Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực Hải quan: Yếu tố then chốt trong đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy xuyên biên giới

Vân Khánh-CĐ - 07:05, 12/12/2021

Công tác hợp tác quốc tế là công tác then chốt, quan trọng trong đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy, đặc biệt là tội phạm xuyên quốc gia. Xác định rõ điều này, ngành Hải quan đã triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả công tác hợp tác quốc tế trong lĩnh vực Hải quan.


 Hải quan Việt Nam tiếp nhận thiết bị quang phổ Trunarc Raman phát hiện ma túy cầm tay từ UNOC ngày 11/11/2021.
Hải quan Việt Nam tiếp nhận thiết bị quang phổ Trunarc Raman phát hiện ma túy cầm tay từ UNOC ngày 11/11/2021.

Chuyên án đặc biệt

Trong năm 2021, việc triệt phá thành công Chuyên án HK668, là một trong những thành tích đặc biệt xuất sắc của lực lượng Hải quan. Chuyên án do Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) và lực lượng Công an phối hợp triệt phá, thu giữ 280,85 kg ketamine. Một trong những nhân tố để Chuyên án thành công, là sự hợp tác chặt chẽ giữa cơ quan Hải quan Việt Nam và Cục Điều tra (cơ quan tư pháp Đài Loan - Trung Quốc).

Trở lại Chuyên án HK668, ngay từ đầu năm 2021, một đường dây vận chuyển trái phép chất ma túy từ khu vực Tam Giác Vàng vào Việt Nam, rồi đưa đi nước thứ ba tiêu thụ, lọt vào tầm ngắm của Cục Điều tra chống buôn lậu. Ma túy được các đối tượng vận chuyển theo các đường mòn, lối mở ở khu vực biên giới Việt Nam - Campuchia thuộc tỉnh Tây Ninh, tập kết tại TP. Hồ Chí Minh, rồi tìm cách ngụy trang, cất giấu trong các lô hàng xuất khẩu đi Đài Loan (Trung Quốc) bằng đường hàng không.

Trong quá trình bóc tách Chuyên án HK668, cơ quan Hải quan Việt Nam phát hiện, ngày 18/3/2021, các đối tượng trong đường dây có mở 01 tờ khai xuất khẩu lô hàng “Thiết bị tạo lớp màng bán dẫn cho linh kiện bán dẫn” sang Đài Loan. Trao đổi thông tin với Cục Điều tra (cơ quan tư pháp Đài Loan), Hải quan Việt Nam nắm được, ngày 20/2/2021, phía Đài Loan đã bắt giữ 01 lô hàng đèn Led xuất khẩu từ Việt Nam đến Đài Loan có cất giấu 12 kg Ketamine.

 Từ thông tin do Hải quan Việt Nam cung cấp, ngày 23/3/2021, Cục Điều tra (cơ quan tư pháp Đài Loan) đã bắt giữ tiếp 30kg Ketamine cất giấu trong thiết bị tạo lớp màng bán dẫn cho linh kiện bán dẫn. Phía bạn đã tiến hành điều tra, mở rộng bắt giữ 5 đối tượng có quốc tịch Đài Loan, thuộc đường dây vận chuyển ma túy từ TP. Hồ Chí Minh sang Đài Loan.

Kết nối thông tin từ phía Đài Loan và bằng các biện pháp nghiệp vụ, Ban Chuyên án HK668 đã mở rộng phá án. Với quyết tâm chặt đứt đường dây tội phạm, lấy Việt Nam làm điểm trung chuyển để buôn ma túy sang nước thứ ba này, các lực lượng đánh án không quản vất vả, hiểm nguy, ngày đêm theo sát di biến động của các đối tượng. Chuyên án HK668 được triệt phá, Ban Chuyên án đã bắt giữ 5 đối tượng, thu giữ 280,85 kg Ketamine (trị giá khoảng 300 tỷ đồng) và nhiều tang vật khác.

Hợp tác để ngăn chặn từ xa

Theo đại diện Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), để đấu tranh phòng, chống ma túy hiệu quả, ngoài nỗ lực của nội ngành và công tác phối hợp trong nước, việc hợp tác quốc tế về trao đổi thông tin kiểm soát Hải quan, luôn được xem là một trong những kênh thông tin hữu hiệu phục vụ hoạt động động nghiệp vụ về kiểm soát hải quan. Điều này cũng thể hiện thái độ tích cực và cam kết của Hải quan Việt Nam trong việc tham gia sâu rộng và các hoạt động hợp tác quốc tế về Hải quan.

Cần hiện đại hóa phương tiện kiểm soát hải quan để ngăn chặn triệt để ma túy thẩm lậu vào nội địa. (Ảnh minh họa)
Cần hiện đại hóa phương tiện kiểm soát hải quan để ngăn chặn triệt để ma túy thẩm lậu vào nội địa. (Ảnh minh họa)

Đặc biệt, từ tháng 2/2015, Hải quan Việt Nam đã tham gia Chương trình kiểm soát container (CCP). Đây là sáng kiến của Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) và Tổ chức Hải quan thế giới (WCO). Theo đại diện Cục Điều tra chống buôn lậu, hiện CCP được triển khai tại các Cục Hải quan TP. Hải Phòng, TP. Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu với sự thành lập của 4 Nhóm Kiểm soát cảng (PCU). 

Các nhóm PCU được thành lập với mục đích phản ứng nhanh, nhằm xác định trọng điểm một cách có hệ thống và hiệu quả những container có nguy cơ rủi ro cao để kiểm tra, góp phần giảm thiểu những tác động tiêu cực đến luồng thương mại tự do hợp pháp.

Một trong những thành tích đầy ấn tượng trong lĩnh vực hợp tác quốc tế phòng chống tội phạm, là sự chủ động và tham gia đầy trách nhiệm của Hải quan Việt Nam vào các giai đoạn của Chiến dịch “Con rồng Mekong”. Năm 2018, Cục Điều tra chống buôn lậu đã chủ trì, tham mưu báo cáo lãnh đạo Tổng cục Hải quan và làm việc với các đơn vị liên quan của Bộ Công an Việt Nam, phối hợp với Cục Chống buôn lậu (Hải quan Trung Quốc), Văn phòng tình báo khu vực châu Á - Thái Bình Dương (RILO AP), Cơ quan phòng chống ma túy Liên Hợp Quốc (UNODC) xây dựng sáng kiến “Hành động kiểm soát chung về đấu tranh chống buôn lậu và vận chuyển trái phép ma túy, tiền chất trong khu vực Tiểu vùng sông Mekong mở rộng” với tên gọi: “Con rồng Mekong”.

Theo đại diện Cục Điều tra chống buôn lậu, Chiến dịch “Con rồng Mekong” giai đoạn I được vận hành từ tháng 9/2018 đến tháng 6/2019; giai đoạn II từ ngày 8/5-18/9/2020); giai đoạn III từ 15/4/2021 đến 15/9/2021. Tính đến nay, Chiến dịch “Con rồng Mekong” đã triển khai qua 3 giai đoạn chính và 01 giai đoạn mở rộng, với sự tham gia của 20 cơ quan Hải quan và thực thi pháp luật trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Tổng số 1.203 vụ việc vi phạm vận chuyển trái phép các chất ma túy và động thực vật hoang dã bị bắt giữ (trong đó, 1.069 vụ việc buôn lậu, vận chuyển trái phép các chất ma túy), đã được thành viên báo cáo và nhập số liệu vào cơ sở hệ thống Mạng lưới kiểm soát hải quan toàn cầu (CENcomm).

Theo đại diện Cục điều tra chống buôn lậu, trong Chiến dịch “Con rồng Mê kong”, Hải quan Việt Nam giữ vai trò là khởi xướng. Hải quan Việt Nam mong muốn, tiếp tục nhận được sự giúp đỡ và hợp tác lâu dài của các cơ quan Hải quan, các tổ chức quốc tế. Cuối tháng 10 vừa qua, Hải quan Việt Nam cùng các thành viên điều phối đã thảo luận về hướng triển khai Chiến dịch “Con rồng Mekong” giai đoạn IV và tiếp tục mở rộng phạm vi hoạt động, từ đó nhằm ngăn chặn từ xa, đấu tranh có hiệu quả trong phòng chống tội phạm ma túy xuyên biên giới.