Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Hồ Chí Minh trong trái tim đồng bào Bru -Vân Kiều: Làm theo lời Bác (Bài 2)

Phạm Tiến - 08:36, 09/06/2022

Vinh dự được mang họ Hồ, người Bru –Vân Kiều luôn khắc ghi và làm theo lời Bác “Đoàn kết, yêu Tổ quốc, hăng say lao động….”. Chung tay với cộng đồng các dân tộc anh em nơi đại ngàn Trường Sơn đuổi “giặc dốt” đẩy lùi “giặc đói” ...

Người Bru Vân Kiều ở bản Khe Ngang (Trường Xuân) đã trồng lúa nước, làm chủ được lương thực từ nhiều năm nay
Người Bru - Vân Kiều ở bản Khe Ngang (Trường Xuân) đã trồng lúa nước, làm chủ được lương thực từ nhiều năm nay

Chiến thắng “giặc đói”

Trong kháng chiến, vùng cư trú của đồng bào Bru - Vân Kiều trở thành căn cứ cách mạng, là cầu nối, cửa ngõ giữa hai miền Nam Bắc nước ta. Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, đồng bào Bru - Vân Kiều phải hứng chịu những trận càn quét, những trận ném bom mang tính huỷ diệt, thậm chí còn phải hứng chịu những đợt phóng, rải chất độc hoá học của kẻ thù.

Song, một lòng theo Đảng, theo Bác, đồng bào dân tộc Bru - Vân Kiều luôn kiên cường, bất khuất đấu tranh không khoan nhượng với kẻ thù. Họ đồng lòng cùng các dân tộc anh em ở đại ngàn Trường Sơn gùi đạn, tải lương nuôi bộ đội. Trai tráng Bru –Vân Kiều cầm súng tham gia chiến trường cùng các lực lượng vũ trang nhân dân đánh đuổi kẻ thù, giữ vững từng tất đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Hòa bình lập lại, đồng bào Bru-Vân Kiều khai hoang phục hóa, tăng gia sản xuất đuổi “giặc đói” như lời Bác dạy. Những phong trào như “Đưa cây lúa nước lên ngàn”; “trồng thêm khoai và sắn…” được đồng bào đồng loạt thực hiện với sự giúp sức của Bộ đội Biên phòng, hỗ trợ của chính quyền địa phương. Trải qua nhiều thập kỷ, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào Bru - Vân Kiều liên tục được giảm, dù chưa hết nghèo nhưng “giặc đói” thì được đẩy, đuổi.

Ở Quảng Bình, đồng bào Bru- Vân Kiều cư ngụ tập trung ở 85 bản thuộc 11 xã của 5 huyện vùng cao. Trong đó, 2 xã Trường Xuân và Trường Sơn (Quảng Ninh), được coi là hai xã xa xôi và đặc biệt khó khăn (ĐBKK) của tỉnh Quảng Bình. Cùng với những chính sách đặc thù của Đảng, Nhà nước dành cho vùng DTTS, vùng ĐBKK và sự nỗ lực vươn lên của đồng bào Bru-Vân Kiều, mà hôm nay, cuộc sống của họ có nhiều thay đổi. 

Dấu ấn như ở xã Trường Xuân, từ năm 2017 đã trở thành điểm sáng của huyện khi hoàn thành Chương trình 135, thoát khỏi xã ĐBKK. Minh chứng ở bản Lâm Ninh (xã Trường Xuân). Bản có 52 hộ, với 187 nhân khẩu, nhờ đoàn kết làm  theo lời Bác căn dặn, các hộ dân đã phát huy nội lực; chủ động tìm hướng thoát nghèo từ những mô hình chăn nuôi, trồng rừng kinh tế...; đến nay, bản có trên 150 con trâu, bò, 231ha rừng kinh tế, nhận bảo vệ 150ha rừng tự nhiên; nhiều hộ đồng bào Bru- Vân Kiều còn nuôi hàng chục đàn ong lấy mật, mang lại giá trị kinh tế cao… Từ một vùng đất hoang, Lâm Ninh trở thành một trong những bản của đồng bào Bru - Vân Kiều ở Quảng Bình đi đầu trong phát triển kinh tế, xóa giảm nghèo bền vững.

Có 12 ha lúa nước, 200ha đất rừng, bản Khe Ngang (xã Trường Xuân) có100 hộ đồng bào Bru- Vân Kiều, cũng đã trở thành một bản khá của địa phương. Nơi đây, đã xuất hiện nhiều ngôi nhà kiên cố,  đường giao thông được bê tông phẳng phiu thuận lợi cho người dân đi lại; ruộng đồng được bà con khai thác để sản xuất, canh tác quanh năm.

Cùng với bản Lâm Ninh, bản Khe Ngang xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh; những bản làng của người Bru- Vân Kiều ở Quảng Bình giờ cũng đổi khác. Đường bê tông đã vào tận bản, những ngôi nhà kiên cố mọc lên ngày một nhiều hơn. Số hộ thiếu đói là người Bru - Vân Kiều đã không còn. Làm theo lời Bác, đồng bào Bru - Vân Kiều “hăng say lao động” chiến thắng “giặc đói”.

Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Dân Hóa có 552 học sinh, trong đó gần 100% học sinh là con em đồng bào Bru- Vân Kiều và đồng bào Chứt
Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Dân Hóa có 552 học sinh, trong đó gần 100% học sinh là con em đồng bào Bru- Vân Kiều và đồng bào Chứt

Đẩy lùi “giặc dốt”

Trong hành trình ngược ra hướng Bắc, trên đường Hồ Chí Minh về với đồng bào Bru- Vân Kiều trên dãy Trường Sơn. Thông tin từ ông Đinh Tuấn Anh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện vùng cao Minh Hóa (Quảng Bình): “Tỉ lệ phổ cập giáo dục ở 2 cấp tiểu học và THCS của huyện đã đạt chuẩn mức III, kể cả vùng đồng bào DTTS”, là một tín hiệu vui về công cuộc đẩy lùi “giặc dốt” của đồng bào Bru- Vân Kiều nói riêng và cộng đồng các DTTS trên dãy Trường Sơn nói chung.

Đến thăm xã biên giới Dân Hóa (Minh Hóa) có 99% dân số là người đồng bào DTTS. Đây được xem là xã khó khăn nhất, xa nhất của huyện Minh Hóa. Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Dân Hóa có 552 học sinh, trong đó gần 100% học sinh là con em dân tộc Bru- Vân Kiều và Chứt. Kết thúc năm học 2021- 2022, dù trong điều kiện dịch bệnh ảnh hưởng đến công tác dạy học, nhưng thầy, trò nhà trường cũng đạt được nhiều thành tích đáng khích lệ.

Vùng đồng bào DTTS huyện vùng cao Minh Hóa (Quảng Bình) đều có tỉ lệ phổ cập đạt chuẩn mức độ III, ở 2 cấp học Tiểu học và Trung học cơ sở
Vùng đồng bào DTTS huyện vùng cao Minh Hóa (Quảng Bình) đều có tỉ lệ phổ cập đạt chuẩn mức độ III, ở 2 cấp học Tiểu học và Trung học cơ sở

Thầy Nguyễn Văn Chương, Hiệu Trưởng nhà trường chia sẻ : “Tỉ lệ huy động trẻ vào lớp 1 ở xã đạt 100%. Tuy chất lượng đại trà chưa bằng các đơn vị dưới xuôi, nhưng nhìn chung đạt yêu cầu, chỉ tiêu đề ra. Đặc biệt năm học này, nhà trường có đến 25% học sinh được xếp loại khá giỏi”.

Thầy Chương thông tin thêm, học sinh đồng bào DTTS bây giờ có ý thức học tập, vươn lên cao lắm. Cùng với đó, đồng bào cũng tiến bộ nhiều hơn so với trước, trừ những người đã già thì hầu hết bà con đều biết đọc, biết viết, biết tính toán cơ bản.

Nhớ lại điểm dừng chân thứ 2, trên hành trình về với đồng bào Bru- Vân Kiều ở bản Làng Ho, xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy, trò chuyện với Người có uy tín Hồ Bách, ông cũng từng nói: “ Bác Hồ đã dạy phải diệt “giặc dốt”, đồng bào mình hăng hái làm theo Bác.Hiện nay, đồng bào mình đã biết đọc, biết viết chỉ trừ người quá già. Đặc biệt, Nhà nước quan tâm xây trường lớp khang trang, các cháu đi học được miễn, giảm tiền học,  lại được hỗ trợ nhiều mặt mà không học là có tội với Đảng, có tội với Bác Hồ”.

 Lời của ông Hồ Bách khiến cho tôi càng hiểu thêm tấm lòng của người Bru- Vân Kiều dành cho Bác, cũng như niềm tin của đồng bào dành cho Đảng là sắc son bất diệt.