Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Hiệu quả tín dụng chính sách xã hội ở Hòa Bình sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW

Mai Hương - 08:34, 01/12/2024

Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (gọi tắt là Chỉ thị số 40), nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã được tăng cường, khơi thông, đến gần hơn với người dân. Góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững, tạo việc làm, đẩy lùi tín dụng đen, nâng cao đời sống Nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới.

Anh Ngô Ngọc Hải (thứ 3 từ phải qua) ở xóm 1, xã Tử Nê, huyện Tân Lạc (Hòa Bình) trao đổi với lãnh đạo NHCSXH chi nhánh tỉnh và huyện
Anh Ngô Ngọc Hải (thứ 3 từ phải qua) ở xóm 1, xã Tử Nê, huyện Tân Lạc (Hòa Bình) trao đổi với lãnh đạo NHCSXH chi nhánh tỉnh và huyện

Trao sinh kế - gặt quả ngọt

Gia đình anh Ngô Ngọc Hải ở xóm 1, xã Tử Nê, huyện Tân Lạc (Hòa Bình) là một trong nhiều hộ vay điển hình trong sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH). Là người gốc tỉnh Nam Định đi xây dựng kinh tế mới ở vùng núi của Hoà Bình lúc đầu cũng gặp nhiều khó khăn, nhưng bằng ý chí, nghị lực cùng với nguồn vốn ưu đãi, gia đình anh Ngô Ngọc Hải, ở xóm 1, xã Tử Nê qua nhiều vòng vay NHCSXH đã gây dựng được vườn bưởi gần 200 gốc, cứ đến vụ là thương lái đến mua, cho thu nhập đều hằng năm khoảng 200 triệu đồng. Hiện nay, gia đình anh đang còn dư nợ của NHCSXH 40 triệu đồng vốn giải quyết việc làm và 20 triệu đồng vốn vay chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.

Phó Chủ tịch huyện Tân Lạc Lê Chí Huyên, cho biết, với huyện miền núi có tới 85% dân số là người đồng bào dân tộc Mường, điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. “Chúng tôi đánh giá cao hoạt động NHCSXH trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, góp phần đảm bảo an sinh xã hội của địa phương. Đặc biệt, khi có Chỉ thị số 40, cấp uỷ, chính quyền địa phương vào cuộc ngay. Huyện Tân Lạc cũng ban hành các văn bản chỉ đạo, tuyên truyền tới cấp uỷ, đảng viên và đã mang lại nhiều kết quả”, ông Huyên khẳng định và chia sẻ, sau 10 năm thực hiện mục tiêu đến năm 2030, con số này đạt khoảng 40 tỷ đồng. Theo ông Huyên, đây là sự nỗ lực của huyện, bởi 40 tỷ đồng đúng bằng với con số thu ngân sách trong 1 năm của huyện.

Nhờ nguồn vốn 50 triệu đồng từ Chương trình vốn cho vay hộ sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn của NHCSXH , gia đình anh Hà Công Lợi ở xóm Chiến, xã Vân Sơn, huyện Tân Lạc (Hòa Bình), đầu tư 300 cây cam quýt, chăn nuôi 2 bò mẹ và 10 con lợn. Nhờ đó đã giúp gia đình anh thu nhập hơn 100 triệu/1 năm.
Nhờ nguồn vốn 50 triệu đồng từ Chương trình vốn cho vay hộ sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn của NHCSXH, gia đình anh Hà Công Lợi ở xóm Chiến, xã Vân Sơn, huyện Tân Lạc (Hòa Bình), đầu tư 300 cây cam quýt, chăn nuôi 2 bò mẹ và 10 con lợn. Nhờ đó đã giúp gia đình anh thu nhập hơn 100 triệu đồng/1 năm

Nguồn vốn không ngừng tăng trưởng

Giám đốc NHCSXH Chi nhánh Hoà Bình Nguyễn Minh Hưng, cho biết, hoạt động tín dụng chính sách xã hội luôn nhận được sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh. Sự quan tâm này được cụ thể hoá bằng chính sách riêng có của tỉnh như Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ vay vốn đối với người lao động trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, giai đoạn 2023-2026. Kinh phí thực hiện từ nguồn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH chi nhánh tỉnh. Với quy định này, người lao động không thuộc hộ nghèo và hộ đồng bào DTTS đều được vay vốn đi lao động ở nước ngoài. Đặc biệt, dù nguồn thu từ ngân sách không cao nhưng hằng năm tỉnh dành 50 tỷ đồng chuyển sang NHCSXH chi nhánh, để cho vay các chương trình tín dụng chính sách xã hội.

Sau 10 năm triển khai Chỉ thị số 40, đã giải ngân trên 14.153 tỷ đồng với hơn 684,2 ngàn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn; thu nợ trên 9.193,5 tỷ đồng. Đến 30/6/2024, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 5.096,7 tỷ đồng; tăng 3.233,6 tỷ đồng (tăng 2,8 lần) so với trước khi có Chỉ thị số 40, tốc độ tăng trưởng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách bình quân hằng năm đạt khoảng 17%.

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, giai đoạn 2011-2015 từ 31,51% xuống 12,26%; giai đoạn 2016 - đến nay từ 24,38% xuống còn 9,2%.
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, giai đoạn 2011-2015 từ 31,51% xuống 12,26%; giai đoạn 2016 - đến nay từ 24,38% xuống còn 9,2%

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có hơn 102.251 hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang còn dư nợ, chiếm 46,2% số hộ dân trên địa bàn và chiếm thị phần 12,6% tổng dư nợ tín dụng ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh; trong đó dư nợ hộ đồng bào DTTS đạt 4.183 tỷ đồng, chiếm 82,83%/tổng dư nợ, với 84,4 ngàn hộ vay vay vốn, bình quân gần 50 triệu đồng hộ vay. Vốn tín dụng chính sách đã giúp trên 125,4 ngàn hộ vượt qua ngưỡng nghèo, giải quyết việc làm cho trên 65,9 ngàn lao động, giúp 1.624 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, hỗ trợ trên 31,9 ngàn học sinh, sinh viên được vay vốn để chi phí học tập. Góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2011-2015 từ 31,51% xuống 12,26%; giai đoạn 2016 - đến nay từ 24,38% xuống còn 9,2%.

Để đạt được thành công trên, Giám đốc NHCSXH Chi nhánh Hoà Bình Nguyễn Minh Hưng, cho biết, chúng tôi luôn bám sát các chủ trương phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; vốn tín dụng chính sách xã hội đã chuyển tải kịp thời đến đối tượng thụ hưởng tập trung cho vay vào các vùng nghèo, vùng trọng điểm, xây dựng nông thôn mới để làm tốt các kế hoạch, mục tiêu hằng năm. Khi đã làm tốt nhiệm vụ của ngân hàng luôn nhận được sự ủng hộ của các tổ chức chính trị - xã hội và người dân thì hiệu quả lại nhân thêm nữa. “Ngân hàng đang cho vay hơn 102 nghìn khách hàng nhưng nhiều năm qua người dân không có phản ánh gì là niềm vui với chúng tôi”, ông Hưng chia sẻ.

Anh Bùi Văn Sơn ở xóm Chiến, xã Vân Sơn, huyện Tân Lạc (Hòa Bình) phấn khở trao đổi cùng các anh chị NHCSXH và phóng viên về hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay
Anh Bùi Văn Sơn ở xóm Chiến, xã Vân Sơn, huyện Tân Lạc (Hòa Bình) phấn khởi trao đổi cùng các anh chị NHCSXH và phóng viên về hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay

Việc không ngừng củng cố, nâng cao chất lượng tại các điểm giao dịch là một trong những thành công của NHCSXH Hoà Bình. Hoạt động của 151 điểm giao dịch tại đơn vị hành chính cấp xã ngày càng ổn định và đi vào nề nếp, hiệu quả, được Nhân dân, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, các cơ quan, ban, ngành đánh giá cao, là một bước tiến trong cải cách thủ tục hành chính và là một đặc thù riêng có của NHCSXH, thể hiện tinh thần phục vụ, trách nhiệm của cán bộ NHCSXH đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Qua đó, tạo được lòng tin của Nhân dân đối với các chính sách của Đảng, Chính phủ và hoạt động tín dụng chính sách.

Trong thời gian tới, để phát huy hơn nữa vai trò và hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn, tỉnh Hòa Bình tiếp tục quán triệt sâu rộng, đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 40 và xem đây là nhiệm vụ quan trọng trong chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Triển khai, mở rộng cuộc vận động tiết kiệm chung tay vì người nghèo nhằm bổ sung nguồn vốn cho NHCSXH thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội. Chủ động tham mưu đề xuất chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, phù hợp với giai đoạn mới.