Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Hoàng Su Phì (Hà Giang): Tích cực đưa văn hóa truyền thống giảng dạy trong trường học

PV - 09:51, 03/03/2023

Huyện Hoàng Su Phì có 13 dân tộc sinh sống, do các yếu tố về địa lý, địa hình nên Nhân dân còn bảo tồn, lưu giữ được nhiều vốn văn hóa truyền thống độc đáo và đa dạng, mang đặc trưng của mỗi dân tộc, vùng miền, đóng góp to lớn vào kho tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam nói chung. Tuy nhiên do tác động của mặt trái cơ chế thị trường, sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện nghe nhìn, thông tin truyền thông cùng sự giao thoa tiếp biến văn hóa giữa các dân tộc, các địa phương diễn ra mạnh nên nhiều vốn văn hóa truyền thống của Nhân dân đã và đang có nguy cơ bị biến dạng và mai một.

Hoạt động ngoại khóa gắn với gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống thu hút các em học sinh tham gia
Hoạt động ngoại khóa gắn với gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống thu hút các em học sinh tham gia

Dưới ánh sáng Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Từ năm 2017, huyện Hoàng Su Phì đã triển khai thực hiện Đề án Giáo dục kĩ năng sống và văn hóa truyền thống các DTTS cho học sinh phổ thông. Ban Giám hiệu các trường xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động theo từng năm làm cơ sở cho việc triển khai thực hiện tại các nhà trường.

Bên cạnh đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện hướng dẫn các đơn vị trường Tiểu học, THCS áp dụng bộ tài liệu Giáo dục kỹ năng sống và văn hóa truyền thống dành cho học sinh phổ thông và bộ vở tập viết từ lớp 2 đến lớp 5 có nội dung văn hóa địa phương.

Căn cứ điều kiện thực tiễn và đặc trưng văn hóa của mỗi địa phương, mỗi vùng miền, các trường học lại có cách làm sáng tạo riêng như tổ chức cho học sinh tìm hiểu các làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc, mời hội viên Hội Nghệ nhân dân gian giới thiệu nét đẹp văn hóa truyền thống và truyền dạy các điệu múa, bài hát, trò chơi dân gian truyền thống, kỹ năng thêu, dệt thổ cẩm, chạm khắc bạc, đan lát, chế tác nhạc cụ dân tộc cho học sinh. Mặt khác, những em học sinh có hiểu biết hoặc nắm giữ tri thức văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc tham gia truyền dạy lại cho các bạn cùng dân tộc trong trường. Bên cạnh đó, các nhà trường còn tổ chức cho học sinh đi thực tế để nghiên cứu, tìm hiểu các di tích, di sản trên địa bàn đã được xếp hạng các cấp, như: Danh thắng Quốc gia ruộng bậc thang, nghề chạm khắc bạc của dân tộc Nùng, các lễ thức văn hóa dân gian. Từ đó vừa cao nâng cao nhận thức, đồng thời giáo dục tinh thần tự hào dân tộc cho các em.

Để triển khai hiệu quả hoạt động truyền dạy văn hóa trong nhà trường, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện tổ chức luân phiên các buổi hội thảo tại các nhà trường để đánh giá, rút kinh nghiệm về cách làm, trong đó nhấn mạnh việc phát huy vai trò phối hợp giữa Hội Nghệ nhân dân gian các xã và các nhà trường, đồng thời hướng dẫn các trường lựa chọn những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc, nhất là những vốn văn hóa đã và đang có nguy cơ bị mai một để truyền dạy theo nguyên mẫu chứ không cách điệu hoặc lai tạp với mục đích là bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của mỗi dân tộc.

Đến nay, 100% các trường học đã thực hiện đưa văn hóa truyền thống các dân tộc vào vào giảng dạy, mỗi tuần các nội dung được thực hiện lồng ghép trong tiết sinh hoạt dưới cờ hàng tuần, hoạt động ngoại khóa, hoạt động tập thể giữa giờ và lồng ghép trong hoạt động Đội. Để hỗ trợ cho các nhà trường, các xã đã có sự phối hợp tích cực trong việc bố trí các nghệ nhân tham gia truyền dạy văn hóa truyền thống cho học sinh. Tiêu biểu như xã Hồ Thầu, Nậm Dịch, Bản Phùng, Thông Nguyên.

Cùng với việc truyền dạy văn hóa truyền thống, từ năm 2022 các nhà trường cũng dành thời gian để hướng dẫn, bổ sung cho học sinh các kiến thức về bài trừ hủ tục. Việc truyền dạy văn hóa truyền thống trong các nhà trường được tiến hành đều đặn và liên tục đã giúp học sinh có điều kiện tiếp thu và thực hành các hoạt động văn hóa ngày càng thành thạo. Bên cạnh đó các trường cũng dành không gian và kinh phí để xây dựng các góc, phòng văn hóa truyền thống để giáo dục và lưu trữ các giá trị văn hóa của địa phương về trang phục, lễ hội, nông sản, đồ dùng lao động sản xuất… Cùng với việc truyền dạy văn hóa truyền thống, một số trường còn truyền dạy nghề truyền thống như trồng bông dệt vải ở xã Bản Phùng, nghề đan lát, thêu thổ cẩm ở xã Hồ Thầu, Bản Máy, Nậm Ty, Thông Nguyên, Thèn Chu Phìn, Chiến Phố... học sinh bước đầu đã thực hiện được và có sản phẩm.

Có thể nói, những kết quả trong việc đưa văn hóa truyền thống vào truyền dạy trong trường học đã góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của cộng đồng Nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện một cách đồng bộ và bền vững, góp phần vào sự phát triển toàn diện của tỉnh Hà Giang nói chung và huyện Hoàng Su Phì nói riêng.