Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Hơn 40 triệu ca mắc COVID-19 trên thế giới được chữa khỏi

PV - 09:46, 23/11/2020

Đến sáng 23/11, thế giới có tổng số 58.970.525 ca nhiễm và 1.393.227 ca tử vong vì dịch COVID-19, sau khi ghi nhận thêm lần lượt 489.012 và 7.409 ca chỉ trong vòng 24 giờ qua. Mỹ vẫn là nước có số ca nhiễm bệnh và tử vong nhiều nhất do đại dịch này.

 Ảnh minh họa (Nguồn: Reuters)
Ảnh minh họa (Nguồn: Reuters)

Số liệu trên trang web thống kê worldometers.info cũng cho thấy tính đến sáng 23/11, đã có 40.759.532 ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu được công bố khỏi bệnh. Trong số 16.817.766 ca bệnh đang điều trị, có 16.714.702 ca ở thể nhẹ (chiếm 99%) và 103.064 ca (chiếm 1%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện đã hoành hành tại 220 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Trong 24 giờ qua, với thêm tới 136.627 ca nhiễm, Mỹ tiếp tục là quốc gia ghi nhận nhiều ca nhiễm COVID-19 mới nhất trên thế giới, tiếp theo sau là Ấn Độ (44.404 ca) và Italy (28.337 ca). Cùng với đó, Mỹ cũng là nước có thêm nhiều ca tử vong nhất trong một ngày qua với 866 ca, sau đó là Italy (562 ca) và Mexico (550 ca).

Với 15.785.523 ca nhiễm COVID-19 tính đến sáng 23/11, châu Á tiếp tục là khu vực có nhiều ca nhiễm nhất thế giới. Trong đó, 278.192 ca đã tử vong do COVID-19 và 14.169.779 ca được điều trị khỏi. 3 quốc gia có số người nhiễm và tử vong do COVID-19 cao nhất tại châu Á là: Ấn Độ, Iran và Iraq với lần lượt số trường hợp nhiễm COVID-19 ghi nhận tới thời điểm hiện tại là 9.140.312; 854.361 và 535.321 ca; và số trường hợp tử vong lần lượt là 133.773; 44.802 và 11.958 ca.

Số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Âu tiếp tục tăng rất nhanh, khiến châu Âu trở thành khu vực có nhiều ca nhiễm hai thế giới, hiện ở mức 15.634.782 ca, trong đó có 355.172 ca tử vong và 6.115.151 ca được điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, châu lục này đã ghi nhận thêm 183.757 ca nhiễm và 3.256 ca tử vong mới vì COVID-19. Pháp, Nga và Tây Ban Nha tiếp tục là 3 nước bị tác động nhiều nhất bởi đại dịch này tại châu Âu khi có lần lượt 2.140.208; 2.089.329 và 1.589.219 ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tới thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, Anh lại hiện là nước có số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất khu vực, với tổng số 55.024 ca, sau khi có thêm 398 ca trong 24 giờ qua.

Bắc Mỹ trong 24 giờ qua đã ghi nhận thêm 151.006 ca nhiễm COVID-19 và 1.493 ca tử vong vì dịch bệnh này, nâng các con số thống kê được tại khu vực này tới thời điểm hiện tại lên lần lượt là 14.710.740 và 391.859 ca. Với 12.588.661 ca nhiễm và 262.696 ca tử vong vì COVID-19, Mỹ vẫn đứng đầu bảng danh sách của khu vực. Tiếp sau là Mexico và Canada với con số thống kê lần lượt là 1.032.688 và 330.503 ca nhiễm, cùng 101.373 và 11.455 ca tử vong vì COVID-19.

Trong khi đó, Nam Mỹ ghi nhận thêm 35.839 ca nhiễm và 624 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại khu vực này lên 10.712.528 ca và 317.183 ca tử vong. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê của khu vực, Brazil tiếp tục là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực khi có thêm 18.615 ca nhiễm mới, nâng tổng số trường hợp bị nhiễm COVID-19 lên con số 6.071.401 vào thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, với 183 ca tử vong được ghi nhận trong một ngày qua, Colombia lại là nước có thêm nhiều ca tử vong nhất vì COVID-19; tiếp sau đó là Brazil và Argentina với lần lượt 181 và 100 ca tử vong mới.

Tính đến sáng 23/11, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 2.082.709 ca, trong đó có 49.802 ca tử vong và 1.753.722 ca bình phục. Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19 trong khu vực, với 767.679 ca nhiễm và 20.903 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm 2.270 ca nhiễm mới và 58 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua. Tiếp theo đó là Morocco và Ai Cập, với tổng số lần lượt 324.941 và 113.027 ca nhiễm bệnh cùng 5.316 và 6.548 ca tử vong.

Tại châu Đại Dương, con số thống kê được ghi nhận là 43.522 ca nhiễm (tăng 24 ca) và 1.004 ca tử vong do dịch bệnh COVID-19. Đứng đầu danh sách thống kê trên trang worldometers.info vẫn là Australia với 15 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 27.821 ca, trong đó 907 ca tử vong.

Trong bối cảnh diễn biến của đại dịch COVID-19 vẫn chưa hết phức tạp, công cuộc phát triển và thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19 tiếp tục được tăng cường.

Bộ trưởng Y tế Liên bang Đức Jens Spahn cho biết nước này có thể khởi động chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 sớm nhất là vào tháng 12 năm nay. Hiện Đức đã có hơn 300 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 thông qua Ủy ban châu Âu. Ông Spahn cho biết đã yêu cầu các bang của Đức đặt các trung tâm tiêm chủng vaccine trong trạng thái sẵn sàng từ giữa tháng 12 và tình hình đang tiến triển tốt.

Trong khi đó, người phát ngôn Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) thông báo giá vaccine ngừa COVID-19 Sputnik V của nước này "sẽ được công bố trong tuần tới". Sputnik V là vaccine ngừa COVID-19 dựa trên nền tảng vector adenovirus được đăng ký đầu tiên trên thế giới. Đây là 1 trong 10 loại vaccine ngừa COVID-19 nằm trong danh sách của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sắp hoàn tất thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 và bắt đầu sản xuất hàng loạt. Một thông báo trên Twitter cho biết giá của loại vaccine này sẽ thấp hơn đáng kể so với các loại vaccine do 2 công ty Pfizer và Moderna phát triển.

Tại châu Mỹ, người đứng đầu chương trình vaccine ngừa COVID-19 của Mỹ Moncef Slaoui cho biết những công dân Mỹ đầu tiên sẽ được tiêm loại vaccine này sớm nhất là vào ngày 11/12. Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CNN, ông Slaoui cho biết: “Kế hoạch của chúng tôi là có thể chuyển vaccine đến các địa điểm tiêm chủng trong vòng 24 giờ sau khi được cho phép, vì vậy tôi hy vọng kế hoạch này sẽ có thể bắt đầu vào ngày thứ 2, 11 hoặc 12/12, sau khi được thông qua”. /.