Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Hồn dân tộc nhìn từ cổ vật: Khi người trẻ đam mê cổ ngoạn (Bài 1)

Ngọc Ánh - 07:54, 19/04/2024

Đam mê sưu tầm, lưu giữ các cổ vật văn hóa, những người trẻ với tư duy mới không giữ khư khư những bộ sưu tập cổ vật quý giá trong cánh cửa gia đình mình mà họ đã mang đi trưng bày, giới thiệu và chia sẻ với đông đảo công chúng để mọi người hiểu hơn, biết trân trọng hơn giá trị di sản của cha ông để lại.

4 nhà sưu tầm cổ vật (mặc áo dài) tại trưng bày “Thanh ngoạn: Tuổi trẻ - Đam mê - Đồng hành” (từ trái sang phải: Nguyễn Đông Nhựt, Thân Việt Hùng, Nguyễn Thị Tuyết, Huỳnh Chí Thanh)
4 nhà sưu tầm cổ vật (mặc áo dài) tại trưng bày “Thanh ngoạn: Tuổi trẻ - Đam mê - Đồng hành” (từ trái sang phải: Nguyễn Đông Nhựt, Thân Việt Hùng, Nguyễn Thị Tuyết, Huỳnh Chí Thanh)

Trong dịp trưng bày “Thanh ngoạn: Tuổi trẻ - Đam mê - Đồng hành” tại Bảo tàng Lịch sử TP. Hồ Chí Minh diễn ra năm 2023, công chúng tại thành phố mang tên Bác lần đầu tiên được chiêm ngưỡng gần 200 cổ vật đặc sắc của bốn nhà sưu tập trẻ là Thân Việt Hùng (đến từ Đồng Nai), Nguyễn Đông Nhựt (đến từ Bình Định), Huỳnh Chí Thanh (Long An) và Nguyễn Thị Tuyết (Hải Dương). Gần 200 hiện vật với đa dạng loại hình và chất liệu đã đưa công chúng trở về cội nguồn dân tộc theo suốt chiều dài lịch sử văn hóa từ đồ đá, Đông Sơn, Hán Việt, Lý, Trần, Lê đến cuối triều Nguyễn... Đó là những hiện vật rìu, loa, giáo mác… đến bình gốm, những hạt chuỗi, cổ ngọc, cổ phục, đồ cung đình Việt Nam như pháp lam, phẩm phục, hộp đựng sắc phong, áo tấc, tráp, chậu, lư trầm, khay, tiền xu, kim khánh, kim bội, kim bài… Tất cả được trưng bày theo từng nhà sưu tập, thể hiện cá tính riêng của chủ nhân.

Cổ vật loa cầm tay thuộc thế kỷ 15.
Cổ vật loa cầm tay thuộc thế kỷ 15 - Ảnh tư liệu

Nhà sưu tập trẻ Thân Việt Hùng (sinh năm 1988) đến từ Đồng Nai chia sẻ về cơ duyên đến với cổ vật, tuổi thơ của anh gắn liền với những kỷ niệm từ các bộ phim cổ trang của nhà sản xuất TVB và anh bị cuốn hút bởi những món đồ trang trí trong phim. Từ đó anh luôn nuôi dưỡng ước mơ sở hữu những món đồ cổ vật khi đủ điều kiện.

Việc sưu tầm cổ ngoạn giúp tôi hiểu hơn về lịch sử, văn hóa dân tộc

Nhà sưu tập Thân Việt Hùng

Vào những năm 2009 - 2010, nhờ sự phát triển của mạng xã hội, Thân Việt Hùng tình cờ quen biết và được gặp gỡ một số nhà sưu tập giàu kinh nghiệm. Từ đó anh được hướng dẫn và học hỏi rất nhiều từ họ. Càng tìm hiểu, anh càng say mê. Vì thích sưu tầm những hiện vật mang ý nghĩa trao tặng, khen thưởng sự ghi nhận công lao, sự cống hiến của một các nhân hay tập thế, thế nên Thân Việt Hùng chú tâm vào những loại cổ vật biểu tượng cho vinh dự như: đại tiền (tiền thưởng), kim bội, kim khánh, kim bài... thời kỳ phong kiến. Bên cạnh đó, nhà sưu tập Thân Việt Hùng còn sở hữu bộ sưu tập phong phú các loại hình chạm khắc gỗ, gốm sứ Việt Nam qua các thời kỳ và dòng gốm đặt hàng.

Các bạn trẻ trao đổi về bộ sưu tập của Thân Việt Hùng - Ảnh tư liệu
Các bạn trẻ trao đổi về bộ sưu tập của Thân Việt Hùng - Ảnh tư liệu

Còn nhà sưu tập Nguyễn Đông Nhựt (sinh năm 1979, quê Bình Định) thì mang đến trưng bày bộ sưu tập bình gốm, những hạt chuỗi, những cổ ngọc… So với các nhà sưu tập trẻ khác, Nguyễn Đông Nhựt có nhiều thuận lợi hơn bởi sinh ra trong gia đình có truyền thống sưu tầm cổ vật. Đông Nhựt chia sẻ: “Ba tôi là một nhà sưu tầm đồ cổ nên tôi được tiếp xúc với các món đồ này từ khá sớm. Khi chưa có ý niệm gì về thú chơi này của ba, tôi luôn tò mò về những món đồ cổ ấy và tự hỏi nó có gì hay mà ba lại say mê như vậy. Năm 2014, từ một biến cố của bản thân, tôi đã bén duyên với đồ cổ như một cách để tạm quên đi những khó khăn hiện tại. Dần dần tôi đem lòng say mê với những bình gốm, những hạt chuỗi, những cổ ngọc… không chỉ ở vẻ bề ngoài mà còn là những câu chuyện thú vị ở mỗi hiện vật”. Hiện vật trong sưu tập của Nguyễn Đông Nhựt thiên về những loại hình thuộc các nền văn hóa cổ của Việt Nam như văn hóa Đông Sơn, văn hóa Đồng Nai…

Nhà nhà sưu tập Nguyễn Đông Nhựt chia sẻ với côgn chúng về bộ sưu tập của mình tại Triển lãm
Nhà nhà sưu tập Nguyễn Đông Nhựt chia sẻ với côgn chúng về bộ sưu tập của mình tại Triển lãm (Ảnh Tư liệu)

Còn Nhà sưu tập Nguyễn Thị Tuyết (sinh năm 1984, đến từ Hải Dương) thì tâm niệm: “Gìn giữ cho thế hệ mai sau là tâm niệm của bản thân trong hành trình bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử của cha ông. Mỗi cổ vật là một câu chuyện, bằng chứng sinh động nhất cho dòng chảy lịch sử - văn hóa của dân tộc. Từ kiểu dáng, hoa văn cho đến xuất xứ phản ánh đặc trưng của mỗi vùng miền. Qua đó giúp cho thế hệ trẻ cảm, biết và hiểu được lịch sử của dân tộc không chỉ là những sự kiện khó nhớ mà còn là những câu chuyện thú vị ẩn sau mỗi hiện vật”.

Những cổ vật đồ gốm thời triều Nguyễn
Những cổ vật đồ gốm thời triều Nguyễn

Sinh ra trong gia đình không có truyền thống sưu tầm cổ ngoạn, tuy nhiên sau những lần tham quan Bảo tàng tỉnh Hải Dương, Nguyễn Thị Tuyết đã nuôi dưỡng ước mơ được sở hữu những món cổ vật của tiền nhân. Từ đó, cô đã chú tâm vào việc sưu tầm đồ gốm sứ và đồ cung đình Việt Nam như: Phẩm phục, đồ bằng các chất liệu kim loại quý…Đặc biệt trong đó là nhóm gốm Việt Nam đặt hàng Trung Quốc sản xuất. Dòng gốm này thường có những yêu cầu riêng về kiểu dáng, màu sắc, hoa văn trang trí, thơ văn minh họa và hiệu đề. Đồ án hoa văn thường là rồng, phượng, long mã, liên áp, liên giải, mai điểu, mai cài thọ, mây…

Bình pháp lam thế kỷ 19 (triều Nguyễn) - Ảnh tư liệu
Bình pháp lam thế kỷ 19 (triều Nguyễn) - Ảnh tư liệu


Không ít cổ vật tại triển lãm rất quý hiếm, có giá trị văn hóa cao được hồi hương sau nhiều năm lưu lạc ở nước ngoài. Đây là điều tôi rất vui mừng khi những nhà sưu tập trẻ đã mang được di sản của tiền nhân về với quê nhà và lan tỏa giá trị của nó đến với cộng đồng.

GS.TS Trần Đình SơnViện sĩ Hàn lâm khoa học Paris – New york – Eurozone

Với lý tưởng sưu tầm là “thanh - nhã - lai - toàn”, nghĩa là chọn món đồ cần phải đẹp, chất, trang nhã, lai lịch rõ ràng và lành lặn, nhà sưu tập Huỳnh Chí Thanh (sinh năm 1988, quê Long An) mang đến những cổ vật quý hiếm và có giá trị ở các thời Lý, Trần, Lê Nguyễn… “Năm 2011, tình cờ tôi đọc được một bài viết về những đồng tiền cổ trên báo, tôi bị cuốn hút và thôi thúc tìm hiểu về nó. Hữu duyên, tôi sở hữu được tờ tiền giấy mệnh giá 20 đồng thời Vua Thành Thái phát hành ở Sài Gòn những năm 1915 - 1920. Đây chính là tiền đề cho bộ sưu tập hiện vật triều Nguyễn sau này của tôi”, Huỳnh Chí Thanh nhắc lại những ngày đầu bén duyên” với cổ vật.

Mê cổ phục cung đình, nhà sưu tập Huỳnh Chí Thanh còn mang đến cho công chúng chiêm ngưỡng các cổ phục thể hiện những chế định về mặt luật pháp để phân biệt địa vị, quyền lực trong đời sống xã hội. Tiêu biểu như chiếc áo lập lĩnh từng thuộc về Đức Thánh Cung (Phụ Thiên Thuần hoàng hậu) mẹ của vua Khải Định. Áo được thêu bằng chỉ vàng với những hoa văn đặc trưng như phụng, mây, thủy ba…

Sắc phong và áo ngũ thân thời Nguyễn tại triển lãm - Ảnh tư liệu
Sắc phong và áo ngũ thân thời triều Nguyễn tại triển lãm - Ảnh tư liệu
(Bài tổng hợp) Hồn dân tộc nhìn từ cổ vật: Khi người trẻ mê thú chơi cổ ngoạn (Bài 1) 9
Cổ vật Tín ký (con dấu riêng) bằng ngà thế kỷ 19 (triều Nguyễn)
Cổ vật tín ký (con dấu riêng) bằng ngà thế kỷ 19 (triều Nguyễn)
Những hiện vật chạm khắc gỗ Thời triều Nguyễn
Những hiện vật chạm khắc gỗ thời triều Nguyễn