Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Hòa Bình: Chương trình MTQG 1719 thúc đẩy phát triển vùng DTTS, miền núi

Ánh Hà Hương - 08:23, 28/11/2023

Nhiều năm qua, các chương trình, dự án, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước đã tập trung các nguồn lực đầu tư toàn diện cho vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, nhờ đó đã tạo ra diện mạo mới cho vùng cao, miền núi của tỉnh. Đặc biệt, từ năm 2021 đến nay, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021- 2030 (Chương trình MTQG 1719) đang được triển khai trên địa bàn tỉnh đã mang đến “luồng gió mới” để vùng đồng bào DTTS chuyển mình đổi thay toàn diện.

Hệ thống đường giao thông nông thôn tại xã nông thôn mới Quyết Chiến, huyện Tân Lạc hôm nay. (Ảnh DL)
Hệ thống đường giao thông nông thôn tại xã nông thôn mới Quyết Chiến, huyện Tân Lạc hôm nay. (Ảnh DL)

Diện mạo mới tại các xã vùng DTTS

Quý Hòa là xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn của huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình. Toàn xã có 1.373 hộ gia đình với 6.200 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mường. Từ năm 2021 đến nay, nhờ có sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, xã Quý Hòa đã được đầu tư nguồn lực từ 3 chương trình mục tiêu quốc gia gồm: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), Chương trình xây dựng nông thôn mới và Chương trình giảm nghèo bền vững. Nhờ đó xã đã tập trung phát triển, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn.

Hiện nay, các tuyến đường liên xã, liên xóm cơ bản được nhựa hóa, bê tông hóa, thuận lợi cho việc đi lại của Nhân dân. Tại thời điểm này, đường xóm Thang đang thi công; đường xóm Thêu đang hoàn tất hồ sơ; đường nội thôn xóm Củ chuẩn bị thi công.... Chiến dịch toàn dân làm đường giao thông nông thôn đạt kết quả tích cực. Các tuyến đường hư hỏng, xuống cấp được kịp thời tu sửa, đảm bảo nhu cầu vận chuyển hàng hóa và đi lại của người dân. Dự kiến năm 2025, xã Quý Hòa sẽ hoàn thành tiêu chí giao thông trong xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục trong các trường học cũng được chú trọng đầu tư, tạo điều kiện cho con em đồng bào các DTTS được học tập thuận lợi. Trạm y tế xã cũng được đầu tư khang trang, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân. Từ đầu năm 2023 đến nay, Trạm Y tế đã khám, chữa bệnh cho gần 1.000 lượt người.

Nhà văn hóa xóm Ốc, xã Thượng Cốc (huyện Lạc Sơn) được đầu tư nâng cấp từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719.(Ảnh PL)
Nhà văn hóa xóm Ốc, xã Thượng Cốc (huyện Lạc Sơn) được đầu tư nâng cấp từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719.(Ảnh PL)

Cuộc sống người dân từng bước được cải thiện, người dân quan tâm nhiều hơn đến việc tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, nâng cao sức khỏe, đời sống tinh thần. Hiện nay, 11/12 nhà văn hóa của các xóm phát huy hiệu quả là nơi sinh hoạt cộng đồng. 1 nhà văn hóa đang được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719, giai đoạn 2021-2025. Người dân trong xã được dùng điện và nước sạch sinh hoạt.

Ông Bùi Văn Trường, Quyền Chủ tịch UBND xã Quý Hòa khẳng định, với sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, của tỉnh và huyện, kinh tế- xã hội của xã có nhiều khởi sắc. Cơ sở hạ tầng được đầu tư, người dân có ý thức vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn trên 28%, hộ cận nghèo trên 31% (đều giảm so với năm 2022). Ước đến hết năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 45 triệu đồng/năm.

Còn tại huyện Tân Lạc, trước đây xã Quyết Chiến thuộc diện xã đặc biệt khó khăn, giao thông không thuận lợi. Tuy nhiên, nhờ biết tận dụng tối đa, lồng ghép hiệu quả nguồn vốn từ các chương trình, dự án, trong đó có Chương trình MTQG 1719, năm 2021, xã Quyết Chiến đã chính thức được công nhận là xã nông thôn mới.

Ông Bùi Văn Quang, Chủ tịch UBND xã Quyết Chiến cho biết: Ngay khi xây dựng kế hoạch xã nông thôn mới, xã đã huy động mọi nguồn lực từ Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn. Ngoài ra, từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719 xã đã hỗ trợ, tạo sinh kế cho người dân, từ đó góp phần thực hiện thành công các tiêu chí khó thực hiện trước đây, như: tiêu chí thu nhập, phát triển mô hình sản xuất, giảm nghèo...

Công trình nước sinh hoạt xóm Tiện, xã Thung Nai, huyện Cao Phong được đầu tư từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719 (Ảnh: Hà Việt Lâm)
Công trình nước sinh hoạt xóm Tiện, xã Thung Nai, huyện Cao Phong được đầu tư từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719 (Ảnh: Hà Việt Lâm)

Dồn tổng lực để đầu tư, hỗ trợ các xã vùng DTTS

Không chỉ ở Quý Hòa, Quyết Chiến mà nhiều xã vùng đặc biệt khó khăn, vùng DTTS và miền núi của tỉnh Hòa Bình đã sử dụng hiệu quả nguồn lực hỗ trợ từ 3 chương trình MTQG để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, tạo nên diện mạo mới cho vùng nông thôn, miền núi. Bà Đinh Thị Thảo, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình cho biết: Thực hiện Dự án 4 về đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống thuộc Chương trình MTQG 1719, trong 2 năm (2022 - 2023), tỉnh Hòa Bình được phân bổ 484.155 triệu đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển 455.366 triệu đồng, vốn sự nghiệp 28.789 triệu đồng.

Từ nguồn vốn này, tỉnh đã hỗ trợ đầu tư 89 công trình nhà văn hoá, nhà sinh hoạt cộng đồng; 172 công trình giao thông (đường ngõ xóm, nội đồng); 46 công trình đường trung tâm xã, đường liên xã; 12 công trình chợ; 150 công trình sửa chữa nhà văn hoá, nhà sinh hoạt cộng đồng; 7 công trình thuỷ lợi; 5 công trình y tế được. Tính đến ngày 31/10/2023, tỉnh Hòa Bình đã giải ngân tổng nguồn vốn ngân sách Trung ương 2 năm (2022 - 2023) là 417.757 triệu đồng, trong đó vốn đầu tư là 272.231 triệu đồng; vốn sự nghiệp là 145.526 triệu đồng.

Tính đến nay, toàn tỉnh Hòa Bình đã có 8/59 xã đặc biệt khó khăn được công nhận hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, đồng thời thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn; 100% số xã vùng đồng bào DTTS có đường ô tô đến trung tâm xã; tỷ lệ trường, lớp học được xây dựng kiên cố đạt trên 97 %; tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và nguồn điện khác đạt trên 99%; tỷ lệ hộ dân được sắp xếp bố trí ổn định đạt trên 71%; tỷ lệ giảm nghèo vùng DTTS trên địa bàn tỉnh đạt 2,93%; tỷ lệ hộ nghèo các xã ĐBKK giảm bình quân 6,39%/năm. Đồng bào DTTS đã biết cách làm ăn, hạn chế tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống ổn định, góp phần giảm khoảng cách về trình độ phát triển giữa các dân tộc, các khu vực.

Mới đây (ngày 22/11/2023), Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Hoà Bình ban hành Kết luận số 955-KL/TU về Tăng cường các giải pháp tổ chức thực hiện Chương trình MTQG 1719 giai đoạn 2021- 2025, trong đó nhấn mạnh, trong những năm từ 2023-2025, Hòa Bình sẽ tiếp tục rà soát thực trạng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi để thực hiện đầu tư các công trình hạ tầng gắn với hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở các xã ĐBKK. Tiếp tục triển khai Đề án cứng hóa giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, tập trung đầu tư cứng hóa hệ thống đường giao thông đến các xã, đường liên xã, liên xóm, các tuyến đường nội đồng, đường đến các khu sản xuất (ưu tiên cho các tuyến đường kết nối với các khu vực có tiềm năng phát triển để tập trung đầu tư trước).

Bên cạnh đó, tỉnh Hòa Bình sẽ tiếp tục hoàn thiện hạ tầng thủy lợi, phòng chống thiên tai phục vụ sản xuất nông lâm nghiệp; lồng ghép hiệu quả các nguồn vốn để đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới các công trình cấp nước sạch tập trung cho các xã vùng DTTS; thúc đẩy triển khai đầu tư cải tạo lưới điện, đảm bảo cung ứng điện đáp ứng nhu cầu thiết yếu cho sản xuất và đời sống của người dân; đầu tư, nâng cấp, cải tạo các chợ tại các xã vùng DTTS nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân. 

Huy động các nguồn lực để đầu tư đồng bộ các thiết chế văn hóa cơ sở, hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin; đầu tư hạ tầng phục vụ dạy và học; đầu tư nâng cấp, cải tạo các trạm y tế vùng DTTS để đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ huy động các nguồn lực ngoài ngân sách Nhà nước đặc biệt là sự tham gia của người dân để hỗ trợ cho việc thực hiện có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh.