Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Hứa hẹn thoát nghèo từ cây sa nhân tím

PV - 08:30, 07/03/2018

Nhiều năm nay, cùng với phát triển các cây trồng chủ lực như: lúa, chuối, thảo quả... người dân bản Pho (xã Bản Lang, huyện Phong Thổ, Lai Châu) đã chủ động đưa cây sa nhân tím có giá trị kinh tế vào gieo trồng.

Cây sa nhân tím hiện có giá trị kinh tế cao được đồng bào nhiều ở địa phương. Cây sa nhân tím hiện có giá trị kinh tế cao được đồng bào nhiều ở địa phương.

 

Được biết, ông Tẩn Vần Sìn, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Pho là người tiên phong đưa giống cây sa nhân tím về trồng tại bản. Ông Sìn cho biết: “Một lần được cùng đoàn Người có uy tín của tỉnh đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm về phát triển kinh tế ở tỉnh Hà Giang, tôi nhận thấy bà con ở đó trồng cây sa nhân tím cho thu nhập rất cao, vậy nên tôi mạnh dạn mua giống về trồng thử nghiệm với 20 gốc dưới tán rừng”. Khi cây cho thu hoạch năm 2015 với giá dao động trên dưới 600 nghìn đồng/kg khô, ông Sìn quyết định nhân rộng diện tích với 1.500 gốc.

Nhận thấy cây sa nhân tím có thể phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, ông Sìn phối hợp với những Người uy tín trong bản tuyên truyền, vận động bà con cùng tham gia. Đồng thời, ông tự nguyện đi Hà Giang lấy giống và hướng dẫn bà con cách trồng cũng như chăm sóc.

Đến nay, ở bản Pho có 12 hộ trồng sa nhân tím với tổng diện tích 5ha. Điều này đã khẳng định với thổ nhưỡng và điều kiện đất đai ở bản Pho phù hợp với cây sa nhân tím, nhất là phù hợp với tập quán canh tác của đồng bào dân tộc Dao.

Ông Tẩn Sài Vân-một trong những hộ tham gia trồng cây sa nhân tím chia sẻ: “Được ông Sìn vận động và cũng thấy được hiệu quả thu nhập từ cây sa nhân tím, gia đình tôi trồng 2.000 gốc dưới tán rừng.

Vừa trồng tôi vừa học hỏi kinh nghiệm nên so với các loại cây trồng khác, trồng cây sa nhân tím không phải làm cỏ mà chỉ bón phân một lần duy nhất lúc mới trồng nên tốn ít chi phí đầu tư. Đến nay, cây trồng gần được 9 tháng và sinh trưởng tốt”.

Còn với gia đình anh Vàng A Tuẩn khi tham gia trồng cây sa nhân tím dưới tán rừng vừa giúp gia đình anh nâng cao đời sống còn giải quyết tình trạng rửa trôi và xói mòn đất, bảo vệ và phát triển khu rừng gia đình anh nhận khoanh nuôi bảo vệ. Anh Tuẩn tâm sự: “Theo tôi được biết, sa nhân là cây thuốc quý, có giá trị kinh tế cao. Cây trồng sau 2-3 năm bắt đầu cho thu hoạch, nếu chăm sóc tốt, có thể thu hoạch trong thời gian 10-12 năm. Giá bán hiện nay khoảng 600.000-800.000 đồng/kg, vì vậy, gia đình tôi tích cực chăm sóc 1.500 gốc sa nhân, hứa hẹn sẽ trở thành cây xóa đói, giảm nghèo cho gia đình cũng như người dân trong bản”.

Với giá trị kinh tế cao, hy vọng cây sa nhân tím sẽ tạo sinh kế lâu dài cho người dân bản Pho. Từ đó, nhân rộng, phát triển tới các địa phương khác và trở thành cây có khả năng giúp bà con các dân tộc xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức thu nhập, ổn định đời sống.

TƯỜNG LAM