Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Hướng tới SEA Games 31: Bơi lội Việt Nam đang chững lại?

Việt Hùng - 07:45, 01/04/2022

Hơn 1 tháng nữa, đội tuyển bơi Việt Nam sẽ bước vào SEA Games 31. Ở giải đấu trên sân nhà, những kình ngư Việt Nam xác định mục tiêu bảo đảm vị trí thứ hai toàn đoàn. Đó có thể coi là mục tiêu khiêm tốn, nhưng hiện tại bơi lội Việt Nam đang gặp vô vàn những khó khăn.

Đội tuyển bơi lội Việt Nam tham gia SEA Games 31
Đội tuyển bơi lội Việt Nam tham gia SEA Games 31

Sức mạnh cá nhân

Ở 3 kỳ SEA Games gần nhất, đội tuyển bơi của chúng ta đều đứng vị trí thứ hai toàn đoàn. Đó được xem là thành công lớn của đội tuyển bơi lội Việt Nam, bởi 2 nguyên nhân sau. Thứ nhất, đội tuyển bơi Singapore vẫn quá mạnh so với phần còn lại của Đông Nam Á. Thứ hai, sau khi để mất ngôi vị Á quân vào tay Việt Nam, những quốc gia khác như Malaysia, Thái Lan, Philippines và Indonesia đều đầu tư rất mạnh trong những năm gần đây.

Kình ngư Joseph Schooling của Singapore đạt tấm Huy chương Vàng (HCV) Olympic Rio phản ánh sức mạnh tầm cỡ quốc tế của đội tuyển bơi lội Singapore. Ngay cả khi Schooling không còn ở phong độ đỉnh cao như trước, đảo quốc sư tử vẫn còn rất nhiều kình ngư đủ sức thay thế anh. Trên thực tế ở SEA Games 2019, 3/4 HCV của Schooling đến từ những nội dung bơi đồng đội. Ở giải đấu 3 năm trước, Singapore giành tới 23 HCV.

Có thể ví Singapore là một đội tuyển bơi mạnh toàn diện. Còn Việt Nam, chủ yếu dựa vào một vài cá nhân nhất định. Điều đó đặc biệt chính xác với tuyển nữ Việt Nam, nơi 1 người giành quá nửa số HCV ở các kỳ bơi lội SEA Games: Nguyễn Thị Ánh Viên. Điều đó được thể hiện rõ hơn cả ở giải bơi vô địch quốc gia, nơi một mình Ánh Viên giành số huy chương nhiều hơn tất cả các đoàn thể thao khác tham dự.

Nếu như Singapore luôn có lớp vận động viên (VĐV) mới kế cận thế hệ cũ tung hoành ở đường đua xanh, thì Việt Nam lại không làm được như vậy. Ở các nội dung bơi bướm và bơi tự do cự ly ngắn nam, hơn 10 năm qua chúng ta chỉ có 1 người đủ sức cạnh tranh HCV, là kình ngư Hoàng Quý Phước. Tại các nội dung bơi của nữ, Ánh Viên gần như là niềm hy vọng duy nhất để đạt thành tích đáng kể suốt 1 thập niên.

Trong khi đó, các quốc gia khác như Malaysia, Thái Lan, Philippines và Indonesia cũng có những kình ngư nổi bật. Tiêu biểu như Welson Sim của Malaysia, Prawira Aflah Fadian của Indonesia…

Kình ngư Ánh Viên vốn được coi là "mỏ vàng" của bơi lội Việt Nam suốt nhiều kỳ SEA Games
Kình ngư Ánh Viên vốn được coi là "mỏ vàng" của bơi lội Việt Nam suốt nhiều kỳ SEA Games

Những sai lầm

Thông thường một VĐV bơi sẽ chỉ tập trung vào một nội dung để có thành tích cao nhất. Joseph Schooling của Singapore đặc biệt mạnh về bơi bướm. Còn Quý Phước nổi tiếng là kiện tướng bơi tự do cự ly ngắn. Một VĐV thành thạo nhiều kiểu bơi như Michael Phelps của Mỹ cũng sẽ tập trung chinh phục huy chương ở các nội dung bơi tự do, bơi bướm và bơi hỗn hợp.

Trong quá khứ, Ánh Viên đã giành HCV SEA Games ở mọi thể loại bơi, bao gồm cả bơi ngửa và bơi ếch! Việc phải "cày ải" ở quá nhiều nội dung, bao gồm cả những cự ly ngắn, trung bình và dài, khiến Ánh Viên không thể tập trung vào nội dung thế mạnh của mình là bơi hỗn hợp. Tài năng của Ánh Viên là điều không ai phủ nhận, nhưng áp lực thành tích ở Olympic Tokyo 2020 đã khiến Ánh Viên “mệt mỏi”.

Điều đáng buồn hơn cả trong câu chuyện của Ánh Viên, là đây không phải lần đầu tiên bơi lội Việt Nam mắc sai lầm. Trước Ánh Viên, Hoàng Quý Phước cũng từng được đánh giá là một VĐV có nhiều triển vọng giành huy chương ở đấu trường châu lục và thế giới. Đáng buồn là những chuyến tập huấn không được chuẩn bị kỹ lưỡng, cũng như việc đầu tư thiếu bài bản, khiến Quý Phước chưa thể đạt đến ngưỡng kỳ vọng.

Nỗ lực bằng mọi giá

Để chuẩn bị SEA Games 31, 9 thành viên đội tuyển bơi Việt Nam đã sang Hungary tập luyện. Chuyến đi này kéo dài 2 tháng và sự chú ý được đổ dồn vào 2 gương mặt được kỳ vọng thay thế Ánh Viên là Phạm Thị Vân và Lê Thị Mỹ Thảo. Trong quá khứ, bơi lội Việt Nam từng có những VĐV được kỳ vọng sát cánh bên cạnh Ánh Viên như Ngọc Quỳnh, Phương Trâm, nhưng họ không thể thi đấu thành công như mong đợi.

Áp lực giành HCV ở SEA Games 31 sẽ dồn cả lên vai những VĐV nam như Huy Hoàng
Áp lực giành HCV ở SEA Games 31 sẽ dồn cả lên vai những VĐV nam như Huy Hoàng

Mỹ Thảo là một trong những VĐV kỳ cựu ở đội tuyển bơi Việt Nam. Cô được nhắc tên khá ít, chủ yếu từ những lần chiến thắng Ánh Viên ở giải vô địch quốc gia. Và, Mỹ Thảo cũng chỉ thi đấu nổi trội ở nội dung bơi bướm. Người còn lại, Phạm Thị Vân mới chỉ 17 tuổi. Cô được đánh giá có tiềm năng phát triển lớn, nhưng việc đặt quá nhiều kỳ vọng vào một VĐV tuổi trẻ sẽ mang lại rất nhiều áp lực không tốt cho chính cô.

Vì lý do kể trên, áp lực giành HCV ở SEA Games 31 sẽ dồn cả lên vai những VĐV nam như Huy Hoàng (bơi tự do cự ly dài và trung bình), Thanh Bảo (bơi ếch), Lê Nguyễn Paul (bơi ngửa), Hưng Nguyên, Kim Sơn (bơi hỗn hợp).

Hoàng Quý Phước không còn ở phong độ đỉnh cao như trước, thế nên anh sẽ mạnh ở những nội dung thi đấu tiếp sức đồng đội. Là người có thâm niên ở tuyển bơi Việt Nam, Phước còn như một người đàn anh kết nối toàn đội. Ngoài việc cử 9 VĐV trọng điểm đi tập huấn nước ngoài, đội tuyển bơi Việt Nam sẽ chọn những gương mặt xuất sắc nhất để tranh tài tại SEA Games ở Giải Bơi - lặn vô địch quốc gia bể 25 m.

Với việc Ánh Viên vẫn đang bỏ ngỏ lên tuyển tham dự SEA Games 31, Huy Hoàng được kỳ vọng sẽ giành 3 HCV ở các nội dung 400 m, 800 m và 1.500 m tự do nam. Đây là các nội dung sở trường của kình ngư này. Tuy nhiên, chúng ta sẽ mất ít nhất từ 4 - 6 HCV của Ánh Viên. Đó cũng là thách thức, là cơ hội để tìm kiếm ra những nhân tài mới, khi cái bóng quá lớn của Ánh Viên được thoát đi. Bởi vậy, rất cần sự cố gắng không mệt mỏi cũng những VĐV khác.

Theo Tổng cục Thể dục thể thao, bơi lội Việt Nam sẽ cử 30 VĐV tranh tài ở SEA Games 31. Bên cạnh việc thi đấu để giành huy chương, việc SEA Games được tổ chức trên sân nhà cũng là cơ hội tốt để chúng ta đưa nhiều VĐV ra đấu trường khu vực cọ xát, học hỏi, nâng cao kinh nghiệm thi đấu. Trong bối cảnh khó khăn bủa vây, tin vui hiếm hoi đến với bơi lội Việt Nam trước thềm SEA Games 31, là việc Joseph Schooling và Quah Zheng Wen sẽ không tham gia giải đấu này.