còn 14,34% vào cuối năm 2024. Hiện tại, cơ sở hạ tầng huyện miền núi A Lưới đã được cải thiện rõ rệt; đường giao thông liên xã được đầu tư; các công trình trường học, trạm y tế, nhà văn hóa được xây dựng, nâng cấp, đáp ứng nhu cầu cộng đồng. Thu nhập bình quân đầu người cuối năm 2021 là 27,5 triệu/người/năm, đến cuối năm 2023 là hơn 35,2 triệu/người/năm; dự kiến nâng lên trên 40 triệu đồng/người/năm vào cuối năm 2024 và trên 45 triệu đồng/người/năm vào cuối năm 2025.

Thành quả đáng tự hào đã giúp huyện A Lưới vươn lên, chính thức được Thủ tướng Chính phủ công nhận thoát nghèo năm 2024, theo Quyết định số 702/QĐ-TTG ngày 22/7/2024.

Tại Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện A Lưới thoát khỏi huyện nghèo năm 2024 (được tổ chức ngày 6/9), Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương đánh giá, A Lưới được công nhận thoát nghèo là một mốc son đáng tự hào trong hành trình phát triển của huyện và cũng là niềm vui chung của toàn tỉnh. Đây không chỉ là thành quả của những nỗ lực không ngừng của chính quyền và Nhân dân trong huyện mà còn là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước đối với những cố gắng của toàn tỉnh.

Một góc A Roàng, huyện A Lưới, Thừa thiên Huế hôm nay (Ảnh TD)
Một góc A Roàng, huyện A Lưới, Thừa thiên Huế hôm nay. (Ảnh TD)

Tuy nhiên, huyện A Lưới vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức cần giải quyết trong phát triển kinh tế - xã hội, tăng thu nhập, tạo việc làm cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo, giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đề nghị, huyện tiếp tục phát huy những thành quả đạt được; phát triển địa phương bền vững, bám sát định hướng phát triển của tỉnh, thực hiện tốt các chương trình, đề án đề ra, khai thác và phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của địa phương. Đặc biệt, huyện tăng cường tuyên truyền, vận động người dân, đồng bào dân tộc thiểu số phát huy vai trò trong công cuộc xây dựng quê hương. Từ đó, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, góp phần xây dựng Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Cùng ngày, UBND huyện A Lưới đã khánh thành Làng văn hóa các dân tộc thiểu số huyện A Lưới tại Khu bảo tồn sim (thuộc xã Hồng Thượng). Làng văn hóa có quy mô 5ha, được đầu tư gần 20,8 tỷ đồng từ nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1 từ năm 2021 - 2025.

Tin cùng chuyên mục
Huyện Văn Lãng (Lạng Sơn): Tuyên truyền giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong nhà trường

Huyện Văn Lãng (Lạng Sơn): Tuyên truyền giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong nhà trường

Ngày 4/12, Phòng Lao động, Thương binh, Xã hội - Dân tộc huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức Hội nghị truyền thông tuyên truyền “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (TH-HNCHT) trong vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2024 tại Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú, Trung học cơ sở xã Bắc La.