Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

HTX nông nghiệp Thạnh Thắng với thương hiệu khóm Cầu Đúc

Phương Nghi - 07:35, 30/11/2023

Trải qua nhiều thăng trầm nhưng khóm (dứa) Cầu Đúc vẫn chứng tỏ được giá trị khi mang về thu nhập ổn định cho nông dân các xã Hỏa Tiến, Tân Tiến, Hỏa Lựu, Vị Tân và các hộ thành viên HTX Nông nghiệp Thạnh Thắng (TP. Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang).

HTX Nông nghiệp Thạnh Thắng đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cây khóm phát triển, hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao đời sống bà con xã viên vùng đất phèn chua này.
HTX Nông nghiệp Thạnh Thắng đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cây khóm phát triển, hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao đời sống bà con xã viên vùng đất phèn chua này.

Khóm Cầu Đúc giờ đây đã trở thành thương hiệu nổi tiếng khắp cả nước và là niềm tự hào của người dân Hậu Giang. Trái khóm không chỉ được bán tươi mà còn được chế biến thành những sản phẩm mới, độc đáo, góp phần đưa vị ngọt trái khóm vươn xa, đến với người tiêu dùng khắp mọi miền. Có thể khẳng định, trái khóm Cầu Đúc đã góp phần làm đổi thay, nâng cao đời sống bà con vùng đất phèn chua này.

HTX Nông nghiệp Thạnh Thắng xã Hỏa Tiến (TP.Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang) được thành lập năm 2005, hiện đang là đơn vị đầu tàu trong sản xuất và chế biến khóm ở Hỏa Tiến. Hiện, HTX có 39 thành viên với hơn 75ha khóm.

Ông Lâm Trường Thọ, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thạnh Thắng cho biết: Năm 2006, khóm Cầu Đúc đã được Cục Sở hữu Trí tuệ công nhận nhãn hiệu hàng hóa “Khóm Cầu Đúc Hậu Giang”. Tháng 11/2020, cây khóm Hậu Giang đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm “Khóm Cầu Đúc”. Năm 2020, HTX Thạnh Thắng đã được hỗ trợ xây dựng nhà xưởng chế biến các sản phẩm từ khóm, như rượu khóm, mứt khóm, siro, nước màu, dưa chua cũ hũ khóm… Bên cạnh đó, tỉnh cũng có dự án hỗ trợ đăng ký, hướng dẫn sử dụng mã số, mã vạch sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý cho HTX Nông nghiệp Thạnh Thắng.

Thành viên HTX Nông nghiệp Thạnh Thắng thu hoạch khóm Cầu Đúc.
Thành viên HTX Nông nghiệp Thạnh Thắng thu hoạch khóm Cầu Đúc.

“Ngoài các hoạt động trong lĩnh vực trồng, kinh doanh, chế biến các sản phẩm từ khóm…, tại ấp Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến cũng đã hình thành nên Làng du lịch cộng đồng “Cánh đồng khóm Cầu Đúc” (Homestay), mở hướng phát triển mới cho nông nghiệp, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan”, ông Thọ nói.

Trong hoạt động, HTX gắn bó với bà con từ giai đoạn thăng trầm nhất của cây khóm, có lúc khóm rớt giá chỉ còn từ 2.000 - 3.000 đồng/trái mà vẫn không có thương lái đến mua. Nhưng đối với diện tích khóm của thành viên thì được HTX thu mua hết sản lượng trái với giá thỏa thuận, từ đó càng tạo sự gắn kết giữa thành viên và HTX. Điều đáng ghi nhận là HTX được Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học - công nghệ Hậu Giang đầu tư thực hiện mô hình VietGAP từ việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, đến hỗ trợ phân bón đã tạo nhiều thuận lợi cho các thành viên trong HTX. Quy trình tuy khó hơn nhiều so với tập quán canh tác truyền thống, nhưng ngược lại, năng suất khóm đạt cao hơn, chất lượng trái khóm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm… nên 100% diện tích khóm của HTX đều áp dụng canh tác theo mô hình và được chứng nhận VietGAP.

Tại HTX Nông nghiệp Thạnh Thắng cũng đã hình thành nên Làng du lịch cộng đồng “Cánh đồng khóm Cầu Đúc”.
Tại HTX Nông nghiệp Thạnh Thắng cũng đã hình thành nên Làng du lịch cộng đồng “Cánh đồng khóm Cầu Đúc”.

Không chỉ dừng lại ở hợp tác trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất, HTX còn thực hiện dịch vụ mua bán khóm và sản xuất con giống sạch bệnh, đạt chất lượng cho bà con trong vùng, qua đó khẳng định bước đi mới của HTX. Hơn 40 năm gắn bó với khóm Cầu Đúc, ông Vu Suổi, Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Nông nghiệp Thạnh Thắng xã Hỏa Tiến cho biết: Trồng khóm mang lại thu nhập và đầu ra ổn định nhờ được doanh nghiệp bao tiêu, xuất khẩu. Hiện nay, sản phẩm khóm Cầu Đúc của HTX đã được chứng nhận VietGap và đang thực hiện sản xuất theo tiêu chuẩn Global Gap.

Ngoài ra, với sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Hậu Giang, HTX mạnh dạn đưa vào áp dụng phương pháp tưới thông minh, kết hợp với hệ thống đê bao được đầu tư hoàn thiện nên vùng có nước ngọt phục vụ sản xuất quanh năm.

“Năm qua, giá khóm ổn định từ 10.000 - 12.000 đồng/trái loại nhất, đã mang về doanh thu cho HTX hơn 1 tỷ đồng. Trái khóm sau khi thu hoạch được các doanh nghiệp tại Đồng Nai, Bình Dương… hợp đồng bao tiêu”, ông Suổi nói.

Ông Lâm Trường Thọ (bìa trái), Giám đốc HTX, cùng thành viên phấn khởi khi khóm Cầu Đúc được mùa trúng giá.
Ông Lâm Trường Thọ (bìa trái), Giám đốc HTX, cùng thành viên phấn khởi khi khóm Cầu Đúc được mùa trúng giá.

Ông Võ Văn Thúc ở ấp Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến có hơn 1,6ha khóm tham gia vào HTX từ những ngày đầu thành lập, cùng với sự lớn mạnh của HTX giúp ông thấy rõ hiệu quả thiết thực của mô hình hợp tác, nhất là theo mô hình mới. Ông Thúc nói: Ngoài được chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến trồng giống khóm sạch bệnh và đạt tiêu chuẩn, ông còn được hỗ trợ từ nguồn quỹ tương trợ đã tạo điều kiện thuận lợi trong sinh hoạt và sản xuất của gia đình. Từ đó, gia đình tôi mạnh dạn canh tác diện tích khóm theo quy trình Global Gap vì tôi được học tập kỹ thuật và trao đổi kinh nghiệm, nhờ vậy mà chi phí sản xuất giảm, lợi nhuận được nâng cao.

“Giá khóm mấy năm gần đây luôn ổn định ở mức cao nên lợi nhuận từ diện tích canh tác khóm của các thành viên trong HTX được nâng lên rõ nét. Bình quân đạt lợi nhuận từ 80 - 100 triệu đồng/ha tùy theo độ tuổi của cây khóm, tăng từ 20 - 40 triệu đồng/ha so với canh tác truyền thống”, ông Thúc nói.

Hiện nay, HTX Nông nghiệp Thạnh Thắng đã khẳng định hiệu quả bước đầu từ khi chuyển đổi mô hình HTX kiểu mới. Lợi ích đem lại cho các thành viên là phát huy sức mạnh hợp tác trong sản xuất, trong tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ vốn và tiến bộ khoa học kỹ thuật. Việc đưa HTX phát triển hơn nữa để nâng cao thu nhập và đời sống của mỗi thành viên là mục tiêu mà Thạnh Thắng đang hướng đến.