Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Hiệu quả chính sách cấp phát báo chí cho đồng bào DTTS

PV - 14:52, 06/02/2018

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đầu tư cho vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn nhằm nâng cao đời sống văn hoá tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, chính sách cấp không thu tiền một số loại báo, tạp chí cho vùng DTTS và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn theo các Quyết định 2472, 1977/QĐ-TTg và nay là Quyết định 59/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã mang lại những lợi ích thiết thực, giúp đồng bào nâng cao nhận thức, trình độ dân trí, học tập những mô hình kinh tế điển hình… nhằm xoá đói giảm nghèo cho vùng miền núi. Phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển đã phỏng vấn Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Nông Quốc Tuấn một số vấn đề về chính sách cấp phát báo chí không thu tiền cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Xin Thứ trưởng cho biết một số kết quả việc thực hiện chính sách cấp phát báo chí cho đồng bào DTTS?

Thực hiện các Quyết định 2472, 1977/QĐ-TTg và nay là Quyết định 59/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các Báo đã tích cực tuyên truyền thực hiện chính sách dân tộc, góp phần đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới” tại vùng DTTS và miền núi.

Những ấn phẩm báo, tạp chí cấp không thu tiền đã tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền phục vụ sự nghiệp phát triển chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội vùng DTTS và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Triển khai Quyết định số 2472/QĐ-TTg và 1977/QĐ-TTg và nay là Quyết định 59/QĐ-TTg các cơ quan, đơn vị đã phối hợp lập danh sách cấp phát báo đúng đối tượng được thụ hưởng, đảm bảo báo được phát trong ngày, đồng bào các dân tộc ở các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn đều có báo đọc.

Đồng bào ở vùng sâu, vùng xa thường xuyên nhận được các loại báo, tạp chí do Chính phủ cấp. Ảnh Đình Quang Đồng bào ở vùng sâu, vùng xa thường xuyên nhận được các loại báo, tạp chí do Chính phủ cấp. Ảnh Đình Quang

 

Các báo, tạp chí đã đẩy mạnh tuyên truyền về phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo, giữ gìn bản sắc dân tộc; giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức và cảnh giác trước âm mưu của các thế lực thù địch; phê phán đẩy lùi các tệ nạn xã hội như: mê tín dị đoan, cờ bạc, nghiện hút, tiếp tục vạch trần âm mưu của kẻ xấu nhằm kích động phá hoại khối đại đoàn kết các dân tộc ở các vùng trọng điểm.

Đồng thời việc đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực, các báo, tạp chí đã dành phần lớn nội dung tuyên truyền về xây dựng đời sống văn hóa; cổ vũ, hướng dẫn đồng bào biết trân trọng, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp về tiếng nói, chữ viết, trang phục, lễ hội truyền thống, di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, kiến trúc, công cụ sản xuất, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục tập quán, văn hóa, nghệ thuật tốt đẹp của nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Chú trọng tuyên truyền cho đồng bào các kiến thức chăm sóc sức khỏe bản thân và gia đình, tổ chức xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư, tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết…

Với ưu điểm và thế mạnh là đưa thông tin sâu và lưu trữ thông tin lâu, báo in ngoài việc chuyển tải kịp thời thông tin đến với đồng bào vùng DTTS, vùng đặc biệt khó khăn, còn là cẩm nang không thể thiếu giúp cán bộ, đảng viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang và bộ đội biên phòng, già làng, trưởng bản, Người có uy tín làm tài liệu tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Bên cạnh đó, báo viết đã xóa được các điểm trắng về thông tin đến các thôn, bản vùng sâu, vùng xa mà báo nói, báo hình, báo điện tử chưa thực hiện được.

Hiện nay, Bưu điện làm nhiệm vụ phát hành toàn bộ các ấn phẩm báo, tạp chí theo Quyết định 59/QĐ-TTg. Từ năm 2017 đến tháng 9/2018, với 18 loại báo, tạp chí cho các đối tượng được hưởng, góp phần thực hiện tốt công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào DTTS. Các ấn phẩm báo, tạp chí được cấp phát đến các đối tượng thụ hưởng đủ số lượng, đảm bảo cả về chất lượng nội dung, hình thức và đúng đối tượng.

Xin Thứ trưởng cho biết khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện chính sách cấp phát báo chí cho đồng bào dân tộc thiểu số?

Bên cạnh những kết quả đã đạt được như đã nói ở trên, việc thực hiện chính sách vẫn còn một số hạn chế, bất cập như: Do đồng bào các dân tộc được thụ hưởng chính sách này sinh sống chủ yếu trên địa bàn hơn 80% là miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn nên giao thông gặp rất nhiều khó khăn trong việc cấp, phát báo thường xuyên. Việc cấp kinh phí cho báo, tạp chí còn chậm do có sự thay đổi về cơ chế thanh toán; một số báo còn chậm đổi mới, chất lượng còn hạn chế, ỷ lại trông chờ vào nguồn ngân sách.

Để việc thực hiện chính sách cấp phát báo chí cho đồng bào DTTS thực sự hiệu quả, xin Thứ trưởng cho biết thời gian tới cần tập trung những vấn đề gì?

Có thể nói chính sách được đánh giá là mang lại nhiều hiệu quả đối với đồng bào các dân tộc. Vì vậy, để thực hiện tốt chính sách cấp phát báo chí cho đồng bào DTTS thực sự hiệu quả, thời gian tới, Ủy ban Dân tộc sẽ phối hợp các bộ, ngành cơ quan, các địa phương liên quan xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng, hiệu quả của các ấn phẩm báo, tạp chí tới đối tượng thụ hưởng. Trước mắt, các báo, tạp chí, Tổng Công ty Phát hành báo chí cần khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế. Khi xây dựng các nội dung thông tin, tuyên truyền cố gắng để đồng bào dễ đọc, dễ hiểu và dễ làm theo hơn.

Bên cạnh đó, các Báo, tạp chí cần bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc để tuyên truyền đến bà con các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo và phản ánh tâm tư, nguyện vọng của bà con các dân tộc với Đảng và Nhà nước. Trong đó, các báo, tạp chí cần có những bài viết tuyên truyền về phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo, giữ gìn bản sắc dân tộc; các gương tập thể, cá nhân, già làng, trưởng bản, Người có uy tín, nhân sĩ trí thức điển hình tiên tiến; giáo dục chính trị tư tưởng; phê phán đẩy lùi các tệ nạn xã hội như: mê tín dị đoan, cờ bạc, nghiện hút , tiếp tục vạch trần âm mưu của kẻ xấu nhằm kích động phá hoại khối đại đoàn kết các dân tộc ở các vùng trọng điểm.

Xin cảm ơn Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm.

VĂN PHONG ( thực hiện )