Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Hội thi quốc tế về những món ăn từ sâm dây Tu Mơ Rông

Ngọc Chí - 22:22, 26/04/2024

Sau 2 ngày diễn ra sôi nổi, 21 đội đã mang đến Hội thi ẩm thực quốc tế và Xác lập kỷ lục Việt Nam về các món ăn độc đáo, mang hương vị riêng được chế biến từ sâm dây của núi rừng Ngọc Linh. Các hoạt động, sự kiện diễn ra tại Hội thi mang ý nghĩa thiết thực, góp phần nâng tầm giá trị cây sâm dây, hướng đến sinh kế bền vững cho đồng bào Xơ Đăng từ việc phát triển diện tích cây sâm dây, loại dược liệu đặc trưng ở huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum).

Đội xã Đăk Na chế biến 06 món ăn từ những thực phẩm đặc trưng từ núi rừng kết hợp với sâm dây
Đội xã Đăk Na chế biến 06 món ăn từ những thực phẩm đặc trưng từ núi rừng kết hợp với sâm dây

Hội thi ẩm thực quốc tế và công bố xác lập kỷ lục Việt Nam về 120 món ăn chế biến từ sâm dây đã diễn ra tối 25/4, tại Khu tái định cư Tu Thó, xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum).

Đến với Hội thi, đội xã Đăk Na, huyện Tu Mơ Rông chế biến 06 món ăn từ những thực phẩm đặc trưng từ núi rừng kết hợp với sâm dây, như: Củ sâm dây chiên giòn, gỏi gà làng sâm dây, cá bống đuôi đỏ nhồi củ sâm dây nướng ống, ếch rừng hầm củ sâm dây, lẩu cá suối sâm dây và bánh, trà sâm dây.

Anh A Dũng (dân tộc Xơ Đăng) chia sẻ: Đội xã Đăk Na đến với Hội thi với tinh thần giao lưu, học hỏi. Đội chế biến những món ăn truyền thống của đồng bào Xơ Đăng kết hợp với sâm dây để du khách có thể thưởng thức. Đồng thời, qua Hội thi giúp đội học hỏi kinh nghiệm chế biến món ăn từ các đội khác, sau này áp dụng vào thực tiễn để phục vụ du khách khi đến thăm quan các điểm du lịch trên địa bàn xã.

Đồng bào Xơ Đăng giã gạo đỏ (gạo đặc trưng của đồng bào Xơ Đăng) để chế biến các món ăn
Đồng bào Xơ Đăng giã gạo đỏ (gạo đặc trưng của đồng bào Xơ Đăng) để chế biến các món ăn

Ngoài 11 đội đến từ các xã trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông, Hội thi năm nay còn thu hút 10 đội đến từ các tỉnh, thành phố trên cả nước và các quốc gia Lào, Trung Quốc, Thụy Sỹ. Đặc biệt, các đội thi đến từ các quốc gia đã kết hợp những món ăn hiện đại cùng với sâm dây đã tạo nên những hương vị đặc sắc.

Bà Vông Đươn, đến từ tỉnh Attapư, Lào cho biết: Hiện bên tỉnh Attapư cũng có sâm dây, nhưng mục đích chỉ dùng để nấu canh và ngâm rượu. Đây là lần đầu tiên đến huyện Tu Mơ Rông tham gia Hội thi ẩm thực, qua đây tôi học hỏi thêm được nhiều món ăn chế biến từ sâm dây của các nước bạn, khi về nước tôi sẽ chế biến để phục vụ gia đình và khách hàng.

Đội thi đến từ tỉnh Attapư, Lào thuyết trình với Ban giám khảo về các món ăn được chế biến từ sâm dây
Đội thi đến từ tỉnh Attapư, Lào thuyết trình với Ban giám khảo về các món ăn được chế biến từ sâm dây

Sau 2 ngày diễn ra hội thi, 21 đội đã chế biến 120 món ẩm thực có nguồn gốc từ sâm dây Tu Mơ Rông. Những món ăn này đã được Ban Tổ chức mời du khách cùng thưởng thức và được ngợi khen, là sâm dây Tu Mơ Rông góp phần nâng tầm ẩm thực Việt. Những lời khen này càng khẳng định giá trị, chất lượng sâm dây Tu Mơ Rông so với sâm dây trồng ở các vùng khác.

Chị Châu Thanh Xuân, đến từ TP. Hà Nội cho biết: Tôi biết đến sự kiện này qua các phương tiện truyền thông, tôi rất háo hức và quyết định vào huyện Tu Mơ Rông để trải nghiệm và thưởng thức những món ăn được chế biến từ sâm dây. Tôi thấy rằng, các món ăn khi chế biến cùng sâm dây cho hương vị rất thơm, ngon và phải khẳng định rằng đây là một trải nghiệm thú vị.

Đội thi đến từ tỉnh Gia Lai giới thiệu các món ăn đặc trưng của đồng bào Gia Rai kết hợp với sâm dây
Đội thi đến từ tỉnh Gia Lai giới thiệu các món ăn đặc trưng của đồng bào Gia Rai kết hợp với sâm dây

Theo ông Phạm Xuân Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, sâm dây là cây dược liệu chủ lực của địa phương. Huyện đang khuyến khích người dân chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng sâm dây; đồng thời kêu gọi doanh nghiệp có tiềm lực vào đầu tư.

Tín hiệu vui là đã có doanh nghiệp vào liên kết với dân và mở nhà máy. Khi nhà máy được xây dựng sẽ có thêm nhiều thức uống, thực phẩm khác từ sâm dây ra đời, góp phần nâng cao sức khoẻ cho người sử dụng.

Ban giám khảo chấm điểm các đội tham gia Hội thi
Ban giám khảo chấm điểm các đội tham gia Hội thi

"Sau Hội thi, huyện Tu Mơ Rông sẽ in thành sách công thức chế biến các món ăn từ sâm dây Tu Mơ Rông, sau đó phát hành rộng rãi để mọi người, mọi nhà trên đất nước Việt Nam và thế giới có thể tự tay chế biến cho người thân dùng", ông Phạm Xuân Quang cho biết thêm.

Kết thúc Hội thi, Ban Tổ chức đã trao 21 giải cho 21 đội dự thi. Nhân dịp này, Công ty cổ phần Tổ chức kỷ lục Việt Nam Vietkings, đã tổ chức công bố xác lập kỷ lục Việt Nam về 120 món ăn được chế biến từ sâm dây cho huyện Tu Mơ Rông.