Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Hiệu quả Chương trình 135 ở An Lão

PV - 14:55, 22/10/2018

Huyện An Lão (Bình Định) có 9 xã và 5 thôn khu vực II thuộc diện đặc biệt khó khăn được thụ hưởng Chương trình 135. Theo báo cáo của UBND huyện An Lão, từ năm 2016 - 2018, từ nguồn kinh phí hơn 38 tỷ đồng do Trung ương cấp, huyện An Lão đã triển khai hiệu quả các hợp phần của Chương trình, qua đó góp phần thay đổi diện mạo về cơ sở hạ tầng, đời sống kinh tế ở An Lão.

Ông Đỗ Tùng Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão cho biết: CT 135 đã dành gần 29 tỷ đồng để hỗ trợ đầu tư, xây dựng 42 công trình xây dựng cơ bản về giao thông, thủy lợi, giáo dục, y tế, văn hóa và nước sạch...; nhờ đó đến thời điểm hiện tại, 100% đường liên xã và đường từ trung tâm xã đến huyện được nhựa hóa hoặc bê tông hóa; hơn 96% thôn, xóm có đường trục giao thông được cứng hóa theo tiêu chuẩn của Bộ GTVT; hơn 97% hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% hộ được sử dụng điện lưới quốc gia; 80% số xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế; 100% diện tích cây trồng được tưới bằng hệ thống thủy lợi; 100% xã có mạng lưới trường mầm non, phổ thông, trung tâm học tập cộng đồng đáp ứng nhu cầu học tập, nâng cao kiến thức cho người dân…

Các hộ đồng bào DTTS ở An Lão đã thay đổi tư duy sản xuất, chuyển đổi cây trồng phù hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao. (trong ảnh bà con làm đất chuẩn bị trồng dưa hấu). Các hộ đồng bào DTTS ở An Lão đã thay đổi tư duy sản xuất, chuyển đổi cây trồng phù hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao. (trong ảnh bà con làm đất chuẩn bị trồng dưa hấu).

Bên cạnh đó, huyện đã dành hơn 6,7 tỷ đồng hỗ trợ các giống cây trồng, vật nuôi bản địa như trâu, bò sinh sản, bưởi da xanh; hỗ trợ các hộ mua nông cụ sản xuất để nâng cao hiệu quả sản xuất.

Theo ông Đỗ Tùng Lâm, hiệu quả rõ rệt nhất của hợp phần hỗ trợ sản xuất là, giúp đồng bào tiếp cận với giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, thay đổi tập quán và kỹ thuật sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa, nhờ vậy mà giá trị sản xuất nông nghiệp được nâng lên, thu nhập của các hộ gia đình từ đó tăng hơn, góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo của huyện xuống còn 53,8%.

Tuy nhiên, qua đánh giá của Ban Dân tộc tỉnh Bình Định, quá trình thực hiện CT 135 ở An Lão còn tồn tại một số hạn chế. Như tiến độ giải ngân hợp phần hỗ trợ sản xuất còn chậm. Minh chứng như một số phần việc đầu tư hỗ trợ có tính chất một lần như gia cầm, trâu, bò, cây giống… sau một chu kỳ đầu tư, một số hộ không tái đầu tư trở lại nên thu nhập không bền vững. Bên cạnh đó, trong hợp phần hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, do điều chỉnh, bổ sung danh mục công trình, nên tiến độ thi công một số công trình cũng bị chậm, không đúng kế hoạch đề ra.

Trao đổi về giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn từ CT 135, ông Đỗ Tùng Lâm cho hay: Do xuất phát điểm thấp, nguồn lực của địa phương hạn chế, trong khi nhu cầu xây dựng các công trình phục vụ đời sống nhân dân và phát triển sản xuất kinh tế ở địa phương còn rất lớn nên tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn cao.

Do đó, huyện kiến nghị tỉnh, Trung ương tăng suất đầu tư hằng năm, tạo điều kiện cho địa phương có đủ kinh phí bố trí các công trình trọng điểm thúc đẩy phát triển KT-XH; tăng mức đầu tư nguồn vốn duy tu bảo dưỡng, hỗ trợ phát triển sản xuất CT 135 để các hộ dân có thêm điều kiện mở rộng sản xuất tăng thu nhập.

“Trong quá trình triển khai các chương trình, dự án chính sách, huyện cũng chú trọng công tác chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát việc sử dụng nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ, đảm bảo phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn, chống thất thoát, lãng phí”, Phó Chủ tịch UBND huyện Đỗ Tùng Lâm cho hay.

LÊ PHƯƠNG