Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Hiệu quả đầu tư phát triển vùng DTTS, miền núi ở Ninh Thuận

PV - 09:53, 28/05/2019

Thời gian qua, một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu được các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Ninh Thuận quan tâm thực hiện, đó là tập trung nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội khu vực miền núi, nhằm rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các vùng miền, giữa các dân tộc.

Cây bưởi da xanh đã giúp cho nhiều hộ đồng bào DTTS ở xã Phước Bình (Bác Ái) thoát nghèo. Cây bưởi da xanh đã giúp cho nhiều hộ đồng bào DTTS  ở xã Phước Bình (Bác Ái) thoát nghèo.

Đầu tư có trọng điểm

Để rút ngắn khoảng cách phát triển giữa khu vực miền núi với khu vực đồng bằng tạo diện mạo mới cho các vùng cao, giai đoạn 2016-2018, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế-xã hội miền núi, bằng nguồn lực từ các chương trình, dự án (30a, 135…) và các nguồn lực khác, tỉnh Ninh Thuận đã huy động trên 1.118 tỷ đồng để đầu tư cho công tác giảm nghèo tại vùng DTTS, miền núi.

Theo đó, trong 3 năm qua, hệ thống giao thông, thủy lợi ở miền núi được đầu tư rất kịp thời, một số tuyến đường giao thông kết nối các xã vùng núi lại với nhau đã được đầu tư rất đồng bộ. Điển hình như: tuyến đường kết nối xã Phước Đại-Phước Trung; tuyến Ba Tháp-Suối Le-Phước Kháng; tuyến Lâm Sơn-Phước Hòà… Nhiều công trình an sinh xã hội khác như: trường, trạm, nhà sinh hoạt cộng đồng… cũng được đầu tư mở rộng để đáp ứng nhu cầu của người dân.

Bên cạnh đó, các địa phương, sở, ngành cũng tập trung chỉ đạo, hỗ trợ các vùng khó khăn phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Trong đó, tập trung khai thác tốt nhất các lợi thế của vùng khí hậu khô hạn để phát triển nông nghiệp miền núi bền vững.

Điển hình tại xã vùng cao Phước Bình (Bác Ái) từ định hướng của tỉnh về cây bưởi da xanh, đến nay bưởi da xanh đang là loại cây “giảm nghèo nhanh và bền vững” của địa phương, với quy mô ngày càng mở rộng và mang lại nguồn thu nhập ổn định cho các hộ dân. Nhờ vậy, đời sống đồng bào Raglai ngày càng sung túc, những căn nhà làm bằng tre, nứa trước kia được thay thế bởi những ngôi nhà xây kiên cố theo các mẫu kiến trúc hiện đại.

Sự chuyển biến mạnh mẽ

Hiện nay, nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc thù của đồng bào Phước Bình đã tạo nên thương hiệu đặc biệt về chất lượng trên thị trường, nên nhiều thương lái trong và ngoài tỉnh tìm đến tận vườn để thu mua với giá cao. Mỗi năm, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm trên 5%, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 30,66%.

Chia vui với chúng tôi về sự thay đổi của địa phương, ông Mẫu Thái Phương, Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Bác Ái cho biết, địa phương đang có những bước chuyển biến tích cực; thu ngân sách trên địa bàn vượt kế hoạch. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao được tổ chức trong các dịp lễ, tết, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc...

Bà Pi Năng Thị Thủy, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận cho biết: Lĩnh vực giáo dục và đào tạo ở miền núi cũng đang có nhiều chuyển biến tích cực, quy mô tăng nhanh, công tác phổ cập giáo dục mầm non, tiểu học, THCS luôn được duy trì và củng cố tại 27/27 xã, góp phần nâng cao thành tích học tập của con em miền núi, nhất là con em đồng bào DTTS; công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn thực hiện đạt kết quả cao. Tính riêng trong giai đoạn 2016-2018, đã đào tạo nghề cho hơn 4.000 lao động nông thôn; giải quyết việc làm mới cho 16.500 người; công tác chăm sóc sức khỏe, phát triển văn hóa, thể dục thể thao phục vụ tinh thần cho người dân được chú trọng...

Có thể khẳng định, hiệu quả từ các nguồn lực đầu tư phát triển vùng DTTS, miền núi thông qua các chương trình, dự án, chính sách… đã mang lại một diện mạo mới cho các xã vùng cao tỉnh Ninh Thuận. Đời sống văn hóa-tinh thần của đồng bào các DTTS trong tỉnh ngày càng được cải thiện, nâng cao.

LÊ PHƯƠNG