Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Học tiếng đồng bào để giúp đồng bào

PV - 10:28, 12/03/2019

Muốn giúp được đồng bào DTTS ở vùng ĐBKK phát triển kinh tế; chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thì phải biết nghe và nói tiếng nói của đồng bào. Đó chính là phương châm của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ka Lăng, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Lai Châu thực hiện trong nhiều năm qua.

Cán bộ chiến sĩ Đồn biên phòng Ka Lăng thường xuyên gần gũi tham gia các hoạt động với bà con Nhân dân xã Tá Pạ. Cán bộ chiến sĩ Đồn biên phòng Ka Lăng thường xuyên gần gũi tham gia các hoạt động với bà con Nhân dân xã Tá Pạ.

Ai đã từng đến hai xã biên giới Ka Lăng, Tá Pạ (huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu), nơi dân cư đa số là đồng bào dân tộc La Hủ và dân tộc Hà Nhì, mới thấu hiểu được những khó khăn ở nơi đầu nguồn sông Đà này. Dù đã có nhiều chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ nhưng Ka Lăng và Tá Pạ đều đang có tỷ lệ hộ nghèo rất cao (trên 70%), thu nhập bình quân chưa đạt 6 triệu đồng/người/năm.

Chính vì vậy, việc hỗ trợ đồng bào La Hủ, Hà Nhì ở Tá Pạ, Ka Lăng xóa đói giảm nghèo là nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên, của chính quyền và các tổ chức trên địa bàn nhằm san sẻ khó khăn với bà con trên hành trình giảm nghèo.

Đồn Biên phòng (BP) Ka Lăng là một điển hình trong công tác giúp đỡ đồng bào. Thời gian qua, cùng với việc thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ đường biên thuộc địa bàn hai xã Ka Lăng và Tá Pạ, Đồn đã tập trung giúp Nhân dân phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo.

Thiếu tá Nông Văn Hơn, Chính trị viên Đồn BP Ka Lăng cho biết, cán bộ, chiến sĩ ở đây thường xuyên cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng địa phương với bà con. Mùa trồng trọt thì lên nương cùng bà con trồng ngô, hướng dẫn bà con cách phòng trừ sâu bệnh; mùa thu hoạch thì cùng bà con đi gặt lúa, đập lúa…

Theo Thiếu tá Hơn, để gần gũi với bà con thì phải thực hiện tốt phương châm “4 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng địa phương). Chưa biết tiếng của bà con thì phải học, học từng câu, từng chữ; cách học cũng đa dạng, vừa học trong lúc “cùng ăn”, “cùng ở”, “cùng làm” với bà con, vừa học từ đồng đội là người địa phương.

Chia sẻ về cách học ngôn ngữ bản địa, Trung úy Sừng Phi Hùng, dân tộc Hà Nhì, Đội trưởng đội vũ trang của Đồn cho rằng, trong quá trình công tác địa bàn, khó khăn lớn nhất đối với các chiến sĩ là sự khác biệt về ngôn ngữ.

“Do đó chiến sĩ phải tích cực học tiếng, tích lũy vốn từ vựng. Học từ bữa cơm, từ trong sinh hoạt hằng ngày. Mình ăn cơm, uống nước, hỏi ăn cơm là gì, uống nước là gì,… cứ thế bà con dạy mình”, anh Hùng cho biết.

Cán bộ chiến sĩ Đồn biên phòng Ka Lăng giúp các hộ ở bản Là Si dựng nhà. Cán bộ chiến sĩ Đồn biên phòng Ka Lăng giúp các hộ ở bản Là Si dựng nhà.

Nhờ thực hiện tốt phương châm “4 cùng”, nhất là việc hiểu được ngôn ngữ của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Ka Lăng đã hỗ trợ hiệu quả đồng bào Hà Nhì, La Hủ ở Ka Lăng và Tá Pạ phát triển kinh tế, thực hiện nhiều mô hình kinh tế phù hợp. Chỉ tính trong năm 2018, Đồn đã triển khai mô hình trồng ngô lai với diện tích 2ha để bà con thăm quan, học hỏi. Hiện đã có hơn 60% hộ dân xã Ka Lăng và 5 hộ xã Tá Bạ học tập và làm theo đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Nói về những đóng góp của Đồn BP Ka Lăng đối với sự phát triển của địa phương, Chủ tịch UBND xã Tá Pạ, ông Lỳ Nhù Chừ phấn khởi cho biết: Không chỉ giúp dân phát triển kinh tế, ổn định đời sống mà cán bộ, chiến sĩ còn tích cực tham gia Chương trình “Nâng bước chân em tới trường” đơn vị đang hỗ trợ và đỡ đầu 2 em học sinh ở xã Tá Pạ.

Cùng với đó, đơn vị đã giúp bà con bản Là Si (Tá Pạ) dựng 6 căn nhà tình nghĩa; giúp 2 trường mầm non tại 2 xã Tá Pạ và Ka Lăng đổ sân bê tông với tổng diện tích 250m2; giúp bà con làm đường nội bản với chiều dài 5,7km… Những công trình này đã góp phần làm thay đổi diện mạo Ka Lăng, Tá Pạ, thêm động lực cho bà con xóa đói giảm nghèo, thêm niềm tin để cùng Bộ đội Biên phòng bảo vệ vững chắc đường biên, cột mốc của Tổ quốc.

HOÀI DƯƠNG