Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Hướng đến tăng cường quản trị di dân toàn cầu

Thiên Đức - 18:22, 09/11/2020

Việt Nam là quốc gia có đường biên giới trên bộ dài trên 5.000km, trải qua 27 tỉnh, tiếp giáp với 3 nước láng giềng là Trung Quốc, Lào, Campuchia. Những năm qua, tình trạng di cư tự phát hết sức phức tạp, gây ra bất ổn trong quản lý an ninh trật tự; đặc biệt tiềm ẩn nhiều nguy hiểm với chính người di cư.

Phụ nữ và trẻ em gái vùng biên giới là đối tượng dễ bị tổn thương khi di cư tự phát
Phụ nữ và trẻ em gái vùng biên giới là đối tượng dễ bị tổn thương khi di cư tự phát

Tình hình phức tạp

Theo Đại tá Văn Ngọc Quế, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng (BĐBP), từ đầu năm 2020 đến nay, riêng lực lượng BĐBP đã tổ chức tuần tra kiểm soát tại các cửa khẩu, đường mòn lối mở, phát hiện và xử lý 17.477 người xuất nhập cảnh trái phép.

Tương tự, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an tỉnh Đăk Nông thông tin, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã phát hiện 47 trường hợp xuất cảnh (XC), di cư trái phép. Trong đó, có 16 trường hợp XC sang Nga theo diện đi du lịch, thăm thân, xem bóng đá..., sau đó trốn ở lại Nga để làm việc bất hợp pháp và di cư trái phép sang các nước châu Âu; 9 trường hợp XC trái phép, làm việc bất hợp pháp tại Trung Quốc bị phát hiện, bắt giữ và trục xuất về nước, 16 trường hợp không được phía Trung Quốc cho cư trú; 6 trường hợp XC trái phép theo diện du lịch rồi trốn ở lại lao động trái phép tại Thái Lan, Malaysia và Đài Loan.

Việc di cư trái phép khiến người di cư đối mặt với nhiều rủi ro. Họ có nguy cơ bị cơ quan chức năng của nước sở tại bắt, giam giữ vì vi phạm pháp luật. Họ cũng có thể bị mất một số tiền rất lớn vì đã nộp cho các đường dây đưa đi, nhưng sau đó bị trục xuất và cấm nhập cảnh trở lại. Thậm chí, người lao động có thể bị các băng nhóm tội phạm của nước ngoài xâm hại đến sức khỏe, tính mạng hoặc thiệt mạng trên đường di cư trái phép....

Thực hiện thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp

Bà Phan Thị Minh Giang, Trưởng phòng Di cư Quốc tế, Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại Giao cho biết, ngày 19/12/2018, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự, trong đó Việt Nam là thành viên. Theo đó, các quốc gia tập trung các giải pháp bảo vệ người di cư trên cơ sở tôn trọng luật pháp, chủ quyền quốc gia. Đồng thời, đẩy mạnh phòng, chống di cư bất hợp pháp, di cư tự phát.

Mới đây, tại Hội thảo tập huấn về công tác nhân quyền và thực hiện công ước, điều ước, pháp luật quốc tế năm 2020, các đại biểu đều thống nhất cho rằng, để tuân thủ luật pháp quốc tế, thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần áp dụng nhiều biện pháp phòng, chống tình trạng xuất, nhập cảnh trái phép. Lực lượng Công an, BĐBP cần thường xuyên phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền các quy định của pháp luật quốc tế, quốc gia trên lĩnh vực di cư, xuất, nhập cảnh. Đồng thời, thường xuyên rà soát, nắm tình hình công dân địa phương; kịp thời phát hiện, đấu tranh làm rõ các đối tượng vi phạm.

Cơ quan chức năng cũng cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khi đến làm các thủ tục XC, rút ngắn thời gian cấp hộ chiếu cho người chuẩn bị đi nước ngoài.

Cơ quan chức năng cần đưa ra giải pháp tạo việc làm, mở các lớp dạy nghề, các dự án xuất khẩu lao động nhằm tạo việc làm, thu nhập cho số lao động không có việc làm tại địa phương, góp phần bảo đảm an ninh trật tự và phát triển kinh tế - xã hội bền vững tại địa phương.