Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Hỗ trợ hộ khó khăn vươn lên từ cây “thuốc giấu” - Cách làm hay ở Quảng Nam

T.Nhân - H.Trường - 4 giờ trước

Trong những năm gần đây, phong trào tặng, hỗ trợ giống cây sâm Ngọc Linh từ các cấp chính quyền, doanh nghiệp, đảng viên ở huyện miền núi Nam Trà My (Quảng Nam) đã giúp cho hàng chục hộ đồng bào Xơ Đăng thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Không những thế, hàng tháng, huyện đều tổ chức các phiên chợ sâm và dược liệu, giúp cho người dân có thêm thị trường tiêu thụ, tăng thu nhập cho nhiều hộ gia đình.

Ông Hồ Văn Bim (bìa phải) tặng sâm Ngọc Linh giống cho người dân thôn 2.
Ông Hồ Văn Bim (bìa phải) tặng sâm Ngọc Linh giống cho người dân thôn 2.

Trao sinh kế cho hộ khó khăn

Nam Trà My được biết đến là thủ phủ sâm Ngọc Linh. Trong những năm vừa qua, hàng trăm hộ đồng bào Xơ Đăng nhờ trồng sâm Ngọc Linh (hay còn gọi là cây thuốc giấu) đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên chính mảnh đất của mình. Trong những năm gần đây, việc trao tặng sâm, hỗ trợ sâm theo mô hình vườn sâm cộng đồng đã không còn xa lạ gì với người dân nơi đây. Nhờ đó, các vườn sâm ngày càng nhân rộng, cùng với đó là tỉ lệ giảm nghèo ngày càng giảm nhanh.

Anh Hồ Văn Dấu – Bí thư Đoàn xã Trà Linh là một người như vậy. Hồi giữa tháng 7/2024, anh đã tặng 200 cây sâm giống Ngọc Linh cho nhiều hộ dân trên địa bàn thoát nghèo. Đây là số sâm Ngọc Linh anh lựa chọn từ vườn của mình, khoảng 1 đến 2 năm tuổi, cây khỏe mạnh và sinh trưởng tốt. Số sâm này được anh Dấu tặng cho 10 nhóm thanh niên đều thuộc hộ nghèo, hoặc mới thoát nghèo. Ngoài ra, vợ chồng anh còn tặng 20 cây sâm Ngọc Linh giống cho hộ bà Hồ Thị Huân là hộ neo đơn, người tàn tật thuộc diện khó khăn của xã.

“Trong năm trước, gia đình có ươm một lon hạt sâm Ngọc Linh, cây nảy mầm và phát triển tốt. Nhận thấy nhiều thanh niên ở địa phương muốn trồng sâm để phát triển kinh tế nên vợ chồng mình đã tặng một phần sâm giống cho họ với mong muốn họ chăm sóc tốt để phát triển vườn sâm. Ngoài ra, những hoàn cảnh khó khăn trong thôn thì vợ chồng cũng hỗ trợ một phần sâm giống” anh Dấu chia sẻ.

Ngoài vườn sâm của gia đình, hiện nay anh Dấu còn quản lý vườn sâm Đoàn kết. Mô hình này khai nguồn từ năm 2029, theo hình thức người có sâm góp sâm, người góp công. Sau khi thu hoạch, theo từng đóng góp của các hộ mà chi đoàn sẽ chia lại cho các hộ cả vốn lẫn lời. Hiện, vườn có 44 hộ, trong đó có 30 hộ là thanh niên. 

Anh Hồ Văn Dấu - Phó Bí thư Đoàn xã Trà Linh tặng sâm cho người nghèo. (Ảnh NVCC).
Anh Hồ Văn Dấu - Phó Bí thư Đoàn xã Trà Linh tặng sâm cho người nghèo. (Ảnh NVCC).

Người khởi xướng câu chuyện tặng sâm cho hộ nghèo là đảng viên Hồ Văn Bim (Chi bộ thôn 3, xã Trà Linh). Năm 2023, ông đã trao sinh kế cho 23 hộ dân trên địa bàn thôn bằng việc tặng sâm. Mỗi hộ nghèo được tặng từ 3 – 5 cây sâm để trồng và chăm sóc. Bên cạnh đó, ông cũng tạo điều kiện sản xuất cho một số hộ dân khó khăn làm công tại vườn sâm nhà mình. Tiền công được quy đổi bằng cây sâm giống Ngọc Linh.

Ông Hồ Văn Dang - Phó Chủ tịch UBND xã Trà Linh cho hay: Hiện nay trên địa bàn xã có 4 vườn sâm Đoàn kết thuộc quản lý của Chi bộ 3 thôn. Từ các vườn sâm Đoàn kết này, nhiều hộ khó khăn hằng năm được hỗ trợ từ gốc sâm giống, hạt sâm giống để sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Ngoài ra, xã cũng thường phối hợp với các chi bộ và tổ chức, doanh nghiệp để tặng sâm giống cho người dân. Bên cạnh đó, nhiều đảng viên, cá nhân cũng tích cực trong việc tặng sâm, cho mượn sâm để các hộ nghèo vươn lên trong sản xuất.

Là một trong những hộ khó khăn được nhận sâm Ngọc Linh giống từ Vườn sâm Chi bộ thôn 2 hồi tháng 10/2024, chị Hồ Thị Vẽ (dân tộc Xơ Đăng, ngụ thôn 2, xã Trà Linh) rất xúc động. “Nhận được hỗ trợ sâm Ngọc Linh giống từ Vườn sâm Chi bộ thôn, tôi mừng lắm. Tôi sẽ cố gắng trồng, chăm sóc, và quản lý để khỏi bị chuột cắn phá. Trong thôn, không chỉ tôi mà nhiều hộ khó khăn cũng được tặng sâm giống và hạt sâm để phát triển kinh tế”, chị Vẽ nói.

Sâm Ngọc Linh (đồng bào Xơ Đăng còn gọi cây thuốc giấu) có giá trị kinh tế cao, giúp người dân thoát nghèo.
Sâm Ngọc Linh (đồng bào Xơ Đăng còn gọi cây thuốc giấu) có giá trị kinh tế cao, giúp người dân thoát nghèo.

Ông Hồ Văn Viêm – Phó Bí thư Thường trực xã Trà Linh, chia sẻ: Trong những năm gần đây, phong trào tặng sâm Ngọc Linh cho người nghèo làm kinh tế được đẩy mạnh thực hiện, qua đó giúp những hộ khó khăn có điều kiện vươn lên sản xuất. Người tiên phong trong việc này là những đảng viên, họ rất nhiệt tình trong việc giúp đỡ, hỗ trợ các hộ khó khăn để cùng vươn lên. Cùng với đó, tại nhiều thôn trên địa bàn xã cũng hình thành nhiều vườn sâm chi bộ, qua đó mỗi năm đều hỗ trợ cho các hộ nghèo trong thôn để cải thiện kinh tế.

“Với tinh thần lá lành đùm lá rách, các đảng viên tại địa phương đã cùng chia sẻ cây giống, hạt giống sâm Ngọc Linh cho nhiều người dân cùng trồng để thoát nghèo. Hiện nay, có khoảng 10 đảng viên trên địa bàn thường xuyên làm công việc này. Bên cạnh đó, họ còn hỗ trợ cho các hộ dân cách trồng, chăm sóc để đạt được kết quả. Xã cũng thường xuyên tuyên truyền, khuyến khích những hành động đẹp như vậy từ các đảng viên”, ông Viêm chia sẻ.

Phiên chợ Sâm Ngọc Linh diễn ra hàng tháng tại thủ phủ Sâm Ngọc Linh Nam Trà My mở ra thị trường mới cho nhiều người dân ở huyện miền núi Nam Trà My.
Phiên chợ Sâm Ngọc Linh diễn ra hàng tháng tại thủ phủ Sâm Ngọc Linh Nam Trà My mở ra thị trường mới cho nhiều người dân ở huyện miền núi Nam Trà My.

Giúp nhau thoát nghèo

Ông Trần Duy Dũng – Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, cho biết: Trên địa bàn toàn huyện tính đến hiện nay có khoảng 2.000 hộ phát triển kinh tế từ việc trồng cây dược liệu, trung bình mỗi năm trồng được từ 60ha các loại. Nhiều nhất trong số đó là nhóm hộ trồng Sâm Ngọc Linh với hơn 1.500 hộ, diện tích khoảng 1.650ha. Cùng với việc tăng diện tích về trồng sâm, huyện cũng đang kiểm soát tốt đối với nguồn gốc, chất lượng sâm giống trước khi hỗ trợ cho người dân đưa vào trồng.

Trong thời gian qua, huyện cũng thực hiện tốt các công tác về bảo tồn, phát triển và sản xuất cây giống sâm Ngọc Linh tại Trại sâm giống gốc Tắc Ngo. Trong năm 2024, đơn vị này đã cung ứng hơn 5.000 cây sâm giống cho cho người dân một số xã như Trà Linh, Trà Nam, Trà Vinh trồng thí điểm và bước đầu đem lại kết quả tốt. Nhằm giúp các hộ dân cải thiện kinh tế, trong những năm vừa qua, huyện đã hộ hơn 100.000 cây sâm giống có chất lượng tốt cho hơn 1.500 hộ đưa vào trồng và chăm sóc.

Cũng theo ông Dũng, Sâm Ngọc Linh trong những năm qua trở thành sinh kế của người dân, nhiều hộ thoát nghèo và vươn lên làm giàu nhờ sâm. Đơn cử như như Trà Linh, Trà Nam, mỗi năm có khoảng hơn 700 hộ thu nhập ổn định từ cây sâm, thu nhập từ hàng trăm triệu đến hơn 1 tỉ đồng mỗi hộ. Hơn nữa, trong thời gian qua, hàng chục doanh nghiệp, hợp tác xã trồng và chế biến sâm Ngọc Linh ra đời, tạo thành những chuỗi liên kết giảm nghèo hiệu quả.

Quảng Nam định hướng phát triển Sâm Ngọc Linh gắn với phát triển kinh tế vùng đồng bào DTTS và vươn tầm thế giới.
Quảng Nam định hướng phát triển Sâm Ngọc Linh gắn với phát triển kinh tế vùng đồng bào DTTS và vươn tầm thế giới.

“Các sản phẩm từ Sâm Ngọc Linh hiện nay cũng đã ổn định đầu ra đối với thị trường trong và ngoài nước. Để kích cầu cho người tiêu dùng, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho người trồng và chế biến sâm, huyện Nam Trà My đều đặn tổ chức các phiên chợ sâm Ngọc Linh hàng tháng. Việc tổ chức phiên chợ sâm Ngọc Linh ngoài giúp người dân phát triển kinh tế, còn là cơ hội để địa phương mở hướng phát triển du lịch, tạo tiền đề cho sự phát triển của các huyện miền núi nói riêng, Quảng Nam nói chung” ông Dũng chia sẻ thêm.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam vừa ban hành Nghị quyết về tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát triển Sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2035. Nghị quyết hướng đến mục tiêu sớm đưa Sâm Ngọc Linh thành cây trồng mũi nhọn, dẫn dắt nhiều ngành kinh tế khác, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh và vươn tầm thế giới. Trong đó, đặt mục tiêu đến năm 2030 phát triển vùng sản xuất và cung ứng nguyên liệu Sâm Ngọc Linh ở huyện Nam Trà My và các vùng di thực khác trên địa bàn tỉnh Quảng Nam với tổng diện tích 8.400ha để cung cấp nguồn nguyên liệu cho Trung tâm Công nghiệp dược liệu và phục vụ cho chế biến, tiêu thụ trong và ngoài tỉnh.

Tin cùng chuyên mục
Diện mạo mới trên quê hương Bảo Thắng

Diện mạo mới trên quê hương Bảo Thắng

Trở lại huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai những ngày đầu năm mới Ất Tỵ 2025, chúng tôi có thể cảm nhận rõ nét bức tranh nông thôn mới nâng cao đang dần hiện hữu. Những công trình mới mọc lên, những ngôi nhà cao tầng khang trang, hiện đại. Đường giao thông nông thôn được mở rộng, trải dài từ trung tâm huyện đến các bản làng, tạo nên một diện mạo tươi mới, đầy sức sống.