Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Hơn 146,9 triệu ca mắc COVID-19 trên toàn cầu, Ấn Độ, Campuchia, Thái Lan ghi nhận số ca nhiễm mới kỷ lục

PV - 10:05, 25/04/2021

Đến sáng 25/4, thế giới có trên 146,9 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 3,11 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Hơn 146,9 triệu người trên thế giới đã nhiễm virus SARS-CoV-2. (Ảnh: AP)
Hơn 146,9 triệu người trên thế giới đã nhiễm virus SARS-CoV-2. (Ảnh: AP)

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch  COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 32,7 triệu ca mắc và hơn 585.700 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 42.100 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, tổng cộng trên 16,9 triệu người đã nhiễm bệnh, bao gồm hơn 192.300 trường hợp thiệt mạng. Ngày 24/4, Ấn Độ báo cáo trên 349.100 ca mắc COVID-19 mới. Đây là những con số cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát ở quốc gia này. Như vậy, Ấn Độ ngày thứ 3 liên tiếp ghi nhận hơn 300.000 ca nhiễm/ngày, tiếp tục xu hướng gia tăng cao nhất thế giới trong thời gian qua.

Nước này đang thiếu giường bệnh và thuốc men trầm trọng, đặc biệt là thiếu nguồn cung oxy. Trước tình hình này, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khẳng định, trung ương sẽ hỗ trợ đầy đủ cho tất cả các bang, đồng thời sẽ xử lý nghiêm các hành vi tích trữ, buôn bán những loại dược phẩm thiết yếu trên chợ đen.

Trong 24 giờ qua, Brazil ghi nhận trên 70.100 ca mắc COVID-19 mới. Đến nay, gần 389.500 bệnh nhân COVID-19 đã không qua khỏi trong tổng số trên 14,3 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Ấn Độ 3 ngày liên tiếp có trên 300.000 ca mắc mới/ngày. (Ảnh: AP)
Ấn Độ 3 ngày liên tiếp có trên 300.000 ca mắc mới/ngày. (Ảnh: AP)

Theo thông báo của Văn phòng Y tế công cộng Liên bang Thụy Sĩ (FOPH), trường hợp đầu tiên mắc biến thể COVID-19 ghi nhận ở Ấn Độ đã được phát hiện ở Thụy Sĩ liên quan đến một hành khách quá cảnh tại sân bay. Thông báo ngày 24/4 của FOPH cho biết đã bổ sung Ấn Độ vào danh sách các quốc gia có nguy cơ hiện đang được thảo luận do sự lây lan nhanh chóng của  biến thể mới . Hiện tại, chỉ có công dân Thụy Sĩ hoặc những người có giấy phép cư trú từ Ấn Độ mới được phép nhập cảnh vào Thụy Sĩ từ Ấn Độ.

Thời gian qua, biến thể mới được ghi nhận ở Ấn Độ đã được phát hiện ở Anh và Bỉ. Tại Bỉ, 21 sinh viên Ấn Độ đến sân bay Charles de Gaulle của Paris vào giữa tháng 4/2021 đã xét nghiệm dương tính với biến thể này và được đưa vào diện cách ly. Thụy Sĩ tính đến ngày 24/4 đã ghi nhận trên 646.500 ca nhiễm COVID-19, đứng thứ 36 trên thế giới.

Thủ tướng Đức Angela Merkel đã kêu gọi người dân nước này tuân thủ các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn để phòng dịch, được áp dụng tại các khu vực có tỷ lệ lây nhiễm cao từ cuối tuần này. Bà Merkel khẳng định, đây là việc làm cần thiết để phá vỡ chuỗi lây nhiễm trong làn sóng dịch bệnh thứ 3 hiện nay.

Hồi đầu tuần, Quốc hội Đức đã thông qua các sửa đổi đối với đạo luật phòng dịch tại quốc gia này, qua đó trao thêm quyền lực cho Chính phủ Liên bang để ngăn chặn dịch. Các sửa đổi được bà Merkel đề xuất sau khi 16 bang ở Đức từ chối triển khai các biện pháp mạnh hơn ngay cả khi số ca mắc mới tăng mạnh. Trong phát biểu mới nhất, bà Merkel cho rằng, các sửa đổi này rất cần thiết trong cuộc chiến chống dịch bệnh tại Đức nhằm giảm số ca mắc mới, tiến tới ngăn chặn và đảo ngược làn sóng dịch bệnh thứ 3 hiện nay.

Giống như một số quốc gia châu Âu khác, Đức đang chật vật ứng phó với làn sóng dịch bệnh thứ 3 nghiêm trọng hơn do sự xuất hiện của biến thể B117 của virus SARS-CoV-2 có khả năng lây lan nhanh hơn rất nhiều. Đến nay, Đức xác nhận trên 3,2 triệu ca nhiễm và hơn 82.100 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19.

New Zealand đã tạm ngừng chương trình kích cầu du lịch vừa mới mở với Australia. Quyết định được đưa ra sau khi các vùng Perth và Peel bắt đầu thực hiện phong tỏa 3 ngày sau khi phát hiện 2 ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng. New Zealand và Australia đã mở một chương trình kích cầu du lịch không cách ly từ ngày 18/4, gần 400 ngày sau khi hai bên đóng cửa biên giới do đại dịch COVID-19. Chương trình này là kết quả của nhiều tháng thương lượng giữa hai nước láng giềng khi đều đã cơ bản kiểm chế được dịch.

Ngày 24/4, trong khi số ca mắc mới COVID-19 tiếp tục tăng ở mức 3 con số (509 ca), Bộ Y tế Campuchia cũng xác nhận thêm 10 bệnh nhân tử vong do dịch bệnh. Đây là ngày có số ca tử vong cao nhất kể từ khi Campuchia ghi nhận ca đầu tiên tử vong liên quan "sự cố lây nhiễm cộng đồng ngày 20/2". Như vậy, đến lúc này, Campuchia đã có 71 người tử vong do COVID-19.Thông tin từ Bộ Y tế Campuchia nêu rõ, thủ đô Phnom Penh vẫn là địa phương có số ca mắc mới cao nhất với 318 ca, tiếp theo là tỉnh Preah Sihanouk (126 trường hợp) và tỉnh Kandal (44 bệnh nhân). Chính quyền thủ đô Phnom Penh đã quyết định sử dụng thêm sân vận động Olympic và một trường học làm bệnh viện dã chiến để có thêm chỗ điều trị cho bệnh nhân COVID-19.

Chiều 24/4, Ban Chỉ đạo Quốc gia Lào về phòng chống COVID-19 xác nhận, nước này có thêm 88 ca mắc mới COVID-19, trong đó có tới 84 trường hợp ở thủ đô Vientiane, 2 người ở tỉnh Champasak, 2 bệnh nhân ở tỉnh Bokeo. Đây là ngày thứ 2 liên tiếp Lào ghi nhận mức tăng 2 con số. Đáng chú ý, các ca mắc mới đều là lây nhiễm cộng đồng, trong đó có cả trẻ em, với tâm điểm vùng dịch vẫn là thủ đô Vientiane. Bộ Y tế Lào cho biết, một số bệnh nhân mới được ghi nhận đã di chuyển ra nhiều tỉnh bằng cả đường bộ và đường hàng không, gây lo ngại về nguy cơ lây nhiễm cộng đồng trên diện rộng.

Tính tới thời điểm hiện tại, đã có ít nhất 10/18 tỉnh, thành phố của Lào ra lệnh phong tỏa, trong đó có nhiều tỉnh tiếp giáp Việt Nam. Các tỉnh thành còn lại cũng tăng cường hàng loạt biện pháp cứng rắn để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 vào địa bàn tỉnh, một số tỉnh thậm chí đã tiến hành cách ly 14 ngày đối với người về từ thủ đô Vientiane. Đến nay, Lào đã ghi nhận tổng cộng 247 ca mắc COVID-19 và chưa có trường hợp tử vong.

Số ca mắc mới bệnh COVID-19 theo ngày ở Thái Lan tiếp tục tăng ở mức cao kỷ lục vào ngày 24/4, trong khi số người tử vong vì bệnh dịch này trong vòng 24 giờ qua cũng ở mức cao chưa từng thấy. Ngày 24/4, Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 của Chính phủ Thái Lan (CCSA) xác nhận thêm 2.839 ca nhiễm mới, tăng 769 ca so với con số của ngày hôm trước, nâng tổng số bệnh nhân COVID-19 trên cả nước lên hơn 53.000 trường hợp. Trong số các ca nhiễm mới được ghi nhận, chỉ có 12 ca nhập cảnh. Cùng ngày, CCSA cũng thông báo thêm 8 bệnh nhân tử vong vì COVID-19, nâng tổng số người không qua khỏi lên 129 người.

Hàn Quốc đã ký hợp đồng với Pfizer (Mỹ) để mua thêm 40 triệu liều  vaccine COVID-19 , nâng số liều vaccine mà Hàn Quốc mua của Pfizer lên 66 triệu liều. Hàn Quốc đã đặt mua tổng cộng 192 triệu liều vaccine của nhiều hãng như Moderna, AstraZeneca, Johnson & Johnson và Novavax. Số vaccine này đủ để tiêm chủng cho khoảng 100 triệu người, gấp đôi dân số hiện nay của Hàn Quốc. Chính phủ Hàn Quốc đặt mục tiêu, đến cuối tháng 6 sẽ tiêm chủng cho 12 triệu người và đến tháng 11 đạt miễn dịch cộng đồng với 70% dân số được tiêm chủng. Cho tới nay, gần 2,2 triệu người trong tổng số 52 triệu người dân Hàn Quốc đã được tiêm mũi vaccine đầu tiên.