Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Hoạt động xuất khẩu lao động: Quản lý lỏng lẻo, người dân lãnh đủ

PV - 10:08, 24/04/2018

Siết chặt quản lý doanh nghiệp xuất khẩu lao động (XKLĐ) đã được nhắc đến nhiều lần, nhiều năm nay, nhưng vi phạm trong lĩnh vực này vẫn xảy ra.

Đặc biệt, những vi phạm trong lĩnh vực XKLĐ đưa đến hệ lụy là hàng nghìn gia đình nghèo, hộ đồng bào DTTS vốn đã khó khăn lại càng điêu đứng.

Hệ lụy từ “cò” XKLĐ

Nghệ An là địa phương dẫn đầu cả nước về XKLĐ. Số liệu của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tỉnh này cho thấy, bình quân mỗi năm có 12.000-13.000 người đi lao động ở nước ngoài.

Năm 2017, cả nước đưa được 134.751 lao động đi nước ngoài làm việc thì tỉnh Nghệ An đã có 13.180 người đi XKLĐ. Theo kế hoạch, năm 2018, Nghệ An phấn đấu đưa 12.000 đến 13.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Chị Lê Thị Thủy, một người dân ở xã Mường Nọc (Quế Phong, Nghệ An) vay 60 triệu đồng để cho con trai là Sầm Văn Phi đi XKLĐ ở Đài Loan nhưng không đi được. (Ảnh Phạm Bằng) Chị Lê Thị Thủy, một người dân ở xã Mường Nọc (Quế Phong, Nghệ An) vay 60 triệu đồng để cho con trai là Sầm Văn Phi đi XKLĐ ở Đài Loan nhưng không đi được. (Ảnh Phạm Bằng)

 

Số lượng lao động được đưa đi làm việc ở nước ngoài đông là vậy nhưng nghịch lý là, hầu hết các cơ sở thực hiện chức năng XKLĐ trên địa bàn tỉnh Nghệ An chủ yếu là văn phòng, chi nhánh đại diện, rất ít đơn vị “chính chủ”. Đây là kẽ hở để nhiều đối tượng lợi dụng, mạo danh để lừa đảo XKLĐ.

Có thể kể đến vụ việc hàng chục lao động là người DTTS ở huyện 30a Quế Phong bị lừa XKLĐ sang Đài Loan từ cái “mác” Chi nhánh Công ty Cổ phần SIMCO Sông Đà (trụ sở chính đóng tại Hà Nội). Theo báo cáo của Phòng LĐTB&XH huyện Quế Phong, năm 2014, Công ty Cổ phần SIMCO Sông Đà mở Chi nhánh tại huyện này và triển khai tuyển dụng lao động trên địa bàn. Trong hai năm 2014 và 2015, toàn huyện có 51 lao động đã nộp tiền cho Chi nhánh, với tổng số tiền là 2,749 tỷ đồng nhưng không được đi XKLĐ.

Đến nay, đã qua 4 năm nhưng số tiền đã nộp cho Chi nhánh này vẫn chưa được hoàn trả. Trong khi đó, đa số các lao động đều phải đi vay ngân hàng với số tiền từ 60-120 triệu đồng/người; từ ước mơ thoát nghèo, hàng chục gia đình lại càng lao đao vì khoản lãi vay ngân hàng hằng tháng, chưa kể khoản vay gốc không biết đến bao giờ mới trả được.

Chỉ phạt tiền là chưa đủ răn đe

Để chấn chỉnh hoạt động XKLĐ, thời gian qua, Bộ LĐTB&XH cũng đã có một số chế tài để xử lý, nhưng chủ yếu mới ở việc xử phạt hành chính. Theo đó, nếu cơ quan chức năng phát hiện việc doanh nghiệp thu phí cao hơn mức quy định, sẽ xử phạt hành chính từ 80-100 triệu đồng. Nếu doanh nghiệp vẫn tiếp tục vi phạm, ngoài việc bị xử phạt còn bị đình chỉ hoạt động, nặng hơn nữa sẽ thu hồi giấy phép.

Số liệu của Bộ LĐTB&XH, từ năm 2016 đến nay, Bộ đã tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thu phí, tuyển chọn, đào tạo lao động trước khi xuất cảnh với gần 60 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Qua đó, Bộ đã thu hồi giấy phép của 6 doanh nghiệp và đình chỉ hoạt động của 5 doanh nghiệp; xử phạt 31 doanh nghiệp. Tổng số tiền phạt từ 2016 đến hết 2017 gần 4 tỷ đồng.

Tuy nhiên, mọi nỗ lực dường như không ngăn chặn được “lòng tham” của các doanh nghiệp. Vì vậy, trong dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đang được đưa ra lấy ý kiến, Bộ LĐTB&XH đã đưa ra các đề xuất sửa đổi, bổ sung một số hành vi vi phạm, mức xử phạt đối với một số hành vi vi phạm pháp luật lao động, an toàn, vệ sinh lao động. Trong đó, Bộ đề xuất nâng mức phạt lên tới 200 triệu đồng đối với hành vi vi phạm trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Nhưng liệu việc nâng mức xử phạt có phải là giải pháp căn cơ để xử lý các vi phạm trong lĩnh vực XKLĐ? Có lẽ là không bởi với mức xử phạt nêu trên, thậm chí dù có nâng lên nữa, thì cũng là “bèo” so với số tiền doanh nghiệp thu được từ người lao động nếu cố tình vi phạm.

Quan trọng hơn, cốt lõi của việc ngăn chặn vi phạm trong lĩnh vực XKLĐ là công tác quản lý của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, chế tài để siết chặt quản lý đối với lĩnh vực này còn rất lỏng lẻo.

Theo thống kê, cả nước hiện có khoảng 214 doanh nghiệp được cấp Giấy phép hoạt động XKLĐ, trong đó 152 doanh nghiệp có trụ sở tại Hà Nội. Đây là con số không nhiều; nhưng mỗi doanh nghiệp lại được quyền lập Chi nhánh, dưới Chi nhánh lại có các trung tâm,… Vì thế, hiện chẳng có cơ quan hay chính quyền địa phương nào có thể thống kê được trên thực tế có bao nhiêu đơn vị XKLĐ. Đây là lỗ hổng vô cùng lớn trong việc siết chặt quản lý lĩnh vực XKLĐ.

KHÁNH THƯ