Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Hoạt động kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách dân tộc: Còn tình trạng nể nang, né tránh (Bài 2)

Thuý Hồng - 12:01, 04/07/2022

Thông qua công tác giám sát của HĐND các cấp đã được phát hiện, tháo gỡ, giảm bớt các điểm “nóng” sai phạm. Tuy nhiên, hoạt động giám sát ở cấp cơ sở vẫn còn nhiều bất cập. Các kiến nghị giải quyết vấn đề sau kiểm tra giám sát vẫn chưa được giải quyết kịp thời, triệt để. Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều chương trình, chính sách dân tộc triển khai kém hiệu quả.

Thời gian qua, nhiều công trình nước sạch vùng đồng bào DTTS bị bỏ hoang, không phát huy hiệu quả
Thời gian qua, nhiều công trình nước sạch vùng đồng bào DTTS bị bỏ hoang, không phát huy hiệu quả

Vẫn còn tâm lý e ngại

Trong những năm gần đây, hoạt động kiểm tra, giám sát của HĐND các cấp đã có nhiều cải tiến, đổi mới, chất lượng và hiệu quả ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, so với chức năng, quyền hạn của HĐND được pháp luật quy định còn nhiều hạn chế.

Theo quy định của Hiến pháp, pháp luật về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trong hoạt động kiểm tra, giám sát thì lớn, nhưng những quy định để bảo đảm quyền, nhiệm vụ, vị trí được tôn trọng và thực thi vẫn chưa được hoàn thiện; cơ cấu tổ chức còn bất hợp lý. 

Cụ thể, đối với HĐND cấp huyện và xã, việc cơ cấu đại biểu HĐND chuyên trách tham gia trong cấp ủy chưa tương xứng, nhất là ở các ban của HĐND. Ở cấp huyện, hầu hết cấp Trưởng hoặc Phó trưởng ban chuyên trách không cơ cấu cấp ủy cùng cấp. Từ chỗ ít có chỗ đứng trong cấp ủy, dẫn đến thực tế có tình trạng “xem nhẹ” vai trò của cơ quan dân cử. Đối với cấp xã, khi chủ tài khoản còn là chủ tịch UBND, thì cho dù có phát hiện ra sai phạm thì cũng sẽ chỉ dừng lại ở mức độ “đóng cửa bảo nhau”.

Cứ nhìn vào lĩnh vực sai phạm sẽ hiểu được vai trò, trách nhiệm trong kiểm tra, giám sát của HĐND các cấp. Lĩnh vực sai thường là tài chính - ngân sách, đầu tư công, đất đai… Còn người sai phạm thường là người có quyền quyết định, người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước. Có những đại biểu tâm huyết, trách nhiệm, nhưng nếu lỡ dấn thân sẽ gặp phải những bất lợi. 

Hiện nay, do sự ràng buộc trong quan hệ công tác, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động, vai trò giám sát theo đúng tinh thần luật định. Mặc dù, hiện cũng có những địa phương HĐND vẫn tự quyết theo luật định và chính kiến đại biểu nhưng chưa nhiều.

Đâu đó vẫn còn tâm lý ngại va chạm, năng lực để triển khai hoạt động giám sát còn hạn chế, chưa thể hiện được vị trí vai trò của cơ quan dân cử. “Ông Phó Chủ tịch HĐND xã làm đúng chức trách nhiệm vụ thì được, nhưng nhiều khi khả năng, năng lực không tới, nói ra Bí thư, Chủ tịch phản ứng lại thì lại thôi”, ông Hoàng Văn Quân, Phó Chủ tịch HĐND huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn thẳng thắn chia sẻ.

Ngay như đối với các Ban Pháp chế, Ban Kinh tế ở cấp xã được thành lập để tổ chức theo dõi, đánh giá việc chấp hành các quy định về quản lý đầu tư theo dự án của từng địa phương, nhưng hoạt động vẫn chưa thực sự hiệu quả. Nguyên nhân, do Trưởng ban là trưởng ngành đoàn thể của xã, như: Trưởng Hội Phụ nữ xã, văn hóa xã… còn thành viên là các Trưởng thôn, Bí thư Chi bộ thôn… là cán bộ cấp dưới, có nhiều ràng buộc, nên có phần e ngại, né tránh. Mặt khác trình độ, năng lực của các ban giám sát này cũng chưa đủ để tổ chức hoạt động kiểm tra, giám sát một chương trình độc lập.

Bà Nguyễn Thị Sửu, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, việc hình thành ban giám sát cộng đồng, cần có tiêu chí lựa chọn các thành viên. Nếu không cũng chỉ là một tổ chức dựng lên hình thức, mà không hiệu quả.

Trên thực tế, có rất nhiều đại biểu HĐND không chỉ có trí tuệ mà còn rất bản lĩnh, trách nhiệm trước những bức xúc ở cơ sở, trong việc bảo vệ quyền lợi cho cử tri và người dân. Tuy nhiên, chỉ tâm huyết, trách nhiệm của đại biểu dân cử thôi thì dường như chưa đủ, bởi một bàn tay thì vỗ không thành tiếng.

Nhiều vụ việc chưa được xử lý dứt điểm

Thời gian qua, cùng với chất vấn, HĐND nhiều địa phương đã đặc biệt quan tâm giám sát chuyên đề các vấn đề cử tri, Nhân dân bức xúc, có nhiều ý kiến. Có thể kể đến như vấn đề quản lý đất đai, chế độ chính sách, thời gian gần đây là các chuyên đề chế độ chính sách trong phòng, chống Covid-19, quản lý vật tư y tế...

Như tại Cao Bằng, giai đoạn 2019 - 2021, toàn tỉnh tiếp nhận 12 báo cáo tổng hợp kiến nghị của cử tri với 444 lượt kiến nghị tại các kỳ họp HĐND tỉnh. Trong đó, 26 kiến nghị lĩnh vực nông, lâm nghiệp, 23 kiến nghị thủy lợi, nước sinh hoạt, 14 kiến nghị công nghiệp, 65 kiến nghị đầu tư xây dựng, 123 kiến nghị giao thông - vận tải, 64 kiến nghị tài nguyên - môi trường, 82 kiến nghị chế độ, chính sách, 33 kiến nghị văn hóa, giáo dục, y tế, 5 kiến nghị nông thôn mới... HĐND các cấp đã trả lời, giải quyết 344 kiến nghị, đang giải quyết 52 kiến nghị, chưa giải quyết 48 kiến nghị.

Theo ông Bàn Quý Sơn, Trưởng Ban Dân tộc - HĐND tỉnh Cao Bằng, khó khăn phức tạp nhất vẫn là vấn đề liên quan đến đất đai. Ví dụ, trước đây, công tác quy hoạch đất đai còn hạn chế, nhiều khu đất vẫn bị bỏ hoang, khi kiểm tra, giám sát phát hiện rồi, nhưng vẫn rất khó xử lý.

Chợ xã Bản Sen, huyện Vân Đồn, Quảng Ninh đã xây dựng xong nhưng không hoạt động
Chợ xã Bản Sen, huyện Vân Đồn, Quảng Ninh đã xây dựng xong nhưng không hoạt động

Đối với huyện miền núi Quỳnh Nhai (Sơn La) đã được tiếp cận các nguồn vốn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế, an sinh xã hội, xây dựng các công trình nước sinh hoạt nhằm giúp chất lượng cuộc sống người dân ngày càng được nâng lên. Tuy nhiên, có rất nhiều công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn tại các xã dù được đầu tư với chi phí lên đến hàng tỷ đồng, nhưng không phát huy được tác dụng, bị bỏ hoang, lãng phí ngân sách nhà nước, gây bức xúc trong Nhân dân.

Điển hình như tại bản Khoang (xã Pá Ma Pha Khinh) được Nhà nước đầu tư xây bể nước tập trung cách đây hơn 10 năm, cho các hộ di dời từ vùng ngập lòng hồ chuyển về theo dự án di dân tái định cư thủy điện Sơn La.

Theo phản ánh của người dân, hiện nay, hầu hết các công trình đã xuống cấp không còn hoạt động, một số bể nước bị bỏ hoang từ nhiều năm. Vào mùa khô, người dân trong bản phải sống trong cảnh thiếu nước sinh hoạt, một số hộ phải dùng can, xô xuống lấy nước từ sông Đà về sử dụng.

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quỳnh Nhai, cả huyện có 132 công trình nước sinh hoạt tập trung nông thôn, thì có tới 60 công trình không còn hoạt động, 51 công trình hoạt động kém hiệu quả.

Rõ ràng cơ quan chức năng của huyện Quỳnh Nhai đã kiểm tra, rà soát, nắm bắt thông tin từ các dự án. Tuy nhiên các cấp chính quyền địa phương vẫn chưa có giải pháp xử lý, giải quyết những bất cập vướng mắc này. Trong khi người dân phải sử dụng nước từ mó, khe suối, nước mưa thì các công trình cấp nước sạch này được xây dựng với chi phí lên tới hàng tỷ đồng để rồi “đắp chiếu”.

Thực tế cho thấy, các cuộc giám sát của HĐND thời gian qua được thực hiện chưa thường xuyên, chủ yếu do Thường trực và các ban của HĐND. Trong khi đó các tổ đại biểu và đại biểu tham gia giám sát còn ít, chủ yếu tại kỳ họp; một số cuộc giám sát còn dàn trải, mang tính hình thức; kỹ năng giám sát chưa khoa học; một số kết luận sau giám sát thiếu cụ thể; chưa sử dụng các chế tài đã được pháp luật quy định.

Ở góc nhìn khác, nguyên nhân dẫn tới các hạn chế nêu trên, có thể do các đại biểu HĐND nhận thức chưa đúng hoặc chưa đầy đủ về chức năng giám sát của HĐND. Trong đó không loại trừ về năng lực, trình độ và sự thiếu bản lĩnh, trách nhiệm của một số đại biểu. Đặc biệt, sau giám sát, kiểm tra phát hiện thiếu sót, vướng mắc chính là thanh tra, nhưng đó lại là thẩm quyền của các cơ quan chức năng khác. Vì vậy, cần phải công khai, minh bạch, thực chất, trách nhiệm thì mới phát huy tối đa hiệu quả giám sát các chương trình chính sách ở cơ sở.