Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Họa mi của núi rừng Tây Nguyên

Thùy Dung - 15:59, 31/05/2021

Hơn 40 năm qua Đại tá, Nghệ sĩ Nhân dân Rơ Chăm Phiang, dân tộc Gia Rai đã không ngừng nỗ lực để cống hiến cho nền âm nhạc nước nhà. Bà đã ghi nhiều dấu ấn với người hâm mộ khi chinh phục được rất nhiều giải thưởng lớn, nhỏ trong và ngoài nước. Đặc biệt, bà còn được xem là một trong những giọng Opera hiếm có của Việt Nam.

Đại tá, Nghệ sĩ Nhân dân Rơ Chăm Phiang
Đại tá, Nghệ sĩ Nhân dân Rơ Chăm Phiang

Chúng tôi gặp Đại tá, Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Rơ Chăm Phiang vào những ngày cuối tháng 4 tại một quán cà phê quen thuộc bà hay ghé qua mỗi khi về phố núi Pleiku. Bên ly cà phê nóng, bà chậm rãi kể về những thăng, trầm buồn vui trong cuộc đời làm nghệ thuật của bà.

NSND Rơ Chăm Phiang chia sẻ, quê tôi ở làng Bua, xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ (Gia Lai). Từ nhỏ, tôi đã bao lần chứng kiến cảnh địch thả bom và đi càn quét dân làng. Thấu hiểu những đau thương mất mát do chiến tranh gây ra, năm 12 tuổi, tôi đã tham gia vào đoàn văn công nhằm cổ vũ, phục vụ đời sống tinh thần cho các chiến sĩ đang chiến đấu để bảo vệ quê hương đất nước. Sau này, qua quá trình học tập và được đào tạo bài bản, khán giả lại biết đến tôi qua nhạc Opera thính phòng, các ca khúc cách mạng và các bài hát về Tây Nguyên như: “Tháng ba Tây Nguyên”, “Ngọn lửa cao nguyên”, “Cô gái vót chông”, “Bóng cây Kơ Nia”…

Trong mạch cảm xúc xưa cũ, bà bắt đầu kể về hành trình xa xứ để chinh phục con đường nghệ thuật của mình. Bà từng tốt nghiệp Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Sau này bà về công tác tại Đoàn ca múa Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam. Năm 1993, bà xuất sắc là 1 trong 4 người vượt qua 20 đối thủ để được cử đi tu nghiệp tại Học viện âm nhạc Tchaikovsky (Liên Bang Nga) theo xuất học bổng của Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam. Sau 2 năm học ở nước ngoài bà về nước và trở thành Giảng viên Thanh nhạc của Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội.

Giọng ca của NSND Rơ Chăm Phiang được đánh giá là giọng ca hiếm có của Việt Nam
Giọng ca của NSND Rơ Chăm Phiang được đánh giá là giọng ca hiếm có của Việt Nam

“Những ngày tháng xa xứ, tôi phải vượt qua nỗi nhớ đơn vị, nhớ quê hương. Không ít lần nước mắt mình chảy ngược vào trong vì tủi thân, cô đơn nơi xứ người, nhưng đổi lại đã có một Phiang ngày hôm nay. Thời gian theo học tại Học viện âm nhạc Tchaikovsky, tôi đã được học hàng trăm bài hát bằng nhiều thứ tiếng khác nhau như Ý, Pháp, Đức, Tây Ban Nha,… được tiếp cận âm nhạc thế giới và nhiều bạn hữu. Qua 2 năm tu luyện, tôi trở về Việt Nam và bắt đầu con đường dạy nhạc”, Nghệ sĩ Nhân dân Rơ Chăm Phiang chia sẻ.

Trời bắt đầu đổ nắng vàng rực bên con phố nhỏ, NSND Phiang trân trọng mời chúng tôi ghé thăm buổi tổng duyệt cho live show: “Tiếng hát chim họa mi Tây Nguyên” của bà  được tổ chức vào tối ngày 24/4 tại Pleiku.

Bà hào hứng kể: Dòng máu Tây Nguyên vẫn hừng hực chảy trong người tôi, dù đi đâu về đâu tôi cũng mong trở về và được hát trên mảnh đất mình sinh ra như một lời cảm ơn đến quê hương. Từ những cơ duyên đã kết nối tôi với Ban Liên lạc những người tham gia cách mạng qua các thời kỳ kháng chiến, UBND thành phố Pleiku, Sở Văn hóa- Thể thao Du lịch tỉnh Gia Lai mà tôi đã được hỗ trợ, tổ chức đêm nhạc “Họa mi của núi rừng Tây Nguyên”.

Chúng tôi bắt đầu di chuyển về khán phòng Nhà Thiếu nhi TP. Pleiku, bà thay trang phục truyền thống của người Gia Rai, cùng với phần múa phụ họa của các diễn viên của Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San, bà cất những câu hát đầu tiên: “Em con chim nhông, con chim kơ tia, con công tung cánh/Này chim có hay rằng ai thương ai quý Bác Hồ bằng người Tây Nguyên/Ơ, đỉnh núi Chư Prông bất khuất oai hùng/Dòng suối Adam trong suốt thành kính hát dâng/Bác Hồ sống mãi bên ta trong mỗi nhà bên nương rẫy thân yêu/Trong điệu sáo tiếng đàn t'rưng”.

Đó là những câu hát đầu tiên trong tác phẩm: “Bác Hồ sống mãi với Tây Nguyên”, với giọng hát cao vút, kỹ thuật điêu luyện. Xuyên suốt chương trình, bà tiếp tục thể hiện những ca khúc Tây Nguyên gắn với tên tuổi bà như: “Tháng ba Tây Nguyên”, “Mùa xuân Tây Nguyên”, “Cánh chim báo tin vui”,…

Với sự cống hiến của mình dành cho âm nhạc, NSND Rơ Chăm Phiang vinh dự nhận được rất nhiều giải thưởng trong và ngoài nước như: Giải Ba cuộc thi hát thính phòng “Hoa cẩm chướng đỏ” ở Nga năm 1983; Huy chương Vàng Âm nhạc quốc tế mùa xuân Bình Nhưỡng năm 1990; Giải Nhất liên hoan “Giọng hát vàng ASEAN” năm 1996; Huy chương Vàng Hội diễn toàn quốc 1980;…. cùng rất nhiều giải thưởng khác. Năm 1997, bà được phong tặng Nghệ sĩ ưu tú và năm 2019 bà được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.

Tiếng hát của NSND Phiang kéo chúng tôi lại đến cuối buổi tổng duyệt. Trước mắt chúng tôi là người nghệ sĩ năm nay đã gần 60 tuổi, nhưng vẫn mang đậm vẻ đẹp của người con gái Tây Nguyên rất mộc mạc, gần gũi và một chút hương sắc Hà Nội.

Chị Thanh Huyền, người học trò Hà Nội đã có gần 20 năm vừa học vừa đồng hành cùng NSND Phiang cho biết: “Cô Phiang ghi dấu ấn với từng thế hệ đó là sự nghiêm túc, chỉn chu với nghề. Đồng thời, bằng giọng hát của mình, cô đã thắp lửa đam mê cho các thế hệ học trò để nuôi dưỡng con đường âm nhạc. Không chỉ là người thầy trên giảng đường, cô còn hỗ trợ, kết nối với các đơn vị để các học trò của mình có công việc ổn định sau khi ra trường”.

Tuy nhiên, NSND Rơ Chăm Phiang vẫn còn những trăn trở, bà lo không tìm được người kế cận và phát huy được giọng ca Tây Nguyên. NSND Rơ Chăm Phiang chia sẻ: “Hi vọng thế hệ trẻ trong cả nước nói chung và Tây Nguyên nói riêng có đam mê âm nhạc tiếp nối đàn anh chị đi trước như Siu Black, NSND Y Moan hay Rơ Chăm Phiang.... để đưa âm nhạc Tây Nguyên vươn xa hơn và sống mãi với thời gian”.