Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7 năm 2023

Hoàng Quý - 00:15, 06/08/2023

Chiều 05/8, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2023 để thông tin về tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) tháng 7 và 7 tháng đầu năm, cùng một số vấn đề dư luận xã hội quan tâm. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn - Người phát ngôn của Chính phủ chủ trì họp báo.

Quang cảnh cuộc họp
Quang cảnh cuộc họp

Phát biểu tại buổi Họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết buổi họp báo diễn ra sau Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 năm 2023 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Tại buổi họp này, Chính phủ đã tập trung đánh giá, thảo luận về tình hình KT-XH tháng 7 và 7 tháng năm 2023; tình hình triển khai Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH; phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công; triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia và một số nội dung quan trọng khác.

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định: Trong điều kiện rất nhiều khó khăn, song nhờ có sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự chỉ đạo, điều hành khoa học, quyết liệt, chủ động và linh hoạt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự vào cuộc, phối hợp đồng bộ của các cơ quan trong hệ thống chính trị; sự đồng tình, ủng hộ của người dân, doanh nghiệp, bạn bè, đối tác quốc tế, tình hình KT-XH tháng 7 và 7 tháng tiếp tục duy trì ổn định, phát triển với nhiều điểm sáng; tháng 7 tốt hơn so tháng 6 và cùng kỳ trên nhiều lĩnh vực.

Cụ thể, các ngành, lĩnh vực chủ yếu phục hồi tốt. Nông nghiệp tiếp tục có nhiều điểm sáng; xuất khẩu gạo 7 tháng tăng 18,7% về lượng và tăng 29,6% về trị giá. Sản lượng thủy sản tháng 7 tăng 2,6%, 7 tháng tăng 1,9%. Xuất khẩu nông sản tháng 7 đạt 4,62 tỷ USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ; 7 tháng đạt hơn 29 tỷ USD; riêng rau củ quả đã xuất khẩu 3,2 tỷ USD. Công nghiệp tiếp đà phục hồi; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 7 tăng 3,9% so với tháng trước và tăng 3,7% so cùng kỳ. Thương mại, dịch vụ tăng trưởng tốt, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 7 tăng 1,1% so tháng trước và tăng 7,1% so cùng kỳ, 7 tháng tăng 10,4%; khách quốc tế tháng 7 đạt hơn 1 triệu lượt người, tăng 6,5% so tháng trước và gấp gần 3 lần so cùng kỳ; 7 tháng đạt gần 6,6 triệu lượt khách, gấp 6,9 lần so cùng kỳ.

Vốn đầu tư đạt kết quả tích cực. Giải ngân vốn đầu tư công 7 tháng đạt 267,63 nghìn tỷ đồng, đạt 37,85% kế hoạch, tăng 3,38% về tỷ lệ và tăng 80,78 nghìn tỷ đồng về số tuyệt đối. Tổng vốn FDI đăng ký tháng 7 đạt trên 2,8 tỷ USD, tăng gần 9% so với tháng trước, 7 tháng đạt gần 16,24 tỷ USD, tăng 4,5%; Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế.

Tổ chức tốt các hoạt động tri ân nhân kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ. Công tác bảo đảm an sinh xã hội được chú trọng, triển khai thực hiện đồng bộ. Tình hình chính trị, xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững. Công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế là điểm sáng; uy tín và vị thế quốc tế của Việt Nam tiếp tục được nâng lên. Nhiều tổ chức quốc tế uy tín đánh giá và dự báo tích cực về tình hình kinh tế Việt Nam. Việt Nam tăng 4 bậc về Chỉ số Hòa bình Toàn cầu năm 2023…

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành địa phương tổ chức triển khai hiệu quả các Nghị quyết của Đảng; Kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, lãnh đạo chủ chốt; các Nghị quyết của Quốc hội; chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt chú trọng đảm bảo chất lượng, tiến độ các Tờ trình, báo cáo, tài liệu trình Hội nghị Trung ương 8 và kỳ họp thứ 6, Quốc hội XV.

Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, ưu tiên hơn cho thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, sinh kế cho người dân gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Chú trọng xử lý kiến nghị, đề xuất của địa phương, cơ quan, người dân, doanh nghiệp. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, 03 Chương trình mục tiêu quốc gia.

Bảo đảm tiến độ, chất lượng công tác quy hoạch; cơ bản hoàn thành việc ban hành các quy hoạch trong năm 2023, nhất là quy hoạch 5 vùng KT-XH còn lại. Đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Tiếp tục chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm và nâng cao hiệu quả cải cách thủ tục hành chính; xử lý triệt để, dứt điểm các phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp. Quyết liệt chỉ đạo chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ điện tử và triển khai Đề án 06…