Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Hơn 162,4 triệu người nhiễm COVID-19 trên toàn cầu, số ca mắc mới liên tục giảm ở Lào, Campuchia

PV - 10:18, 15/05/2021

Đến sáng 15/5, thế giới có trên 162,4 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 3,36 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Hơn 162,4 triệu người trên thế giới đã nhiễm virus SARS-CoV-2. (Ảnh: AP)
Hơn 162,4 triệu người trên thế giới đã nhiễm virus SARS-CoV-2. (Ảnh: AP)

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 33,6 triệu ca mắc và hơn 599.000 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 24.100 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) của Mỹ đã đưa ra thông báo mới liên quan đến những người đã được tiêm phòng đầy đủ vaccine COVID-19. Theo đó, những người này được nới lỏng những hạn chế về phòng chống dịch. Thông báo cho biết, những người được tiêm phòng đầy đủ và sau hai tuần của mũi tiêm phòng bắt buộc thứ hai sẽ không cần phải đeo khẩu trang ở trong nhà hoặc bên ngoài và không cần phải thực hiện giữ khoảng cách vật lý. Thông báo của CDC nêu rõ: "Khoa học rất rõ ràng: Nếu bạn được tiêm chủng đầy đủ, bạn được bảo vệ và bạn có thể bắt đầu làm những việc mà bạn đã phải ngừng vì đại dịch".

Ngay sau thông báo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đưa ra tuyên bố tương tự từ Nhà Trắng, ủng hộ nới lỏng đối với những người tiêm đủ các liều vaccine phòng COVID-19.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, tổng cộng trên 24,3 triệu người đã mắc COVID-19, bao gồm hơn 266.200 trường hợp không qua khỏi. Ngày 13/5, Ấn Độ báo cáo số ca nhiễm COVID-19 mới giảm mạnh với hơn 326.100 trường hợp.

Tổng cục Quản lý dược phẩm Ấn Độ đã cấp phép thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 và 3 đối với vaccine Covaxin ngừa COVID-19 cho trẻ em từ 2 đến 18 tuổi. Theo thông báo của Bộ Y tế Ấn Độ, kế hoạch được triển khai sau khi kiểm tra cẩn thận dựa trên khuyến nghị của một ủy ban chuyên gia về vaccine. Các giai đoạn thử nghiệm sẽ được thực hiện đối với 525 tình nguyện viên. Covaxin là loại vaccine gồm 2 mũi tiêm, mũi thứ 2 cách mũi đầu tiên 28 ngày. Đây là vaccine của hãng dược phẩm Bharat Biotech của Ấn Độ.

Uttar Pradesh, bang đông dân nhất Ấn Độ, sẽ chi tới 1 tỷ USD để mua vaccine ngừa COVID-19. Bang này đang gấp rút đàm phán để sở hữu vaccine Pfizer của Mỹ và Sputnik V của Nga. Trước đó, giới chức Uttar Pradesh cũng đàm phán để mua vaccine AstraZeneca, Johnson & Johnson và một loại vaccine tự sản xuất tại Ấn Độ. Bang Uttar Pradesh với dân số tới 240 triệu người đang hành động nhanh chóng trong bối cảnh thiếu vaccine đang cản trở công tác tiêm chủng ngăn dịch COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.

Trong lúc các biến thể lây lan mạnh, Ấn Độ lại phải đối mặt với tình trạng thiếu vaccine, khiến cuộc chiến chống COVID-19 càng thêm khó khăn. Một số bang ở Ấn Độ đã báo cáo tình trạng thiếu vaccine COVID-19 trong khi biến thể đột biến kép đang hoành hành trên khắp đất nước. Có những trung tâm tiêm chủng thậm chí còn hết sạch vaccine. Mặc dù là nước sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, Ấn Độ đã cạn kiệt nguồn dự trữ do nhu cầu quá lớn. Theo số liệu của Chính phủ Ấn Độ, tính đến ngày 13/5, cả nước mới tiêm chủng đầy đủ cho hơn 38 triệu người, tương đương khoảng 2,8% dân số. Bang Maharashtra và thủ đô New Delhi là những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh, cũng là nơi gặp khủng hoảng thiếu vaccine.

Hơn 2 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 sẽ có sẵn tại Ấn Độ từ tháng 8 cho tới tháng 12 và đủ để tiêm cho toàn bộ dân số. Đây là thông báo của Cố vấn y tế hàng đầu của Chính phủ Ấn Độ. Trong số hơn 2 tỷ liều vaccine, sẽ có 750 triệu liều của AstraZeneca, 550 triệu liều Covaxin, 200 triệu liều của Novavax. Dự kiến, vaccine Sputnik V của Nga sẽ được chuyển đến Ấn Độ vào tuần tới.

Một số bang ở Ấn Độ đã báo cáo tình trạng thiếu vaccine COVID-19. (Ảnh: AP)
Một số bang ở Ấn Độ đã báo cáo tình trạng thiếu vaccine COVID-19. (Ảnh: AP)

Trong 24 giờ qua, Brazil ghi nhận số ca mắc COVID-19 mới tăng cao với gần 82.700 trường hợp. Đến nay, hơn 432.600 bệnh nhân COVID-19 đã không qua khỏi trong tổng số trên 15,5 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Mới đây, các nhà khoa học Nga đã công bố bản đánh giá từ dữ liệu của 3,8 triệu người Nga đã được tiêm phòng vaccine Sputnik V, loại vaccine này đạt hiệu quả đến 97,6%. Con số này cao hơn so với mức 91,6% từng được công bố trên Tạp chí y khoa quốc tế Lancet vào đầu năm nay. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho rằng, vaccine ngừa COVID-19 Sputnik V của Nga là một trong những nhân tố quan trọng trong chiến dịch tiêm chủng trên toàn cầu. Ông khẳng định, Liên Hợp Quốc sẽ rất vui mừng nếu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cấp phép sử dụng vaccine này. Theo ông Guterres, cần phải tăng nhanh sản lượng vaccine phòng COVID-19 trên toàn cầu và phân phối vaccine đồng đều hơn giữa các quốc gia.

Hiện các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) đang tiến hành vòng đánh giá tiếp theo về vaccine Sputnik V của Nga, từ ngày 10/5 đến tuần đầu của tháng 6. Đến nay, Nga là điểm nóng dịch lớn thứ 6 trên thế giới với trên 4,9 triệu ca mắc và hơn 115.000 trường hợp thiệt mạng.

Anh sẽ đẩy mạnh chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 để ứng phó với biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ. Nước Anh cũng sẽ tiêm vaccine COVID-19 cho những người trẻ tuổi hơn nếu họ sống trong các gia đình nhiều thế hệ. Hiện việc tiêm vaccine chỉ dành cho những người trên 38 tuổi.

Anh là một trong những nước triển khai chương trình tiêm chủng vaccine COVID-19 nhanh nhất thế giới với gần 70% dân số trưởng thành đã được tiêm mũi đầu tiên và 36% đã được tiêm đủ 2 mũi. Tổng số ca mắc COVID-19 tại Anh là trên 4,4 triệu người, bao gồm hơn 127.600 trường hợp tử vong.

Trong nỗ lực thu hút du khách trở lại, từ ngày 16/5 tới, Chính phủ Italy sẽ bỏ yêu cầu cách ly đối với những hành khách đến từ Liên minh châu Âu (EU), Anh và Israel có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19. Ngày 14/5, một người phát ngôn Bộ Y tế Italy cho biết Bộ trưởng Bộ Y tế Roberto Speranza đã ký một sắc lệnh cho phép những hành khách từ các nước EU và khu vực Schengen, cũng như Anh và Israel đáp ứng điều kiện trên được nhập cảnh Italy. Quốc gia này cũng gia hạn biện pháp cấm người Brazil nhập cảnh. Cũng theo các quy định mới, Italy sẽ mở rộng phạm vi khai thác các chuyến bay "không COVID-19".

Italy là một trong những nước chịu ảnh hưởng đại dịch COVID-19 nặng nề nhất tại EU. Đến nay, nước này ghi nhận hơn 4,4 triệu ca mắc và trên 127.600 người tử vong.

Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Thái Lan đã phê duyệt việc sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa COVID-19 Moderna, mở đường cho việc nhập khẩu và sử dụng vaccine này trong vòng 1 năm. Chính phủ Thái Lan đã cho phép khu vực tư nhân được tham gia chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19. Để đối phó với mọi tình huống có thể phát sinh, Chính phủ Thái Lan ước tính, nước này cần từ 150 - 200 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 cho các giai đoạn trong thời gian tới của chương trình tiêm chủng quốc gia. Cho đến nay, đã có ít nhất 15 tỉnh, thành phố của Thái Lan đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho khoảng 2% dân số mỗi tỉnh.

Thái Lan đẩy mạnh chương trình tiêm chủng vaccine COVID-19 trên toàn quốc. (Ảnh: AP)
Thái Lan đẩy mạnh chương trình tiêm chủng vaccine COVID-19 trên toàn quốc. (Ảnh: AP)

Chiều 14/5, Thủ tướng Suga Yoshihide thông báo, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định đưa thêm 3 tỉnh gồm Hokkaido ở cực Bắc, Okayama và Hiroshima ở miền Tây vào phạm vi áp dụng tình trạng khẩn cấp vì dịch COVID-19. Tình trạng khẩn cấp sẽ có hiệu lực ở ba tỉnh này từ ngày 16/5.

Quyết định được đưa ra trong bối cảnh chưa có dấu hiệu nào cho thấy, dịch COVID-19 sẽ sớm lắng dịu dù Chính phủ đã thực hiện nhiều biện pháp khá quyết liệt, trong khi Olympic Tokyo đang cận kề. Đáng chú ý, cách đây hai ngày, có tới 7/47 tỉnh thành ở Nhật Bản có số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất từ trước tới nay, gồm Hokkaido, Hiroshima, Fukushima, Gifu, Aichi, Fukuoka và Kagoshima.

Tại Trung Quốc, những hành khách đến từ các nước, vùng lãnh thổ bên ngoài Trung Quốc đại lục và tiếp xúc gần với bệnh nhân COVID-19 có thể rời khu cách ly nếu họ có xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 sau hai lần xét nghiệm axit nucleic dựa vào dịch phết mũi, họng. Đây là hướng dẫn mới nhất về phòng chống dịch COVID-19 do lực lượng liên ngành đặc trách đối phó với COVID-19 của Quốc vụ viện ban hành.

Đài Loan (Trung Quốc) ngày 14/5 ghi nhận mức tăng kỷ lục số ca COVID-19 lây nhiễm trong cộng đồng, trong bối cảnh sự lây nhiễm trong cộng đồng tại thủ phủ Đài Bắc lan rộng và chính quyền kêu gọi người dân đi xét nghiệm. Lãnh đạo y tế Đài Loan Chen Shih-chung cho biết, trong số 29 ca lây nhiễm cộng đồng mới, có nhiều trường hợp có liên quan đến ổ dịch tại quận Wanhua của Đài Bắc, một khu vực có nhiều ngôi chùa cổ cùng các cửa hàng và các quán rượu. Ông Chen kêu gọi người dân có tiếp xúc với bệnh nhân COVID-19 hoặc có triệu chứng đi đến các cơ sở xét nghiệm nhanh mà chính quyền thiết lập ở quận Wanhua.

Bộ Y tế Lào ngày 14/5 ghi nhận 16 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua, trong đó 15 ca nhập cảnh và được cách ly ngay. Như vậy, sau hơn 20 ngày luôn ghi nhận số ca lây nhiễm mới trong cộng đồng ở mức 2 con số, lần đầu tiên kể từ ngày 20/4, Lào chỉ phát hiện 1 trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng trên cả nước. Điều này cho thấy, các chính sách mạnh mẽ và quyết liệt của Chính phủ đã bước đầu đem lại hiệu quả trong công tác phòng chống dịch COVID-19.

Tại cuộc họp báo chiều 14/5, đại diện Bộ Y tế Lào cũng thông báo về trường hợp tử vong thứ 2 do COVID-19 tại nước này. Ca tử vong này là nam công dân Lào, 29 tuổi. Người này nhập viện hôm 10/5 với các triệu chứng tức ngực và khó thở, không sốt. Tuy nhiên, do bệnh nhân nhập viện muộn, kết hợp với bệnh nền cận béo phì, các triệu chứng chuyển xấu nhanh và tử vong chiều 13/5 do suy hô hấp. Tính đến chiều 14/5, tổng số ca mắc COVID-19 tại Lào là 1.498 ca, trong đó có 513 ca đã được điều trị khỏi và 2 ca tử vong.

Tại Campuchia, trong vài ngày gần đây, số ca mắc mới COVID-19 liên tục giảm, từ 472 ca ghi nhận ngày 12/5 xuống 448 người vào ngày 13/5 và 358 trường hợp trong ngày 14/5. Thông cáo báo chí của Bộ Y tế Campuchia trưa 14/5 cho biết, trong tổng số 358 ca mắc mới trong 24 giờ qua, có 8 trường hợp nhập cảnh và 350 bệnh nhân lây nhiễm trong cộng đồng. Bộ này cũng xác nhận có thêm 348 người bình phục và 5 ca tử vong, nâng tổng số trường hợp tử vong vì COVID-19 tại Campuchia lên 147 người.

Như vậy, tính đến thời điểm này, Campuchia ghi nhận tổng cộng 21.499 ca mắc COVID-19, trong đó có 20.835 ca liên quan đến "sự cố cộng đồng ngày 20/2" và đã có 9.867 người khỏi bệnh. Chiến dịch tiêm chủng COVID-19 tại Campuchia bắt đầu từ ngày 10/2 và đã tiêm được hơn 2 triệu người với 3 loại vaccine Sinopharm, Sinovac và AstraZeneca.

Ngày 14/5, Singapore ghi nhận 52 ca mắc mới COVID-19, mức cao nhất kể từ cuối tháng 1. Bắt đầu từ ngày 16/6 cho tới ngày 13/6, Singapore sẽ thắt chặt trở lại các biện pháp giãn cách xã hội để ngăn chặn dịch lây lan trong cộng đồng. Hiện Singapore đang phải đối phó với 11 ổ dịch, trong đó tình hình tại ổ dịch tại sân bay Changi là nghiêm trọng nhất.