Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Hội thảo trao đổi kinh nghiệm xóa đói giảm nghèo Việt Nam-Trung Quốc

PV - 09:43, 09/12/2021

Bộ Ngoại giao và một số địa phương của Việt Nam phối hợp với Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, Chính quyền tỉnh Vân Nam, Trung Quốc tổ chức Hội thảo trao đổi kinh nghiệm xóa đói giảm nghèo Việt Nam - Trung Quốc theo hình thức trực tuyến.

Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Minh Vũ phát biểu khai mạc Hội thảo trao đổi kinh nghiệm xóa đói giảm nghèo Việt Nam-Trung Quốc. (Ảnh: Tuấn Anh)
Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Minh Vũ phát biểu khai mạc Hội thảo trao đổi kinh nghiệm xóa đói giảm nghèo Việt Nam-Trung Quốc. (Ảnh: Tuấn Anh)

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Minh Vũ, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba, Lãnh đạo các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang (Việt Nam) và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) tham dự Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ chúc mừng những thành tựu Trung Quốc nói chung và tỉnh Vân Nam nói riêng đạt được trong công tác xóa đói giảm nghèo, góp phần quan trọng giúp Trung Quốc hoàn thành mục tiêu 100 năm lần thứ nhất, xây dựng thành công xã hội khá giả toàn diện.

Thứ trưởng hoan nghênh và đánh giá cao việc hai bên phối hợp tổ chức Hội thảo; khẳng định Bộ Ngoại giao Việt Nam luôn đồng hành và sẵn sàng làm cầu nối để các địa phương hai bên chia sẻ kinh nghiệm, triển khai các dự án hợp tác xóa đói giảm nghèo.

Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ đề xuất, các địa phương hai bên cần tăng cường phối hợp chia sẻ kinh nghiệm trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại, đầu tư; triển khai các dự án cải thiện dân sinh, nâng cao chất lượng đời sống người dân; tăng cường hợp tác phòng chống dịch; quan tâm hơn nữa đến phát triển bền vững, bao trùm.

Nhân dịp này, Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ cảm ơn tỉnh Vân Nam viện trợ nhiều đợt trang thiết bị vật tư y tế phòng chống dịch Covid-19 cho các tỉnh/thành của Việt Nam.

Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba cho biết, kể từ Đại hội Đảng XVIII đến nay, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã lãnh đạo nhân dân Trung Quốc tiến hành công cuộc xóa đói giảm nghèo lớn nhất trong lịch sử nhân loại; đạt được những thành tựu quan trọng với 832 huyện cùng gần 100 triệu người nông dân thoát nghèo, hoàn thành trước 10 năm mục tiêu Phát triển bền vững 2030 do Liên Hợp Quốc đề ra; triển khai ngoại giao phục vụ công tác xóa đói giảm nghèo, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nhận hỗ trợ hai huyện nghèo Kim Bình và Ma Li Po.

Hội thảo trao đổi kinh nghiệm xóa đói giảm nghèo Việt Nam-Trung Quốc được tổ chức theo hình thức trực tuyến. (Ảnh: Tuấn Anh)
Hội thảo trao đổi kinh nghiệm xóa đói giảm nghèo Việt Nam-Trung Quốc được tổ chức theo hình thức trực tuyến. (Ảnh: Tuấn Anh)

Đến nay, tỉnh Vân Nam với số lượng huyện nghèo, hộ nghèo lần lượt xếp thứ 1 và thứ 2 Trung Quốc tạo được kỳ tích trong công cuộc xóa đói giảm nghèo.

Đại sứ Hùng Ba khẳng định, Trung Quốc mong muốn và sẵn sàng triển khai hợp tác với Việt Nam trong công cuộc xóa đói giảm nghèo thông qua các hình thức viện trợ không hoàn lại, tập trung và các dự án y tế, giáo dục, cải thiện dân sinh.

Đại sứ cũng bày tỏ, Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội nói chung và cá nhân nói riêng đã và sẽ nỗ lực thực hiện các dự án hỗ trợ người dân Việt Nam tại các vùng khó khăn; góp phần thực hiện tốt các nhận thức chung mà lãnh đạo hai Đảng, hai nước đã đạt được.

Tại Hội thảo, đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Lãnh đạo các địa phương hai nước đã trình bày các bài tham luận về kinh nghiệm xóa đói giảm nghèo.

Hai bên nhất trí cho rằng, thời gian qua công tác xóa đói giảm nghèo tại mỗi nước đã được nhiều kết quả quan trọng; khẳng định được tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Các bên nhấn mạnh sự phát triển của mỗi quốc gia cần coi việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân làm trung tâm phục vụ; xóa đói giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, căn cơ và dài hạn của mọi chương trình hành động, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, kéo dài như hiện nay.

Lãnh đạo các địa phương nhất trí cho rằng, bên cạnh sự hỗ trợ từ Trung ương, các địa phương cần chủ động khai thác tốt hơn các thế mạnh riêng, tập trung huy động mọi nguồn lực sẵn có nhằm tạo thêm nhiều hơn công ăn việc làm, nâng cao chất lượng y tế, giáo dục, dân sinh của người dân, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào các dân tộc thiểu số.